2015 - Năm bước ngoặt của thị trường xe hơi Trung Quốc

GIANG LANG| 30/12/2015 06:46

Sự tăng trưởng liên tục của thị trường xe hơi Trung Quốc đang đi đến hồi kết khi kết thúc năm 2015.

2015 - Năm bước ngoặt của thị trường xe hơi Trung Quốc

Sự tăng trưởng liên tục của thị trường xe hơi Trung Quốc đang đi đến hồi kết khi kết thúc năm 2015.

Đọc E-paper

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2015 chỉ khoảng 7%, thấp nhất thời kỳ phát triển liên tục trong 30 năm qua. Vì thế, ngành xe hơi Trung Quốc cũng chứng kiến những bước thụt lùi đầu tiên sau 6 năm liền thống trị thị trường xe toàn cầu.

Miếng bánh "hết ngon"

Từ sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, ngành công nghiệp xe hơi của nước này đã tăng trưởng đáng kinh ngạc. Từ chỗ chỉ hơn 2 triệu xe giai đoạn đầu ấy, số xe bán ra tại Trung Quốc phát triển liên tục trong 15 năm ròng với gấp 10 lần con số ấy, đạt khoảng 23 triệu chiếc mỗi năm.

Tuy nhiên trong năm 2015, nhiều sự kiện và con số cho thấy sự thịnh vượng này đã đến hồi kết thúc. Sự sụt giảm kinh tế, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng chứng khoán vừa qua, đã khiến người dân Trung Quốc ngày càng phải suy nghĩ về cách họ chi tiền.

Bên cạnh đó, cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng góp phần hạn chế cảnh tượng "đại gia" đua nhau mua xe sang.

Thị trường xe hơi Trung Quốc đã có dấu hiệu sụt giảm sau 6 năm liền tăng trưởng mạnh mẽ. Nguồn: EPA

Tháng 9 vừa  qua, ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc chứng kiến mức tăng trưởng trượt nhẹ 0,28%, rất đáng kể so với sự tăng trưởng thường ở mức hai con số trong vài năm qua. Và trong lúc doanh số bán xe du lịch tăng 2,8% trong 9 tháng đầu năm, cũng không thể bù đắp việc sụt giảm tới 12% thị trường xe thương mại.

Những thống kê ấy thậm chí vẫn hứa hẹn sự ảm đạm tiếp diễn. Trung Quốc, bất chấp có hai đợt giảm lãi suất ngân hàng, vẫn gần như không thể kích thích người dân chi tiền để vượt qua nỗi lo giảm phát. Các công ty Trung Quốc dù đã chấp nhận giảm 2,7% mức giá trung bình xe hơi năm nay, người tiêu dùng có vẻ vẫn cố giữ tiền và chờ đợi đợt giảm giá tiếp theo, theo Tạp chí Forbes.

Nếu nói về một điểm sáng cho thị trường xe hơi Trung Quốc năm 2015, có lẽ nó nằm ở việc kinh doanh của dòng xe thể thao đa dụng SUV. Trong 9 tháng đầu năm, các dòng sedan giảm 8,8% doanh số bán hàng, trong khi SUV tăng đến 47%, một con số khổng lồ, chiếm đến 34% thị trường xe du lịch Trung Quốc. Con số này ở Mỹ là 26%.

Các mẫu SUV tại Trung Quốc đang là điểm sáng nhỏ nhoi, nhưng sự phát triển kinh tế chậm lại cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường ô tô nói chung. Nguồn: Newspress

Hồi hộp chờ thời kỳ mới

Nếu việc sụt giảm kinh tế là yếu tố khách quan cho "cơn bệnh" của thị trường xe hơi Trung Quốc, việc chính phủ nước này chủ động kiểm soát môi trường và tạo điều kiện cho ngành xe hơi trong nước phát triển là cách làm chủ động. Nó sẽ góp phần tạo ra một diện mạo mới cho thị trường xe hơi  nước này.

Thứ nhất, Trung Quốc vẫn thực hiện kế hoạch "Made in China 2025", nhằm đẩy mạnh các mặt hàng sản xuất trong nước. Nó tạo thuận lợi cho các thương hiệu và nhà sản xuất xe thuần Trung Quốc như SAIC, Dongfeng Motor, First Automobile, BYD...

Những thương hiệu BYD có thể tìm thấy "ánh sáng mới" từ các chính sách ưu đãi hàng nội của Chính phủ Trung Quốc. Nguồn: BYD

Thống kê của Forbes cho thấy, bất chấp khó khăn về lợi nhuận, các công ty Trung Quốc vẫn tiếp tục bán xe giá thấp phù hợp với túi tiền người dân và lấy chỉ tiêu doanh số làm đầu. Trong năm 2015, số xe SUV trong nước tăng 14% doanh số. Các thương hiệu địa phương tăng 3,5 điểm phần trăm thị phần, hiện chiếm 41% thị trường xe hơi chở khách tại Trung Quốc.

Sự tăng trưởng này dự kiến vẫn tiếp tục, với việc chính phủ từ ngày 1/10 đã áp dụng chính sách giám một nửa thuế doanh thu 10% cho các dòng xe hơi động cơ dưới 1,6 lít. Trong khi đó, đây chính là phân khúc chiếm 70% lượng xe khách bán ra ở Trung Quốc giai đoạn này, và có thể kéo dài sang năm 2016.

Geely - Top 10 nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Nguồn: Automobiles Review

Thứ hai, Trung Quốc đang tập trung phát triển xe điện và xe thông minh để đáp ứng thời thế và các chính sách môi trường do chính phủ ban hành. Đây cũng là cách các thương hiệu của Trung Quốc tìm lối đi riêng, sau khi khó bắt kịp công nghệ và thị trường đối với các thương hiệu lâu đời như Volkswagen, Nissan, Toyota, GM.

Là thương hiệu kiếm lời phần lớn dựa vào thị trường Trung Quốc, Volkswagen đối mặt sự cạnh tranh từ các hãng xe trong nước cũng như các vấn đề ô nhiễm từ sau đợt điều tra gian lận khí thải năm nay. Nguồn: Reuters

Hồi 7/12, Tân Hoa xã cho biết, Trung Quốc đang tham vọng trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới, vượt qua Mỹ, với chỉ tiêu 2 triệu chiếc/năm vào năm 2020.

Báo Nikkei của Nhật Bản ghi nhận rằng chính quyền các cấp của Trung Quốc đều dùng xe điện thay thế xe nhiên liệu truyền thống. Trong đó chính phủ ưu đãi cho người mua xe điện bằng gói trợ cấp trị giá 55.000 nhân dân tệ (8.950 USD) cho mỗi sản phẩm. Vào tháng 6 năm nay, Hãng Geely tiết lộ kế hoạch chuyển đổi 90% sản phẩm của họ thành xe hybrid và xe điện đến năm 2020.

Roewe E5 - Xe điện của Hãng SAIC Motor, Trung Quốc. Nguồn: Automotive New China

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang tận dụng những gì họ đạt được từ sự phát triển kinh tế và xe hơi nói riêng trong giai đoạn trước, để hiện thực hóa những hướng đi sắp tới. Trong đó, các công ty liên doanh giữa nhà sản xuất nước ngoài như Volvo, Volkswagen với các nhà sản xuất Trung Quốc đang hỗ trợ về mặt công nghệ.

Mặc dù vậy, Forbes cảnh báo thị trường xe hơi Trung Quốc trong tương lai sẽ không hề đơn giản được vận hành trơn tru như lý thuyết. Một thực tế đáng kinh ngạc hiện nay là việc các chi nhánh nhãn hàng xe hơi quốc tế ở Trung Quốc thậm chí còn nhiều hơn cả... các thương hiệu thức ăn.

Nhà phân tích Robin Zhu của Bernstein ước tính GM, Volkswagen, Nissan có 8.400 đại lý tại Trung Quốc, chưa tính 5.100 đại lý phân phối của Hyundai, Toyota, Honda, Ford, Citroen, Peugeot... Trong khi đó các nhãn hiệu thức ăn, thức uống nổi bật như McDonald's, KFC, Starbucks... có 8.600 đại lý.

Thống kê ấy khiến Trung Quốc đứng trước nguy cơ bị "loạn thị trường ô tô” và cạnh tranh rất cao, dẫn tới việc điều chỉnh giá cả trở nên khó khăn hơn. Thậm chí hiện tượng cùng một hãng nước ngoài cạnh tranh nhau cũng xuất hiện, ví như Volkswagen liên doanh với hai nhà sản xuất Trung Quốc hình thành hai thương hiệu FAW VW và Thượng Hải VW cùng tranh nhau một thị trường Bắc Kinh, theo Financial Times.

Hưởng lợi từ các cuộc chuyển giao công nghệ, các thương hiệu liên doanh của Trung Quốc lại phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, thậm chí hai nhánh của Volkswagen tại thị trường này cũng cạnh tranh nhau. Nguồn: Reuters

Nói cách khác, nếu Trung Quốc đã qua giai đoạn trở thành "miếng bánh ngọt" cho các thương hiệu xe nước ngoài, giờ đây ngành xe hơi của họ sẽ đứng trước sự khởi đầu mới, với những thách thức mới. Những công ty trong nước có thể sống khỏe hơn nhờ chính sách ưu đãi của chính phủ, nhưng không có nghĩa họ không vướng vào một cuộc cạnh tranh khác, thậm chí khốc liệt và khó lường hơn.

>Ngành xe hơi Trung Quốc: Cú hích từ xe điện?

>Nổ ở Trung Quốc: Ngành xe hơi “khóc ròng”

>Cuối 2019, sẽ có 10 triệu xe hơi tự lái

>Lối thoát khỏi Trung Quốc của các nhà sản xuất xe hơi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
2015 - Năm bước ngoặt của thị trường xe hơi Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO