Việt Nam bùng nổ thanh toán bằng mã QR

TUYẾT ÂN| 11/02/2018 09:55

Từ năm 2016, thanh toán bằng mã QR (QR Pay) được nói đến nhiều ở Việt Nam khi các công ty fintech, các ngân hàng và các nhà bán lẻ bắt đầu chú trọng ứng dụng này, hứa hẹn sẽ bùng nổ phương thức thanh toán điện tử tại Việt Nam.

Việt Nam bùng nổ thanh toán bằng mã QR

Từ cuối năm 2016, đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo do Sở Công Thương TP.HCM chủ trì đã khuyến khích người tiêu dùng tại TP.HCM dùng smartphone quét mã QR để kiểm tra thông tin về trang trại, địa điểm, thời gian giết mổ... Chương trình được thí điểm ở một số chợ và hơn 60 siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại TP.HCM, dù còn rất sơ khai nhưng được xem là dấu ấn mới mẻ trên thị trường tiêu dùng.

Trả tiền cho ly trà đá vỉa hè

Trong năm qua, mã QR dần trở nên phổ biến với nỗ lực của nhiều bên. Bằng mã QR trên tài khoản ví điện tử như Payoo, MoMo, MOCA, hay Vimo, VTC Pay..., người dùng hiện có thể quét mã QR thanh toán ở nhiều nhà hàng, quán cà phê, siêu thị tiện lợi hay mua vé xe, thanh toán mua hàng trực tuyến. Với các ví điện tử hay các ứng dụng của ngân hàng, người dùng có thể tra cứu, thanh toán và chuyển tiền bằng mã, đáp ứng mọi nhu cầu khác nhau.

Link bài viết

Mã QR thăng hoa nhờ tính tiện lợi của smartphone. Về lý thuyết, người dùng có thể thanh toán vài ngàn đồng cho ly trà đá vỉa hè hay gửi xe, mua vé ở các quầy Paytouch ngay các cửa hàng tiện lợi hay bất kỳ loại dịch vụ nào có tích hợp ứng dụng QR Pay. Tính cá nhân hóa trong QR Pay giúp người dùng di động tiết kiệm thời gian, thanh toán cả các khoản nhỏ lẻ và có tính bảo mật cao so với nhiều phương thức khác.

Mã QR được xem là tương lai của thanh toán điện tử không phải ở yếu tố công nghệ mà là tính tiện ích, dễ dàng phổ cập không chỉ trong các doanh nghiệp lớn mà cả các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, người bán hàng rong, tài xế hay người giao hàng. Người dùng có thể tự tạo mã cho tài khoản của mình.

Theo các chuyên gia, những yếu tố khiến QR Pay dễ dàng phổ cập là quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam lên đến 150 tỷ USD vào năm 2020 với mức tăng trưởng 10%/năm, số lượng thẻ ngân hàng dự kiến khoảng 150 triệu vào năm 2018 và chủ yếu tập trung ở người tiêu dùng trẻ tuổi, thị trường di động với 130 triệu thuê bao và 70% sử dụng smartphone.

Mã QR (QR Code - Quick Response Code: mã phản hồi nhanh) là công nghệ mã vạch hai chiều (2D) cho khả năng lưu trữ lượng thông tin cực lớn với nhiều định dạng ký tự khác nhau. Công nghệ được xem là đại diện cho một siêu liên kết văn bản, có thể được đọc bởi máy đọc mã vạch hay smartphone có chức năng chụp ảnh với ứng dụng chuyên biệt để quét mã vạch.

Theo số liệu thống kê của Công ty CP Giải Pháp Thanh Toán Việt Nam (VNPay) từ đầu năm đến tháng 9/2017, QR Pay tăng 120%, hiện có hơn 8.000 cửa hàng, website chấp nhận QR Pay và đến cuối năm 2018 tăng lên khoảng 50.000. Hiện đã có 12 ngân hàng triển khai dịch vụ QR Pay, các công ty fintech, viễn thông cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ dịch vụ này.

Xây dựng hệ sinh thái tài chính tiêu dùng

Theo ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó tổng giám đốc VietinBank, với những ưu điểm vượt trội của mã QR, hoạt động QR Pay đang được phát triển mạnh mẽ, đặc biệt tại những quốc gia chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt nhưng các thiết bị di động thông minh lại được sử dụng phổ biến. Tại Việt Nam, QR Pay có tiềm năng rất lớn khi dân số trẻ, thích ứng nhanh với công nghệ và đặc biệt quá nửa dân số Việt Nam đang sử dụng smartphone.

Là ngân hàng tiên phong trong việc ứng dụng, mở rộng hệ sinh thái cho QR Pay, ông Lân cho biết khách hàng của VietinBank có thể dùng mã QR thanh toán nhiều loại dịch vụ khác nhau, từ chuyển khoản, cước viễn thông, điện, nước cho tới phí dịch vụ chung cư, bảo hiểm, hay trả nợ vay tiêu dùng, giải trí, mua sắm.

Bên cạnh việc mở rộng hệ sinh thái chấp nhận QR Pay, VietinBank cũng tích cực phối hợp với các trung gian thanh toán và các ngân hàng trong việc chuẩn hóa mã QR cho thị trường Việt Nam, tạo tiền đề cho việc thanh toán liên thông trong các giai đoạn phát triển sắp tới.

Theo ông Ngô Trung Lĩnh - Tổng giám đốc Công ty trực tuyến Cộng Đồng Việt (VietUnion), đơn vị điều hành trung gian thanh toán Payoo, đối với hầu hết người tiêu dùng Việt Nam, trải nghiệm trực tuyến đầu tiên là thông qua smartphone. Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bán hàng và thanh toán trực tuyến xây dựng các ứng dụng di động cho thị trường.

Ông Lĩnh nhận định, trước đây thanh toán bằng thẻ ngân hàng qua máy POS là bước ngoặt lớn trong thanh toán điện tử, còn xu hướng chính hiện nay là QR Pay. "Trong tương lai gần, người dùng chỉ cần quét mã QR trên smartphone là có thể thanh toán hóa đơn hay mua hàng ở bất cứ đâu", ông Lĩnh giải thích.

Với chiến lược "one-stop payment" (một điểm thanh toán), Payoo đã liên kết với hơn 6.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc là các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị điện máy...; kết nối với 30 ngân hàng và triển khai nhiều dịch vụ hành chính công cấp độ 4 trong mục tiêu mở rộng thanh toán không tiền mặt đến người dân. "Nếu năm 2017, giải pháp mPOS được Payoo triển khai mạnh mẽ ra thị trường, thì năm 2018, theo tôi, sẽ là năm bùng nổ QR Pay, việc phát triển của Payoo không nằm ngoài xu hướng này", ông Lĩnh nói.

Theo TS. Cấn Văn Lực, các giải pháp thanh toán di động tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn bùng nổ về số lượng, tuy nhiên, chưa có giải pháp nào phổ biến vượt trội. Việt Nam có nhiều cơ hội hỗ trợ thanh toán di động phát triển mạnh nhờ thị trường bán lẻ (đặc biệt là thương mại điện tử) tăng trưởng ấn tượng, thẻ ngân hàng và smartphone ngày càng phổ biến, đồng thời sự tham gia của các công ty fintech cũng làm cho thị trường này sôi động hơn.

Ông Lực cho rằng các hình thức thanh toán di động sẽ gia tăng chóng mặt nhờ công nghệ mới như mã QR, NFC hay mPOS. Các ngân hàng theo đó chú trọng xây dựng hệ sinh thái tài chính tiêu dùng trên nền tảng mobile banking với đầy đủ các dịch vụ tài chính, tiêu dùng, thanh toán, giải trí, đầu tư, du lịch... tích hợp QR Pay.

"Lợi ích lớn nhất của mã QR là tính linh hoạt, thuận tiện với cả người tiêu dùng, doanh nghiệp lẫn ngân hàng. Với việc bổ sung tính năng mã QR cho hệ thống mobile banking hiện tại, doanh nghiệp và ngân hàng sẽ cắt giảm được nhiều chi phí”, ông Lực phân tích. 

Giải pháp thúc đẩy QR Pay

Là thị trường tiềm năng cho hoạt động QR Pay, nhưng để đưa QR Pay thực sự phát triển và trở thành kênh thanh toán tiện dụng tại Việt Nam, thay thế cơ bản các hoạt động thanh toán bằng tiền mặt, những điểm cốt lõi sau cần sớm được thực hiện:

Thứ nhất, cần sớm nghiên cứu và đưa ra một chuẩn thống nhất về định dạng mã QR trong thanh toán di động. Đây là nền móng cho việc thực hiện thanh toán liên thông trong toàn thị trường. Tránh tình trạng mỗi nhóm ngân hàng, tổ chức hay trung gian thanh toán phát hành một định dạng mã QR riêng, gây khó khăn cho người mua và người bán.

Thứ hai, cần có các chương trình hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng phương thức thanh toán này. Mã QR thực sự tiện lợi và dễ áp dụng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể, với chi phí thực hiện tương đối thấp. Đặc biệt hỗ trợ công tác quản lý, giám sát nhà nước về các hoạt động thu chi, nộp thuế. Tuy nhiên, với đa số hộ kinh doanh gia đình và quy mô nhỏ lẻ hiện nay, việc áp dụng mã QR không dễ dàng và nhanh chóng.

Thứ ba, phía người dân cũng cần thay đổi thói quen thanh toán bằng tiền mặt sang phương thức thanh toán mới tiện dụng hơn.

Thứ tư, các ngân hàng thương mại tăng cường cơ sở hạ tầng an ninh đảm bảo sự thông suốt trong hoạt động thanh toán; đơn giản hóa các thủ tục, quy trình đăng ký merchant. Với hình thức thanh toán POS, các merchant phải đến ngân hàng để làm thủ tục mở POS mất khoảng 7 ngày làm việc kể từ khi nộp đơn cho đến khi được chấp nhận thanh toán thẻ. Nếu các QR merchant cũng phải đi theo quy trình này thì việc nhanh chóng phủ rộng QR Pay sẽ khó thể thực hiện được.

Trần Công Quỳnh Lân - Phó tổng giám đốc VietinBank

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam bùng nổ thanh toán bằng mã QR
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO