Phổ thông hóa smartphone

TUYẾT ÂN| 18/08/2017 05:21

Smartphone càng ngày có giá càng rẻ nhưng vẫn sở hữu những tính năng đắt giá.

Phổ thông hóa smartphone

Không cần đến những chiếc điện thoại xa xỉ giá hàng chục triệu đồng, người dùng bình dân có thể chọn mua những dòng điện thoại thông minh (smartphone) hợp túi tiền, với dung lượng pin tương đối cao, màn hình rộng và bộ nhớ mạnh đáp ứng các tác vụ cơ bản trên nền mạng 4G hiện nay.

Đọc E-paper


Giá dưới 3 triệu đồng, chọn smartphone nào?

Cuối tháng 7 vừa qua, Motorola tung ra loạt sản phẩm mới Moto E4 Plus, Moto C Plus, Moto C 4G và Moto C với giá đều dưới 4,5 triệu đồng. Nếu so với các dòng máy cùng phân khúc giá này tung ra trước đó, cả 4 sản phẩm đều có dung lượng pin cao hơn, màn hình lớn và tốc độ kết nối 4G nhanh. Đáng chú ý là 2 dòng Moto C Plus và Moto C 4G có mức giá khá cạnh tranh, xấp xỉ 3 triệu đồng/chiếc.

Moto C 4G có giá phải chăng hơn với chuẩn hiệu năng phổ cập: màn hình 5inch FWVGA với pin 2.350mAh, RAM 1GB và bộ nhớ ROM 16GB, camera sau 5MP. Trong khi Moto C Plus cũng có màn hình 5inch nhưng pin tới 4.000mAh với vi xử lý lõi tứ kết hợp hệ điều hành Android 7.0, RAM 2GB, bộ nhớ ROM 16GB, trang bị camera sau 8MP với đèn flash LED.

Ở phân khúc dưới 3 triệu đồng, có thể nói không nhiều smartphone có dung lượng pin từ 4.000mAh vốn hỗ trợ cho màn hình lớn từ 5inch, bộ nhớ RAM từ 2GB phù hợp với nhu cầu lướt web, xem phim hay video. Trước đó, Hãng Philips vốn đại diện cho phân khúc "pin khủng" đã tung ra dòng Philips V787 với pin dung lượng 5.000mAh, hỗ trợ kết nối mạng 4G LTE tốc độ cao, được công bố giá 2,99 triệu đồng. Cấu hình V787 cũng đủ đáp ứng những tác vụ cơ bản với màn hình 5inch Full HD, RAM 2GB và ROM 16GB, chạy Android 5.1 Lollipop, camera chính 13MP và camera trước 5MP. Một vài dòng khác có thể kể như Freetel Priori 3S, Mobell Nova P2...

Người dùng cũng có thể lựa chọn các dòng khác trong mức giá 1,5 - 2 triệu đồng với cấu hình tương đối ổn cho các tác vụ cơ bản như Mobiistar Jumbo J2, Mobell Nova i4, Philips S326, Huawei Y5, Xiaomi RedMi 4a... Để bắt nhịp trong thị trường cạnh tranh khốc liệt, các nhà cung cấp đều tung ra các dòng sản phẩm thời trang hợp xu hướng, vừa túi tiền của đa số người dùng trẻ và giới bình dân.

Để các ứng dụng đa tác vụ chạy mượt mà, các nhà kỹ thuật cho rằng dòng smartphone chuyên nghiệp bên cạnh màn hình lớn, có độ phân giải cao thì cần bộ nhớ hệ thống ở mức từ 3GB và bộ nhớ trong ROM tối thiểu 32GB phục vụ cho nhu cầu lưu trữ, selfie hay xem video hằng ngày. Và nhờ cạnh tranh liên tục, các dòng máy ra sau luôn vượt trội hơn, cấu hình mạnh hơn, bổ sung nhiều tính năng hơn, cung cấp cho người dùng đa dạng sự chọn lựa hơn mà thị trường cách nay chỉ 1 - 2 năm chưa thể đạt được.

Đến năm 2020, 67% thiết bị di động sẽ hỗ trợ 4G

Theo thống kê của GfK quý I/2017, thị trường Việt Nam chi tiêu 26.131 tỷ đồng cho điện thoại di động, tăng đến 16,3% so với quý I/2016. Cũng trong ba tháng, có 3,64 triệu smartphone được tiêu thụ với hơn 19.800 tỷ đồng.

Phân khúc điện thoại bình dân vẫn đang chiếm lĩnh phần lớn thị trường, khảo sát của GfK năm 2016 cho thấy, hơn 70% doanh thu điện thoại nằm ở mức giá từ dưới 4,5 triệu đồng. Trong đó, mức giá từ 2 - 3 triệu đồng chiếm gần 23% tổng doanh thu thị trường; 1 - 2 triệu đồng chiếm 14% và từ 3 - 4,5 triệu đồng chiếm gần 19%. Mặc dù các hãng đều có các dòng "đỉnh" tung ra làm thương hiệu và định hướng công nghệ, nhưng phần lớn vẫn đang đọ sức ở khu vực lớn nhất thị trường này.

Dự báo đến năm 2020, khoảng 67% thiết bị di động sẽ tích hợp công nghệ 4G, tương đương với khoảng 120 triệu thiết bị di động 4G lưu hành ở Việt Nam. Theo đánh giá của Cục Viễn thông, tốc độ phát triển dịch vụ 4G vẫn còn chậm dù hiện 3 nhà mạng gồm Viettel, MobiFone và VinaPhone đã triển khai khoảng 43.000 trạm 4G LTE trên toàn quốc và phủ sóng khoảng 95% dân số. Trên cả nước có khoảng 60 triệu thuê bao băng rộng thì 48 triệu là thuê bao băng rộng di động. Đến nay đã có 6,3 triệu thuê bao băng rộng di động đổi sang sử dụng mạng 4G, nhưng chỉ có 3,5 triệu sử dụng dịch vụ 4G.

Các nhà mạng triển khai 4G hiện mới chủ yếu đáp ứng nhu cầu tăng dung lượng so với mạng 3G, trong khi mục tiêu nhằm thúc đẩy phát triển các dịch vụ gia tăng, nâng cao trải nghiệm khách hàng và đa dạng hóa các dịch vụ nội dung số, giao dịch điện tử, thương mại điện tử, mạng xã hội hay các ứng dụng phát triển thành phố thông minh... Việc đổi mới phương thức kinh doanh dịch vụ viễn thông để tận dụng tối đa hạ tầng 4G vẫn đang là thách thức trong cuộc đua của các nhà mạng. Để thúc đẩy người dùng còn cần sự đa dạng thiết bị 4G với mức giá thấp hơn, phù hợp sức mua của thị trường.

>>4 ứng dụng giúp tiết kiệm và thanh toán hóa đơn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phổ thông hóa smartphone
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO