"Trái đắng" từ quyền đăng cai sự kiện thể thao

PHƯƠNG VY| 08/04/2014 01:09

Việt Nam đang cân nhắc việc rút lui đăng cai Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) 2019, kể cả khi phải nộp phạt. Lý do: vinh dự được một thì thua lỗ lên đến... mười.

Việt Nam đang cân nhắc việc rút lui đăng cai Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) 2019, kể cả khi phải nộp phạt. Lý do: vinh dự được một thì thua lỗ lên đến... mười.

Đọc E-paper

Đường sá tại Sochi nhanh chóng xuống cấp ngay sau Olympic

Đó chính là lý do mà Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) giàu có ở Trung Đông, đã "nhanh tay" xin rút lui trong cuộc đua tay ba với Việt Nam và Indonesia để giành quyền đăng cai ASIAD. Theo Phó chủ tịch Ủy ban Olympic nước này, UAE không xin đăng cai ASIAD 2019 mà mới chỉ cân nhắc điều đó. Họ cũng khẳng định rằng việc rút lui nhằm mục đích tập trung cho những lần sau.

Theo dự kiến, việc đăng cai ASIAD 2019 sẽ tiêu tốn của Việt Nam khoảng 150 triệu USD (xấp xỉ 3.000 tỷ đồng). Đây được xem là con số khiêm tốn nhất so với những kỳ ASIAD trước đây. Tuy nhiên, giữa dự kiến và thực tế là một khoảng cách rất lớn bởi con số 150 triệu USD mới chỉ là ngân sách dự chi để tu sửa các cơ sở vật chất hiện có chứ chưa tính phát sinh.

Trước khi xin đăng cai các sự kiện thể thao, các quan chức thể thao tin rằng số tiền từ bán vé, công ăn việc làm tạo ra trong các quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như tăng trưởng của ngành du lịch sẽ bù đắp mọi chi phí bỏ ra, thậm chí có thể còn lãi. Nhưng thực tế không phải một màu hồng như thế.

Hy Lạp vẫn được cho là ví dụ điển hình cho một quốc gia lâm vào nợ nần vì gồng mình đăng cai một sự kiện thể thao, khi cái nôi của phong trào Olympic cổ đại có được "vinh dự" trên vào năm 2004. Theo kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Kinh doanh Said Oxford, chi phí cho Olympic của Athens đã vượt quá khả năng chi trả tới 60%. Chính phủ Hy Lạp đã xây dựng quá nhiều khách sạn với niềm tin vào một viễn cảnh sẽ thu hút được thêm nhiều khách du lịch sau khi Olympic kết thúc, để rồi sau đó bị vỡ mộng. Đó là còn chưa kể rất nhiều sân vận động được xây dựng để phục vụ cho Olympic hiện nay cũng không sử dụng đến.

Dĩ nhiên, Olympic không phải là lý do duy nhất khiến Hy Lạp lâm vào cảnh vỡ nợ để rồi suýt nữa khiến cả khối Eurozone tan vỡ. Nhưng đó cũng được cho là nguyên nhân chính đẩy nước này lâm vào thảm cảnh.

Mà không chỉ Hy Lạp, ngay cả những nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng từng lao đao vì theo đuổi việc đăng cai các kỳ đại hội thể thao lớn. Các nhà tổ chức Thế vận hội mùa Đông Nagano 1998 của Nhật Bản đã đưa ra lời hứa rất chắc rằng lượng khách du lịch tới thành phố này sẽ tăng mạnh.

Tuy nhiên, sau khi Thế vận hội hạ màn, không mấy khách du lịch đến thăm nơi này. Tệ hơn, cũng theo nghiên cứu của Said Oxford, Thế vận hội Nagano đã bị bội chi 56% so với dự toán ban đầu. Chưa kể, còn có các cáo buộc về tình trạng tham nhũng và toàn bộ các hộp chứng từ tài chính thì bị cháy. Và vì vậy "cái giá” của việc "kéo" Thế vận hội về Nagano vẫn chưa được làm rõ.

Các Thế vận hội khác như Montreal 1976, Lake Placid 1984 hay Albertville 1992 cũng lâm vào cảnh tương tự. Việc đầu tư quá lớn, rồi sự quản lý yếu kém với chi phí phụ trội so với dự toán đã khiến những thành phố này lâm vào cảnh nợ nần. Montreal phải mất ba thập niên sau mới trả xong món nợ 1,5 tỷ USD. Người dân thành phố này đã mỉa mai gọi trại tên sân vận động Olympic, vốn bị bỏ hoang và chuyển đổi thành một nơi tập bóng chày, từ "Big O" (chữ O lớn) thành "Big Owe" (món nợ lớn).

Báo cáo của các nhà nghiên cứu Đại học Said Oxford kết luận: Bội chi đã trở thành một phần của đăng cai Olympic. "100% các kỳ Thế vận hội đều bội chi ngân sách. Không có loại dự án lớn nào khác liên tục bội chi như vậy. Có những loại dự án khác rất điển hình về việc hết lần này đến lần khác đều đúng dự toán, nhưng đó không phải là Olympic".

Dĩ nhiên, ở một số nơi người ta cho rằng Olympic là dịp để nâng cao hình ảnh đất nước nên tiền bạc tốn bao nhiêu cũng được. Điển hình như ở Olympic Sochi 2014 vừa rồi, nước Nga đã chi tới 51 tỷ USD để khẳng định rằng siêu cường đã trở lại. Chỉ có điều, sau Olympic Sochi, nước Nga bị Mỹ và EU cô lập vì vấn đề Crimea. Hội nghị G-8 dự kiến được tổ chức tại đây vào tháng Sáu cũng đã bị bãi bỏ, và con số 51 tỷ USD kia hẳn sẽ được những thế hệ người Nga sau này phán xét một cách công bằng nhất.

Kinh phí của các sự kiện thể thao lớn gần đây

* Olympic mùa Hè Bắc Kinh 2008: 40-44 tỷ USD dù dự kiến mức chi ban đầu chỉ là 15-16 tỷ USD.

* Á vận hội Quảng Châu 2010 (Asian Games 2010): 17 tỷ USD (122,6 tỷ nhân dân tệ, trong đó 100,9 tỷ nhân dân tệ dành cho xây dựng các cơ sở hạ tầng).

* Olympic mùa Hè London 2012: 15,28 tỷ USD (9,3 tỷ bảng, trong đó riêng chi phí xây dựng SVĐ và nhà thi đấu là 5,3 tỷ bảng).

* Olympic mùa Đông Sochi 2014: 51 tỷ USD, nhiều hơn tất cả 21 kỳ Olympic mùa Đông trước đó cộng lại.

(Theo Wikipedia)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Trái đắng" từ quyền đăng cai sự kiện thể thao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO