SEA Games hay... hội làng?

PHƯƠNG VY| 10/12/2013 00:38

Đã thành thông lệ, cứ mỗi kỳ SEA Games diễn ra, nước chủ nhà lại cố gắng đưa rất nhiều bộ huy chương vào các môn thể thao mà họ có thế mạnh. Tại SEA Games 27 lần này là Chinnole, Sittuyin và điều này tiếp tục làm dấy lên câu hỏi day dứt: Liệu một đại hội mang tính "hội làng" như thế có giúp gì cho sự phát triển của thể thao khu vực?

SEA Games hay... hội làng?

Đã thành thông lệ, cứ mỗi kỳ SEA Games diễn ra, nước chủ nhà lại cố gắng đưa rất nhiều bộ huy chương vào các môn thể thao mà họ có thế mạnh. Tại SEA Games 27 lần này là Chinnole, Sittuyin và điều này tiếp tục làm dấy lên câu hỏi day dứt: Liệu một đại hội mang tính "hội làng" như thế có giúp gì cho sự phát triển của thể thao khu vực?

Đọc E-paper

Tại kỳ đại hội lần này, Myanmar sẽ tổ chức 33 môn thi đấu, với tổng cộng 460 bộ huy chương. Ngoài các môn nằm trong hệ thống Olympic cũng như các môn quen thuộc của châu Á, nước chủ nhà cũng tranh thủ "cài cắm" một số hạng mục mới. Đó là Sittuyin, một môn cờ truyền thống của Myanmar, và Chinnole, một loại cầu mây biểu diễn.

Trong khi nhiều nước vẫn còn lạ lẫm với Chinnole, thì tại Myanmar, đó lại là một môn thể thao cực kỳ quen thuộc với lịch sử 1.500 tuổi. Đây được xem như một biến thể của cầu mây, bởi trái bóng cũng được làm từ mây, chỉ có điều được trang trí đẹp mắt hơn.

Tuy nhiên, nếu như cầu mây mang tính đối kháng thì Chinnole lại mang tính chất biểu diễn với những pha tâng bóng bằng các bộ phận trên cơ thể và không được để bóng chạm đất.

Sau khi di chuyển một vòng tròn, một người sẽ vào tâm vòng tròn, đón bóng từ đồng đội, và thực hiện màn biểu diễn cá nhân. Bộ môn này được biểu diễn từ 2 đến 6 người trong một vòng tròn có đường kính chừng 6 mét và được tính điểm theo đẹp, độc đáo, cũng như độ khó...

Rất nhiều quốc gia không hài lòng khi Myanmar đưa đến 8 bộ huy chương của Chinnole vào chương trình thi đấu và bỏ đi một số môn thể thao Olympic.

Cụ thể, nước này không tổ chức thi đấu thể dục dụng cụ và quần vợt, hai môn thể thao khá cơ bản. Philippines phản ứng dữ dội nhất bằng cách chỉ cử một số vận động viên hàng đầu của mình sang, với con số tối giản là 208 người, ít nhất kể từ SEA Games 1999 tại Brunei.

Lãnh đạo Myanmar ăn mừng huy chương vàng Chinnole

Ngoài Philippines, Việt Nam và một vài nước khác cũng lắc đầu với Chinnole. Tuy nhiên, môn này vẫn được tổ chức sau khi Myanmar thuyết phục được Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào và Campuchia tham dự.

Trong số này, Thái Lan tương đối quen với Chinnole, bởi các vận động viên của họ vốn được xem là số 1 thế giới về cầu mây và thích nghi tương đối nhanh chóng. Thực tế, bên cạnh sự vượt trội của Myanmar, Thái Lan cũng đã giành được huy chương vàng ở môn thể thao lạ lẫm này.

Đừng trách Myanmar bởi họ chỉ đi theo đường lối của các nước chủ nhà trước đây mà thôi. Đó là việc "địa phương hóa" đại hội thể thao khu vực. Philippines, quốc gia chỉ trích Myanmar dữ dội nhất, cũng làm điều tương tự cách đây 8 năm khi đưa Lawn Bowl (bóng gỗ trên cỏ) và Arnis (võ gậy) vào danh mục thi đấu và sau đó giành ngôi nhất toàn đoàn với 113 huy chương vàng, bỏ xa cường quốc khu vực Thái Lan (87).

Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 27 (SEA Games 27) được tổ chức tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar, những địa điểm thi đấu khác là Yangon, Mandalay và Ngwesaung. Đại hội chính thức khai mạc ngày 11/12 và bế mạc ngày 22/12. Tổng cộng có 33 môn thể thao được tranh tài ở SEA Games 27 với 460 nội dung. Linh vật của SEA Games là hai con cú, Shwe (đực) và Ma Moe (cái), biểu trưng cho sự may mắn trong văn hóa Myanmar.

Hai năm trước, nước chủ nhà Indonesia thậm chí còn đưa môn đánh bài Bridge (một thể loại bài tây, gần giống như đánh phỏm tại Việt Nam) vào nội dung thi đấu.

Ban đầu, tưởng như môn này không được chấp nhận vì quá ít đội tham dự, nhưng cuối cùng vẫn có vừa đủ 4 đội để thi đấu, trong đó có Việt Nam, để tranh tới 9 bộ huy chương. Họ cũng đưa cả dù lượn, vốn là một hình thức giải trí hàng không, vào nội dung thi đấu.

Còn 10 năm trước, khi đăng cai SEA Games 22, nước chủ nhà Việt Nam cũng đưa hai môn thể thao khá lạ lẫm với các nước bạn là lặn và cầu chinh, và gặt hái được không ít huy chương vàng từ hai môn này. Và năm ấy, lần đầu tiên đoàn thể thao Việt Nam giành ngôi số 1 trên bảng tổng sắp huy chương SEA Games.

Thật ra, ví SEA Games với hội làng cũng có phần đúng bởi cứ mỗi kỳ đại hội diễn ra ở đâu, người ta lại biết thêm một môn thể thao mới và mang tính truyền thống của quốc gia đăng cai. Ngay cả một đại hội ở quy mô lớn hơn là ASIAD cũng không tránh khỏi, và môn Kabaddi ở ASIAD 2010 tại Quảng Châu là một minh chứng.

Tất nhiên, để nhận được sự đồng thuận (tương đối) từ các nước thành viên là không dễ dàng. Còn nhớ tại SEA Games 2011, đoàn Việt Nam cũng thỏa hiệp bằng việc chuyển các võ sĩ Taekwondo sang thi đấu môn Kempo, để nước bạn đồng ý đưa Vovinam vào để kiếm huy chương, theo kiểu "đôi bên cùng có lợi".

Đừng hỏi tại sao SEA Games vẫn mãi là cái "ao làng", và Đông Nam Á vẫn là vùng trũng của thể thao thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
SEA Games hay... hội làng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO