Đội hình lý tưởng của bóng đá thế giới thập kỷ qua

Tổng hợp| 27/12/2009 08:34

Dựa trên các xu hướng của bóng đá thế giới 10 năm đầu thế kỷ 21, các chuyên gia của ESPN lựa ra 11 cầu thủ hay nhất cho từng vị trí.

Đội hình lý tưởng của bóng đá thế giới thập kỷ qua

Dựa trên các xu hướng của bóng đá thế giới 10 năm đầu thế kỷ 21, các chuyên gia của ESPN lựa ra 11 cầu thủ hay nhất cho từng vị trí. Sơ đồ chiến thuật được chọn, 4-2-3-1, cũng rất thịnh hành trong thập niên vừa qua.

Thủ môn Gianluigi Buffon
Có lẽ hơi bất công cho Iker Casillas, nhưng nếu phải lựa chọn thủ môn hay nhất thế giới trong 10 năm qua, hẳn không ai xứng đáng hơn Buffon. Từ năm 17 tuổi, thuở mới trình làng cùng Parma, Buffon đã chứng tỏ anh là số một trong những pha mặt đối mặt với tiền đạo đối phương và làm chủ vòng cấm. Phong độ chói sáng của anh ở World Cup 2006, là một động lực quan trọng đưa tuyển Italy lên đỉnh vinh quang thế giới bóng đá. Buffon cũng đang giử kỷ lục về mức phí chuyển nhượng đối với một thủ môn nhờ bản hợp đồng 51,5 triệu euro từ Parma sang Juventus hè 2001.
Hậu vệ phải Cafu
Thập niên đầu thế kỷ 21 chứng kiến trào lưu các hậu vệ cánh có thiên hướng tấn công tràn ngập bóng đá thế giới và nếu phải chọn một nhân vật tiêu biểu cho trào lưu này, Cafu (áo đỏ đen) hoàn toàn xứng đáng. Được mệnh danh là "Tàu tốc hành", hậu vệ phải này từng làm điên đảo các hàng thủ Serie A, khi cùng Roma và Milan đoạt scudetto các năm 2001, 2004. Nhờ biết điều phối phù hợp khả năng lên tham gia tấn công với việc tham gia phòng ngự, thủ quân tuyển Brazil vô địch World Cup 2002 chính là hình mẫu lý tưởng cho những đàn em đồng hương đang nổi đình đám hiện nay như Dani Alves (Barca) hay Maicon (Inter).
Trung vệ Fabio Cannavaro
Ngược lại với Cafu, Cannavaro thuộc tuýp hậu vệ cổ điển chỉ chuyên tâm vào nhiệm vụ phòng ngự. Anh xuất sắc trong khâu phá bóng, không chiến bất chấp chiều cao tương đối khiêm tốn. 2006 là năm đỉnh cao trong sự nghiệp vẻ vang của chốt chặn gốc Naples này khi anh chói sáng với vai trò thủ lĩnh hàng phòng ngự thép của tuyển Italy chinh phục World Cup và nhờ đó trở thành hậu vệ đầu tiên trong lịch sử đoạt giải Cầu thủ hay nhất thế giới của FIFA.
Trung vệ Paolo Maldini
Là một trong những tượng đài từ thập niên cuối thế kỷ 20, Maldini (áo đỏ đen) tiếp tục chứng tỏ giá trị và vị thế đáng nể của anh trong 9 năm đầu thế kỷ 21 trước khi treo giày cuối mùa vừa qua. Kinh nghiệm, lối chơi hào hoa và khả năng chỉ huy hàng phòng ngự tuyệt vời của người thủ quân này là một yếu tố quan trọng giúp Milan hai lần vô địch Champions League (2003 và 2007).
Hậu vệ trái Roberto Carlos
 Nếu Cafu là hậu vệ phải hay nhất, thì Carlos cũng giữ vị trí tương xứng ở phía đối diện. Trong những năm tháng huy hoàng nhất cùng Real Madrid, anh không có nhiều đất để băng lên khi phía trước đã có Zidane. Bù lại, cầu thủ từng bị Inter thải loại này lại vượt trội về thể lực, tốc độ như xé gió và đặc biệt là những cú sút phạt hoặc sút xa sấm sét.
Tiền vệ trung tâm Claude Makelele
Cầu thủ đánh chặn giữ vai trò ngày càng quan trọng trong bóng đá hiện đại và có một người có thể được xem như biểu tượng cho thành công ở vị trí này, đó chính là Makelele (áo xanh). Với thể lực dồi dào và khả năng thu hồi bóng xuất sắc, tiền vệ người gốc Congo này đã cáng đáng gần như toàn bộ trách nhiệm hỗ trợ phòng ngự ở tuyến giữa Real Madrid, để những Zidane, Figo, Ronaldo có đất múa ở trên. Sau khi bị Real ghẻ lạnh, Makelele đến với Chelsea, nơi anh hòa nhập rất nhanh và được Mourinho biến thành một cỗ máy gặt đập liên hợp tuyệt vời ở tuyến giữa.
Tiền vệ trung tâm Andrea Pirlo
Khi kéo Pirlo từ vị trí hộ công xuống chơi thấp nhất trong tuyến giữa Milan những năm đầu thế kỷ 21, Ancelotti có lẽ không ngờ rằng ông đã có một phát hiện lớn khi biến anh thành tiền vệ phát động tấn công tài hoa bậc nhất thế giới. Ở vị trí thấp ấy, Pirlo phát huy tối đa phẩm chất kỹ thuật, khả năng quan sát, óc sáng tạo để tung ra những đường chuyền độc cho đồng đội ở tuyến trên. Nói không ngoa, Milan hẳn không thể đoạt 2 danh hiệu Champions League, còn tuyển Italy sẽ chẳng thể với tới ngai vàng World Cup 2006, nếu không có bộ óc này ở tuyến giữa.
Tiền vệ công Zinedine Zidane
Kết thúc sự nghiệp trong bão tố vì scandal húc đầu vào Materazzi ở chung kết World Cup 2006, nhưng Zidane vẫn là một tượng đài của bóng đá thế giới thập niên này. Sau khi bùng nổ ở World Cup 1998, thiên tài người Pháp tiếp tục truyền cảm hứng cho "Les Bleus" vô địch Euro 2000. Anh là chủ nhân của cú vô-lê kinh điển trên sân Glasgow, giúp Real Madrid đoạt chiếc Cup C1 / Champions League thứ 9 trong lịch sử. Phong thái chơi bóng hào hoa khiến mỗi pha chạm bóng của anh được ví như những nét cọ tài hoa và tinh tế của danh họa đồng hương Paul Cézane.
Tiền đạo phải Lionel Messi
Cầu thủ nhỏ con người Argentina chơi thiên về kỹ thuật cá nhân và có phần ích kỷ, ham giữ bóng, rê dắt kiểu cổ điển. Nhưng trong thời buổi bóng đá thực dụng hiện tại, Messi được liệt vào hàng hiếm và độc khi tỏa sáng như cách Diego Maradona từng làm mê đắm tất cả hồi những năm 1980. Kể từ khi bước ra ánh sáng trong trận đấu với Chelsea hồi tháng 2/2006, Messi đã tiến bộ không ngừng. Anh là tác nhân quan trọng giúp Barca lập cú ăn sáu danh hiệu - Champions League, Cup Nhà Vua, La Liga, Siêu Cup Tây Ban Nha, Siêu Cup châu Âu và chức vô địch FIFA Club World trong năm 2009. Đây cũng là cơ sở để Messi thâu tóm mọi phần thưởng cá nhân cao quý nhất của bóng đá thế giới năm qua, trong đó nổi bật có danh hiệu Quả bóng vàng châu Âu và Cầu thủ hay nhất thế giới của FIFA.
Tiền đạo trái Cristiano Ronaldo
Ronaldo thuộc tuýp cầu thủ hiếu chiến và có biệt tài làm đối thủ điên đảo bằng vô vàn trò khiêu khích. Nhưng trên tất cả, tài năng sinh ở Madeira này là một thiên tài của bóng đá khi có đủ sức mạnh, tốc độ, kỹ thuật, bản năng săn bàn - những phẩm chất đưa anh lên đỉnh thế giới trong màu áo MU. Hè vừa qua, để đổi lấy sự phục vụ của Ronaldo, Real Madrid phải chi 80 triệu bảng - một kỷ lục mà có lẽ còn rất lâu nữa mới bị phá.
Trung phong cắm Ruud van Nistelrooy
Thập niên đầu thế kỷ 21 được xem là thời hoàng kim của những tiền đạo cắm, những người chơi một mình trên hàng công, giữ bóng, chơi bóng, kéo giãn hàng phòng ngự đối phương, làm tường cho đồng đội và đương nhiên, ghi bàn. Xét đến khía cạnh này, có lẽ không ai giỏi hơn tiền đạo người Hà Lan. Kể từ khi gia nhập MU năm 2001 đến khi dính chấn thương và sa sút ở Real Madrid hồi đầu 2008, Van Nistelrooy luôn là nỗi ám ảnh của hàng thủ đối phương, đặc biệt là các đội bóng ở Champions League. Các pha dứt điểm của anh rất đa dạng, nhưng chủ yếu đều được thực hiện trong vòng cấm và vì thế, giúp anh trở thành tay săn bàn đáng sợ nhất thế giới thập niên qua.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đội hình lý tưởng của bóng đá thế giới thập kỷ qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO