Australian Open 2015: Những người không ngại tuổi

PHƯƠNG VY| 27/01/2015 04:30

Tuổi tác không phải trở ngại lớn nhất của các tay vợt Australian Open năm nay khi có tới hơn 40 tay vợt ở độ tuổi ngoài 30, thậm chí hơn 44 tuổi vẫn tham gia thi đấu.

Australian Open 2015: Những người không ngại tuổi

Tuổi tác không phải trở ngại lớn nhất của các tay vợt Australian Open năm nay khi có tới hơn 40 tay vợt ở độ tuổi ngoài 30, thậm chí hơn 44 tuổi vẫn tham gia thi đấu.

Roger Federer, đại diện ưu tú nhất của thế hệ các tay vợt nam ngoại tam tuần, đã dừng bước ở vòng ba Australian Open 2015. Nhưng bất chấp thực tế đó, cần phải thừa nhận một xu hướng rằng, tuổi tác không phải trở ngại lớn nhất của các tay vợt ngoài 30 tuổi.

Theo thống kê, Australian Open năm nay quy tụ tới hơn 40 tay vợt ở độ tuổi ngoài 30. Đặc biệt nhất trong số này là Kimiko Date-Krumm, người sinh ngày 28/9/1970, tức là đã hơn 44 tuổi. "Lão bà” người Nhật Bản lần đầu tham dự Grand Slam năm 1989, khi mà rất nhiều tay vợt tại Melbourne còn chưa ra đời.

Gừng già còn cay

Ở nội dung đơn nữ, ngoài Kimiko Date-Krumm, có thể kể thêm vài đàn chị khác như Francesca Schiavone (sinh năm 1980), Vera Zvonareva (1984), Daniela Hantuchova (1983), Zheng Jie (1983), và tất nhiên là chị em nhà Williams nữa (Venus 1980, Serena 1981).

Về phía các tay vợt nam, dù đã bị loại ở vòng 3, nhưng tay vợt số 2 thế giới Federer (33 tuổi) vẫn hứa hẹn sẽ là ứng viên nặng ký ở các Grand Slam tiếp theo. Những David Ferrer, Ivo Karlovic, Mikhail Youzhny và Lleyton Hewitt đều đã ngoài 30 và không còn ở đỉnh cao phong độ, nhưng vẫn duy trì được ngọn lửa nhiệt huyết với môn thể thao ưa thích.

Nhà Williams vẫn là những người gắn bó với môn thể thao này lâu nhất hiện nay. Venus ra mắt làng banh nỉ năm 1995 và hai năm sau đến lượt cô em Serena. Venus đã sa sút khá nhiều nhưng Serena thì vẫn đang thống trị làng quần vợt nữ để chứng tỏ rằng tuổi tác không hề là yếu tố cản trở sự nghiệp của cô.

"Một khi bạn bước ra sân đấu, những chuyện như tuổi tác hay chiều cao chẳng phải là yếu tố quyết định", Venus đã quả quyết như thế sau khi đánh bại tay vợt kém mình 11 tuổi, Camila Giorgi, ở vòng ba với 3 set đấu. "Yếu tố quyết định là bạn đánh bóng như thế nào, bạn có thể giành điểm hay không. Tôi không nghĩ tuổi tác ảnh hưởng đến tâm trí của tay vợt trên sân quần".

Những con số thống kê đã ủng hộ ý kiến của Venus: 14 danh hiệu WTA năm ngoái thuộc về các tay vợt ngoài 30 tuổi. Dẫn đầu trong số đó dĩ nhiên là Serena Williams với 7 chức vô địch. Tiếp theo là một loạt lão tướng như Venus Williams (2), Li Na (2), Flavia Pennetta, Samantha Stosur (cùng 1). Tương tự, có đến 13 danh hiệu ATP trong năm 2014 thuộc về các tay vợt ngoài 30 tuổi.

Chỉ cần lắng nghe cơ thể mình

Mặc dù rất buồn sau khi thua Andreas Seppi ở vòng ba đơn nam Australian Open, nhưng Federer vẫn khẳng định anh không thấy có nhiều khác biệt ở thời điểm hiện tại so với 4 năm về trước.

"Chỉ cần bạn chú ý hơn một chút và lắng nghe dấu hiệu từ cơ thể mình. Cho tới thời điểm này, tôi đã hiểu rõ cơ thể mình hơn", Federer tiết lộ. Theo anh, điều quan trọng với các tay vợt có tuổi là cần phải biết điều chỉnh một cách thích hợp, và đó cũng là một cách để làm mới bản thân, để nuôi dưỡng động lực.

"Tôi nghĩ trí óc cũng rất quan trọng. Bạn có còn muốn đứng trên sân, muốn thi đấu và chiến thắng? Tại sao bạn vẫn theo đuổi môn thể thao ấy? Bạn có thực hiện nó với một lý do đúng đắn hay không? Theo tôi, điều đó còn quan trọng hơn việc cơ thể có đủ sức chịu đựng hay không", Federer khẳng định.

Venus cũng đồng ý với Federer rằng một tay vợt khi có tuổi thì khía cạnh tinh thần sẽ quan trọng hơn thể xác. "Thành thực mà nói, tôi nghĩ mình hiểu trận đấu nhiều hơn, ngay cả khi không chơi tốt. Sự hiểu biết về mặt chiến thuật cũng rất hữu ích, dù không còn ở đỉnh cao phong độ”.

Samantha Stosur, một nhà vô địch Grand Slam thuộc dạng chín muộn và năm nay đã 31 tuổi, thì tuyên bố rằng khát khao mới là quan trọng chứ không phải tuổi tác. "Sự hồi phục là rất quan trọng. Trước đây, bạn có thể phung phí nhiều sức lực, nhưng khi đã 30 tuổi, bạn phải chơi thông minh hơn. Không có rào cản về tuổi tác để trở thành một tay vợt lớn. Một tay vợt 19 tuổi chưa chắc đã lợi thế hơn đối thủ 30 tuổi nếu như cả hai đều không thiếu khát khao", Stosur kết luận.

Huyền thoại Chris Evert: Cơ hội lớn nhất của Federer bây giờ là Wimbledon

Federer đã trải qua một giải đấu tệ hại khi gác vợt 4-6, 6-7 (5), 6-4, 6-7 (5) trước Andreas Seppi, đối thủ mà anh toàn thắng 10 trận trước đó, tại vòng 3 Australian Open 2015.

Theo ý kiến của huyền thoại Chris Evert, Federer chỉ có thể giành một Grand Slam nữa, tại Wimbledon. Wimbledon 2012 cũng chính là danh hiệu lớn gần nhất của anh – Grand Slam thứ 17. Và thực tế, kể từ khi đánh bại Andy Murray ở chung kết Australian Open 2010, Federer không lọt vào một trận chung kết Grand Slam nào khác ngoài Wimbledon.

"Trong 10 Grand Slam gần nhất, anh ấy không một lần vô địch. Trong tương lai, việc vô địch Roland Garros hay các Grand Slam trên mặt sân cứng là quá khó với anh ấy. Wimbledon là cơ hội duy nhất".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Australian Open 2015: Những người không ngại tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO