Nơi hiện thực là giấc mơ

LÊ MINH HÙNG| 04/03/2012 07:50

Người ta thường hay nói “biến giấc mơ thành hiện thực”. Nhưng với công trình này, ông -họa sĩ Thành Chương, là người đã biến hiện thực thành giấc mơ"... (Raymond Burghard - cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam )

Nơi hiện thực là giấc mơ

Thành Chương - sinh năm 1949, con của nhà văn Kim Lân - là một trong những họa sĩ tài năng hàng đầu của hội họa Việt Nam đương đại.

Bắt đầu sự nghiệp từ rất sớm, sau nửa thế kỷ sáng tạo và cống hiến cho nghệ thuật tạo hình Việt Nam, ông đã cho ra đời một khối lượng lớn tác phẩm hội họa đặc sắc.

Trong đó, không thể không kể đến một tác phẩm đặc biệt, một "bức tranh” được làm bằng gạch, ngói, vữa, gỗ, cây xanh, hồ nước; bằng hội họa, bằng cổ vật và bằng sự hiểu biết thâm sâu về bản sắc văn hóa Việt; bằng tài năng và bằng tình yêu đất nước phi thường.

Tác phẩm đó chính là Việt Phủ Thành Chương (tọa lạc tại xã Hiền Ninh, huyện ngoại thành Sóc Sơn của Thủ đô Hà Nội).

Mười năm trước, toàn bộ diện tích 10.000 mét vuông, lưng dựa vào núi Sóc của Việt Phủ Thành Chương nằm ở một khu đồi trơ trọc, đất đai cằn cỗi. Vào tháng 8/2001, công trình bắt đầu được khởi công.

Sau gần 3 năm xây dựng với sự lao động miệt mài của họa sĩ Thành Chương và hàng trăm công nhân, công trình đã hiện lên hình hài, và năm 2009 thì hoàn thiện, để chào đón sự kiện ngàn năm Thăng Long - Hà Nội.

Khi ấy, có người nói ông điên khi bỏ tiền và công sức ra làm một công trình không giống ai. Nhưng cũng có người bảo ông là họa sĩ có tầm nhìn sâu sắc của một thiên tài.

Riêng với ông, đó là một khát vọng, một giấc mơ mang đậm chất thơ và tâm hồn Việt. Bởi, với họa sĩ, Việt Phủ Thành Chương là một tác phẩm tạo hình của riêng ông, nó chứa đựng một tinh thần duy nhất là lưu giữ, bảo tồn, tôn vinh nghệ thuật văn hóa Việt.

Việt Phủ Thành Chương giờ đây trở thành công trình đặc trưng văn hóa Việt. Ở đó có ngôi nhà sàn của người Mường trên 100 tuổi, được lợp bằng bổi (cói rối) mang đậm cảnh núi rừng thâm u mà giàu chất thi ca; có nhà Thanh Tĩnh là ngôi nhà gỗ lim lớn gần 200 tuổi, làm theo kiểu bức bàn, có cấu trúc, hoa văn, họa tiết điển hình của một ngôi nhà đồng bằng Bắc bộ; có nhà Tường Vân là gian nhà cổ có từ thời nhà Nguyễn, tiêu biểu cho lớp thượng lưu triều đình Huế, có gần 300 năm tồn tại; có nhà Đại Khoa là nhà gỗ xoan dựng theo kiểu nhà cổ đặc trưng nhất của vùng Bắc Ninh; có nhà hát Long Đình hoành tráng là nơi để biểu diễn nghệ thuật.

Ở đó còn có nhà tranh vách đất, là điển hình của kiến trúc dân dã Việt Nam. Đó cũng là ngôi nhà theo kiểu mà họa sĩ Thành Chương đã được sinh ra và lớn lên tại vùng đồi Yên Thế, Nhã Nam, Bắc Giang.

Bên cạnh đó còn có nhà Mạc Hương, nhà Rối nước, Ban thờ Mẫu, tượng Phổ Hiền Bồ tát, Miếu Ngựa, Ban thờ Thiên...

Trong mỗi không gian nhà như vậy, họa sĩ chủ nhân đã cho phục dựng cảnh thờ ông bà tổ tiên, thờ các vị thần linh, hay chiếu trà, tràng kỷ là nơi chủ nhà và khách ngồi thưởng trà, đàm đạo...

Tuy có khác nhau đôi chút, nhưng đều gắn liền với cuộc sống, cảnh sinh hoạt thân thuộc của người Việt. Nó gợi lên cho du khách, nhất là những người Việt, một cảm xúc nhẹ nhàng, thư thái như được trải hồn mình về với miền quê yên ả...

Nét phong phú và hấp dẫn nữa là ở Việt Phủ Thành Chương, ta còn bắt gặp hàng trăm chiếc lọ, bình gốm cổ khác nhau được chủ nhân sưu tầm từ khắp mọi miền đất nước, và sắp đặt thành những bộ sưu tập vô cùng quý giá, tạo cho người xem một cái nhìn tổng thể rất điển hình về quá trình phát triển nghề gốm sứ và sự nhận thức, cảm xúc của người Việt trong từng vật thể.

Rồi vườn tượng đá cổ, giếng cổ, cổng Chăm, hồ bán nguyệt, cổng đất, cổng gạch... được tái hiện liên hoàn và sâu lắng trong một không gian Việt khá hoàn hảo.

Ở đây, chủ nhân của Việt Phủ Thành Chương còn cho ta thưởng thức những bức tranh đặc sắc mà ông đã dành tâm sức cả cuộc đời để sáng tạo nên, như các bức “chân dung tự họa”, “Buổi sớm mùa Đông”, “Chiều mùa Hè”...

Còn một điều khá thú vị ở Việt Phủ Thành Chương, mà chủ nhân của nó từng cho biết rằng, Việt Phủ Thành Chương có đời sống tự cấp tự túc: vài sào ruộng đủ lúa gạo để nhà ăn quanh năm; hoa trái, rau cỏ trong vườn mùa nào cũng sung túc; lợn, gà, ngan, ngỗng
đầy chuồng; có cả đôi bò nuôi để lấy sức kéo...

Raymond Burghard - cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam đã nhận xét: "Người ta thường hay nói “biến giấc mơ thành hiện thực”. Nhưng với công trình này, ông (họa sĩ Thành Chương) là người đã biến hiện thực thành giấc mơ"...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nơi hiện thực là giấc mơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO