Ngon như “ăn Tết”

BÙI VIỆT PHƯƠNG| 11/02/2013 07:03

Ngày bé tôi cứ thắc thỏm đợi “ăn Tết”. Phần vì người lớn cứ xôn xao thế, phần bởi Tết cứ lặng lẽ bí hiểm không gõ cửa, chẳng đánh tiếng bao giờ.

Ngon như “ăn Tết”

Ngày bé tôi cứ thắc thỏm đợi “ăn Tết”. Phần vì người lớn cứ xôn xao thế, phần bởi Tết cứ lặng lẽ bí hiểm không gõ cửa, chẳng đánh tiếng bao giờ. Nhưng rồi khi đã lớn, kiên gan phơi trải, hình như mỗi độ xuân về lại thắc thỏm lo âu: Sợ sơ xảy Tết không được ngon, được vui; lo lỡ miếng Tết mất thi vị, ngọn ngào…

Gói bánh tét đón Xuân - tác phẩm tham dự cuộc thi ảnh "Tết Việt" 2013
Người Việt hay nói đến “ăn” lắm. Hết ăn thì mới lo mặc. “Ăn” là cái lo đầu tiên, nhưng cũng là cái gốc, là nhân cách ứng xử của một con người vậy. Ăn sao để ở yên với xóm làng. Ăn sao được hòa thuận với anh em, bè bạn. Bởi thế mà “ăn Tết” cũng là cách để ta tự làm mới tâm hồn mình trước vòng quay mới của vũ trụ, là dịp để sửa sang nết ăn ở.

Khởi đầu của một năm là cỗ bàn, chúc tụng. Cái vui như cỏ xuân mọc tràn khắp chốn, như chén rượu rót xòa cho nhau. Nhưng vui quá, thái quá cũng thành bấn loạn, mệt nhọc. Biết đâu từ cái đầy tràn ấy, say sưa quên thế sự ấy mà mất đi điều ý nhị để mất lòng nhau. Thế, phỏng có cơ hồ ăn Tết được không?

Tết cũng là để nối lại cái thâm tình thường nhật bị đứt đoạn bởi cái sự eo le “gần nhà xa ngõ”. Từ quanh co ngõ trúc, nệ mép ao, bờ ruộng, người Việt đã nhận ra mà tự vấn mình như thế. Đánh tiếng dạm lời xông đất chúc ăn nên làm ra nhưng đôi lúc vấp phải những “bậu cửa” cũ của sự kiêng hèm, lo sợ. Tình làng của cư dân nông nghiệp tựa như sợi rơm gầy quện vào nhau mà thành mái rạ che nắng che sương, thành ổ rơm thơm mà xua tan sương muối. Hơi ấm ấy, vững bền ấy có được là bởi sự hòa quện không chê bạn nghèo, không sợ mình khó. Kiêng hèm sợ năm mới không đủ đầy tài lộc thử hỏi trông chờ ai cho? Sao vì cái điều vu khoát viển vông mà quên đi cái “lợi” là tình xóm làng sẻ chia tương trợ mà có ngày cùng nhau khấm khá…

Sau cùng, là cái sự cầu mong ngày Tết. Sự khởi đầu thuận lời là điềm cận biến, là “khởi thủy” hanh thông cho cái “chung kết” viên mãn. Nhưng, không hẳn mọi thành công đều hé lộ tự khởi đầu mà phải qua những bước chuyển mình tích tụ. Với cái nhìn xa, với lo toan rộng, người thức thời chỉ mong những gì gần nhất, những gì đang mong mỏi trước mắt. Ấy là sức khỏe, hòa thuận để đủ can trường theo suốt hành trình một năm đằng đẵng. Cầu mong điều vừa đủ thì tin được, hi vọng như cầm chắc trong tầm tay mà không phải thắc thỏm với những lời cầu mong ước xa vời quá. Như thế, Tết mới thấy hạnh phúc như vừa thưởng thức một “miếng Tết” đậm đà vậy.

Tết không thể thiếu miếng ngon nằm trong vị thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh. Nhưng Tết cũng thật trừu tượng, không rõ hình hài trong từng ý nghĩ. Chỉ có tâm lành đón Tết bằng sự khoan giản và thành thực. Như thế Tết mới ngon!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngon như “ăn Tết”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO