Xu hướng "đóng gói vốn" cho doanh nghiệp nhỏ

TUYẾT ÂN| 29/06/2017 03:39

Đo ni" các gói cho vay phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), các công ty khởi nghiệp hay hộ gia đình đang dần trở thành xu hướng ở thị trường tài chính. Việc này làm thay đổi cách thức tiếp cận của ngân hàng tới phân khúc khách hàng đông đảo nhất của nền kinh tế.

Xu hướng

Khối SMEs chiếm gần 98% số doanh nghiệp Việt Nam, đóng góp hơn 40% GDP và sử dụng khoảng 78% nguồn nhân lực. Trong khi đó, chỉ 30% doanh nghiệp SMEs tiếp cận được vốn vay ngân hàng, số còn lại tự xoay xở từ các nguồn khác với chi phí cao.

Cả nước hiện có khoảng 700.000 doanh nghiệp, dự kiến sẽ đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 cùng với khoảng 2 triệu hộ kinh doanh sẽ chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Đây chính là thị trường tiềm năng cho các nhà cung cấp vốn.

Chuyên biệt hơn cho SMEs

Cuối tuần rồi, ABBank ra mắt dịch vụ ngân hàng chuyên biệt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME Banking) với mục tiêu hỗ trợ SMEs tiếp cận vốn hiệu quả hơn. Có 7 sản phẩm đóng gói cả cho vay tín chấp (SME Easy, SME Easy Plus, SME Easy Auto và SME Top Up) lẫn có tài sản đảm bảo (SME Biz Loan, SME Fast loan, SME Flex). Mỗi sản phẩm được tinh chỉnh theo đặc thù của từng đối tượng doanh nghiệp, thiết kế riêng gói cho SMEs siêu nhỏ, mới khởi nghiệp hoặc tiền thân là hộ kinh doanh.

Phương thức cho vay mới đã tối giản hồ sơ để thuận tiện hơn so với cấp tín dụng truyền thống như: tiêu chí cho vay đơn giản, thủ tục trong 22 giờ và phê duyệt trong vòng 5 tiếng khi khách hàng đủ hồ sơ. Cho vay linh hoạt với tài sản bảo đảm như phê duyệt đến 100% giá trị tài sản, không yêu cầu tài sản hoặc thiếu một phần tài sản...

Doanh nghiệp chứng minh cách dùng vốn mà không cần quá quan tâm đến kinh nghiệm hoặc đòi hỏi báo cáo tài chính khắt khe như trước đây.

Quan sát trên thị trường, các ngân hàng ngày càng chủ động đưa ra các giải pháp vốn phù hợp và dễ tiếp cận hơn nhằm thu hút các SMEs. Các gói tín dụng cho SMEs gần đây được tung ra ào ạt với các phương thức ngày càng linh hoạt hơn và đa dạng sản phẩm hơn.

BIDV vừa công bố dành 3.000 tỷ đồng cho chương trình tín dụng dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp siêu nhỏ với lãi suất thấp hơn vay thông thường từ 1 - 1,5%/năm. Tương tự, Ngân hàng Bản Việt dành 600 tỷ đồng cho chương trình kết nối SMEs với lãi suất từ 7%/năm, miễn phí trả nợ trước hạn và có thể vay 80% giá trị bất động sản thế chấp.

Nhiều ngân hàng đã thành lập hẳn bộ phận khách hàng SMEs và đưa nhóm này trở thành thị phần chiến lược. OCB năm 2016 đã thiết lập bộ phận chuyên hỗ trợ SMEs với mô hình Trung tâm SME đặt ở các tỉnh thành.

Ngân hàng này đặt mục tiêu đến cuối năm 2017, khối SMEs đạt khoảng 8.000 khách hàng với 35 Trung tâm SME trên cả nước và quy mô cho vay đạt 7.500 tỷ.

VPBank cũng cho biết mô hình kinh doanh chuyên biệt cho khối doanh nghiệp siêu nhỏ (Micro SME) trong năm 2016 đã đem lại kết quả khả quan với dư nợ sản phẩm cho vay tín chấp SME tăng hơn 5 lần mức năm trước đó.

Thay đổi cách tiếp cận

Theo bà Nguyễn Quỳnh Nga - Phó giám đốc khối SME của ABBank, những gói cho vay "đo ni đóng giày" nhằm tạo ra nhiều lựa chọn phù hợp với nhu cầu vốn của SMEs và việc tiếp cận cũng thuận tiện hơn. Không thể đánh giá SMEs như doanh nghiệp lớn với yêu cầu tài sản bảo đảm lớn, quá trình thẩm định có khi cả tháng với rất nhiều hồ sơ cung cấp, chứng minh, giải trình.

Để chuẩn hóa cách tiếp cận SMEs, ABBank dành ra 2 năm cùng IFC đi đến nhiều doanh nghiệp ở nhiều ngành hàng, lĩnh vực để xây dựng năng lực chuyên môn hóa về sản phẩm và đội ngũ, tìm ra ngách để thay đổi cách tiếp cận với phương pháp thẩm định chuyên biệt dựa trên đặc thù kinh doanh của SMEs.

Bà Nga so sánh, nếu một doanh nghiệp lớn vay tín chấp cả ngàn tỷ đồng thì rủi ro dồn vào một rổ, cũng nguồn vốn đó cho hàng trăm SMEs vay là cách phân tán rủi ro. Những nan giải về nợ xấu trong quá khứ khiến ngân hàng chưa cởi mở, nhưng vai trò SMEs trong nền kinh tế ngày càng mạnh mẽ khiến các ngân hàng buộc phải thay đổi để phục vụ.

Ngân hàng nhìn nhận đây là loại hình dịch vụ của ngân hàng bán lẻ, như cách thức phục vụ khách hàng cá nhân để có sản phẩm phù hợp giải quyết được các điểm yếu về tài sản và năng lực tài chính của SMEs. Theo bà Nga, "không phải lãi suất mà là giải pháp phù hợp sẽ giúp ngân hàng thúc đẩy cho vay đối với các SMEs và phải định hướng kinh doanh đi vào phân khúc này".

Chia sẻ kinh nghiệm của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), bà Iris Fang cho biết, tiếp cận vốn là thách thức chung cho cộng đồng SMEs trên toàn cầu, dù họ là động cơ tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, là cầu nối cho khối FDI cung cấp sản phẩm dịch vụ. SMEs vốn sáng tạo và chủ động cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng trong nước. Tính cạnh tranh của SMEs cũng góp phần làm thị trường lành mạnh.

Nhu cầu vốn của SMEs "tiến hóa" từng ngày. Trong quá khứ, họ sử dụng nguồn vốn chủ yếu từ những nguồn thân quen. Chính những khó khăn khi vay vốn từ nguồn chính thống đã khiến cơ hội kinh doanh của họ bị trì hoãn. "Ngày càng có nhiều công cụ hỗ họ tiếp cận ngân hàng. Và, ngân hàng cũng buộc phải tư duy xa hơn, hiểu khách hàng hơn... để đưa ra các giải pháp phù hợp", bà Iris Fang nhận định.

Ông Hà Huy Cường - Phó tổng giám đốc ABBank thừa nhận, các định chế tài chính lâu nay quan tâm chưa đúng mực với SMEs, dù đã tập trung nhiều hơn và xem đây là phân khúc trọng tâm để cung cấp dịch vụ.

Theo ông Cường, giai đoạn ngân hàng cho vay theo cách truyền thống đã qua, hiện không thể đưa ra sản phẩm mà không hiểu doanh nghiệp cần gì và ngân hàng buộc phải nâng tầm nguồn lực với nhiều công cụ hỗ trợ, kết nối để quản lý nguồn lực doanh nghiệp với chi phí thấp hơn.

Phát triển đối tác cũng là một hoạt động quan trọng của ngân hàng, thông qua kết nối và phát triển thành một hệ sinh thái hiệu quả. Đó cũng là cơ hội để ngân hàng tiếp cận nhiều SMEs trong mục tiêu cung cấp đa dạng tiện ích và phù hợp nhất cho cộng đồng kinh tế lớn này.

"Muốn có giải pháp sáng tạo phục vụ SMEs thì phải đi vào thực tế, sản phẩm phải phù hợp. Trước mắt cần chủ động tiếp cận, nắm quy trình vận hành của SMEs. Về lâu dài, nhà cấp vốn sẽ được hưởng lợi từ hệ sinh thái phát triển và kết nối SMEs", theo ông Cường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xu hướng "đóng gói vốn" cho doanh nghiệp nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO