Vốn rẻ dù khó cũng đang về

QUỲNH CHI| 09/05/2013 00:06

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 23/4, tín dụng đã tăng 1,4% so với cuối năm 2012, cao hơn mức giảm (0,2%) của bốn tháng đầu năm 2012. Con số tăng dù chẳng đáng là bao nhưng xem ra đó cũng là điểm sáng để "kích tinh thần" cả ngân hàng (NH) và doanh nghiệp (DN).

Vốn rẻ dù khó cũng đang về

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 23/4, tín dụng đã tăng 1,4% so với cuối năm 2012, cao hơn mức giảm (0,2%) của bốn tháng đầu năm 2012. Con số tăng dù chẳng đáng là bao nhưng xem ra đó cũng là điểm sáng để "kích tinh thần" cả ngân hàng (NH) và doanh nghiệp (DN).

Đọc E-paper

NH khát tín dụng

Trong đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của các NH, ngoài các vấn đề nóng như M&A, cổ tức, thì lãnh đạo các NH quan tâm nhất vẫn là làm thế nào để đẩy tín dụng tăng trong năm 2013. Bởi vì, trong thời gian qua, toàn khối NH đều đã "thấm đòn" do thừa vốn, trong khi hoạt động tín dụng dù sao cũng vẫn đóng góp chủ yếu vào tổng lợi nhuận của mỗi NH.

Theo ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Eximbank, NH này trong năm nay đặt kế hoạch lợi nhuận ở mức 3.200 tỷ đồng. Trong đó, Eximbank đặt kỳ vọng vào hoạt động tín dụng lên đến 70% vì hiện nay các dịch vụ như kinh doanh vàng, ngoại hối... đã bị thu hẹp. Tuy nhiên, đó mới chỉ là kỳ vọng vì trải qua bốn tháng đầu năm, tình hình giải ngân của NH hiện vẫn còn khá chậm.

Cụ thể, đối với khách hàng cá nhân, dù NH đã đưa ra gói vốn ưu đãi lãi suất tới 5.000 tỷ đồng từ cuối năm qua, lãi suất hiện giảm xuống còn 10%/năm, cố định trong hai năm đầu, nhưng cũng chỉ giải ngân được vài trăm triệu đồng.

Nếu lấy số liệu ba tháng đầu năm 2013, tín dụng của Eximbank lại trở về tình trạng âm, với tỷ lệ khoảng vài phần trăm. Năm 2012, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 0,3%, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng mà NH này nhận được là 17%.

Tại ĐHCĐ của Sacombank, ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch HĐQT Sacombank, thừa nhận tín dụng vẫn là nguồn thu chính trong năm hai năm gần đây.

Do vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 của Sacombank đặt ra ở mức 12% (bao gồm cả dư cho vay và số dư trái phiếu DN), tương đương với mục tiêu tăng trưởng dư nợ của toàn ngành năm nay để có thể đạt được chỉ tiêu lợi nhuận 2.800 tỷ đồng như kế hoạch đề ra.

Theo ông Phú, NH đặt chỉ tiêu tín dụng cao cũng xuất phát từ thực tế, do vậy năm nay, Sacombank từng bước nâng cao tỷ trọng lợi nhuận của các hoạt động ngoài tín dụng, để tạo cơ cấu thu nhập bền vững cho NH.

Thừa nhận tình trạng nguồn vốn dôi dư, nhưng cho vay không dễ, bởi nhu cầu vốn của khách hàng không tăng, nhưng trong ĐHCĐ của DongA Bank, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, vẫn "mạnh dạn" đưa ra kế hoạch tăng trưởng dư nợ 9% trong năm nay. Theo ông Bình, DongA Bank tự tin sẽ xử lý tốt nợ xấu và quản chặt chất lượng tín dụng để đạt được mục tiêu đề ra năm nay.

Vốn thật cho nhu cầu thật

Theo các mục tiêu của NH thì tình trạng "DN không muốn vay vốn còn NH không hạ thấp các chuẩn tín dụng" có thể "giảm nhiệt". Bởi vì, các NH đang tìm mọi cách để hạ lãi suất cho vay, gấp rút đưa vốn ra thị trường thông qua việc tạo điều kiện hỗ trợ DN vay vốn.

Nếu quan sát, dễ thấy các ngân hàng thương mại (NHTM) nhanh chóng hạ lãi suất cho vay từ đầu tháng 4 để khơi thông nguồn vốn thông qua việc giảm mạnh lãi suất huy động cả kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài giảm sâu.

Nhiều NH như Sacombank, Eximbank, ACB, Maritime Bank, DongA Bank... đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay mới và các khoản vay cũ. Đối tượng ưu tiên chính là các DN nhỏ và siêu nhỏ.

Số liệu của NHNN cho thấy, hiện lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao ở mức 9-11%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 11-13%/năm; trong đó, một số DN thuộc các lĩnh vực ưu tiên, có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được các NHTM cho vay với mức lãi suất chỉ từ 9-10%/năm.

Ngay cả lãi suất cho vay trung và dài hạn, lãi suất hiện cũng chỉ còn phổ biến từ 13 - 15%/năm, giảm mạnh so với mức 14 - 16,5%/năm trước đó.

Bên cạnh nỗ lực hạ lãi suất, mỗi NH còn có cách riêng để đẩy nhanh tín dụng. Ví dụ, để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, Eximbank sẽ chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng tiếp tục phát huy thế mạnh tài trợ vốn cho DN và đẩy mạnh hoạt động NH bán lẻ để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 15%, cao hơn so với chỉ tiêu chung của ngành là12%.

Cũng không nằm ngoài "cuộc chơi", Maritime Bank mới đây đã triển khai gói tín dụng với hạn mức lên tới 3.000 tỷ đồng dành cho các DN. Ngoài mức lãi suất từ 7%/năm, thấp hơn cả lãi suất huy động, Maritime Bank còn cho khách hàng linh hoạt lựa chọn kỳ điều chỉnh lãi suất hoặc an tâm trước những rủi ro về tỷ giá chỉ với một mức phí bảo hiểm rủi ro hợp lý.

Theo bà Dương Thị Mai Hoa, Tổng giám đốc NH DN của Maritime Bank, mục tiêu của NH năm nay là gia tăng mối quan hệ với DN bên cạnh việc gia tăng tỷ lệ dư nợ tín dụng cho NH.

Như vậy, thị trường vốn dự báo có nhiều thay đổi khi các NH không giảm lãi suất để tín dụng theo chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước mà làm vì chính sự tồn tại của mình. Vì thế, cho vay lãi suất rẻ không chỉ mang tính "hình thức" nữa mà vốn được đẩy ra thị trường theo đúng quy luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vốn rẻ dù khó cũng đang về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO