Vốn cho doanh nghiệp vay tăng trong tháng 3

07/04/2012 09:44

Tính đến ngày 20/3, tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng bị âm tới 2,13%, song đại diện phía NHNN cho biết xu hướng giảm chỉ xuất hiện trong 2 tháng đầu năm, sang tháng 3, tình hình đã được cải thiện.

Vốn cho doanh nghiệp vay tăng trong tháng 3

Tính đến ngày 20/3, tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng bị âm tới 2,13%, song đại diện phía NHNN cho biết xu hướng giảm chỉ xuất hiện trong 2 tháng đầu năm, sang tháng 3, tình hình đã được cải thiện.

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo “Giải pháp về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Góc nhìn từ ngân hàng” tổ chức ngày 6/4, bà Đỗ Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết trong tháng 3 dư nợ tín dụng đã có xu hướng tăng trở lại.

Trước đó, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) công bố trong cuộc họp tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ ngày 25/3, tính đến ngày 20/3 tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 1,5%, trong đó huy động vốn VND ước tăng 2,12%.

Trong khi đó, dư nợ tín dụng lại tăng trưởng âm, với tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước giảm 2,13% so với cuối tháng 12/2011. Trong đó dư nợ tín dụng bằng VND ước giảm 2,02%, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ ước giảm 2,51%.

Như vậy, tốc độ dòng tiền chảy vào hệ thống ngân hàng lớn hơn tốc độ dòng tiền chảy ra nền kinh tế. Điều này giúp đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng và phần nào góp phần hạn chế lạm phát, song cũng đồng nghĩa với việc, đang diễn ra một thực trạng là ngân hàng có tiền song vốn chưa đến được tay doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bà Nhung khẳng định, xu hướng giảm chỉ xuất hiện trong 2 tháng đầu năm và đến tháng 3 thì đã được cải thiện. Thậm chí, bà Nhung còn cho rằng, xét về doanh số cho vay thì quý I năm nay còn cao hơn cùng kỳ năm trước và vốn tín dụng ngân hàng vẫn luân chuyển vào nền kinh tế.

Lý giải tình trạng tăng trưởng âm, bà Nhung nói, đó là do các khoản thu nợ cao hơn các khoản cho vay mới. 

Bên cạnh thừa nhận nguyên nhân khách quan lãi suất cho vay vẫn đang còn cao hơn “tầm với” doanh nghiệp, còn một nguyên nhân khác xuất phát từ chính phía doanh nghiệp là sức đề kháng của nhiều doanh nghiệp còn kém, khi trình phương án vay không thuyết phục, không chứng minh được khả năng trả nợ cho ngân hàng nên ngân hàng không “dám” cho vay.

Đại diện phía NHNN tham gia buổi tọa đàm cũng khẳng định, từ nay đến cuối năm, cơ quan điều hành sẽ cố gắng đảm bảo tăng trưởng tín dụng ở mức 15 -17%.

Hiện tại, hệ thống ngân hàng đang được phân làm 4 nhóm với các mức tăng trưởng cho phép lần lượt là 17% đối với nhóm 1,15% đối với nhóm 2,8% đối với nhóm 3 và nhóm 4 không được tăng trưởng (chứ không phải không được cho vay).

Sau 6 tháng, NHNN sẽ xem xét lại để điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với từng ngân hàng dựa vào diễn biến thị trường tiền tệ, tín dụng và kết quả hoạt động của các ngân hàng.

Đồng thời, bà Nhung cũng lưu ý, với những ngân hàng có tiềm năng về mạng lưới, vốn, quản trị điều hành, NHNN có thể xem xét để nới lỏng hạn mức cho vay lên cao hơn.

Trong những năm gần đây, tình trạng tăng trưởng tín dụng quá nóng của các ngân hàng đã trở thành một mối lo ngại, dẫn đến hệ quả tăng tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng lên cao, ảnh hưởng đến sức khỏe toàn hệ thống.

Song, việc tăng trưởng tín dụng âm cũng là mối đe dọa cho sự tồn vong của cộng đồng doanh nghiệp cũng như làm khó cho chính phía ngân hàng - vì bản chất ngân hàng “sống” dựa trên tăng trưởng tín dụng.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15-17% mà Chính phủ đề ra cũng đi kèm với cái đích tăng trưởng GDP đạt 6% trong cả năm. Nếu lượng cho vay của ngân hàng ra nền kinh tế giảm thì không động viên được sản xuất, từ đó khiến “đích ngắm” GDP cũng trở nên khó khăn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vốn cho doanh nghiệp vay tăng trong tháng 3
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO