Việt Nam - điểm đến mới cho nhà môi giới chứng khoán quốc tế

MẠNH ĐỨC| 31/05/2018 08:27

Các nhà môi giới chán nản với cảnh tiền thưởng giảm đi có thể nhận ra rằng sự giàu có đang chờ họ ở Việt Nam, Shuli Ren của Bloomberg cho hay.

Việt Nam - điểm đến mới cho nhà môi giới chứng khoán quốc tế

Ảnh minh họa: Quý Hòa

Các công ty chứng khoán ở Việt Nam đã và đang tuyển dụng các nhân sự cao cấp trong những tháng gần đây. Mike Lynch, trước đây là giám đốc điều hành của CIMB Group Holdings Bhd tại New York, đã chuyển đến làm việc tại TP.HCM chỉ hơn một năm trước để phụ trách mảng khách hàng tổ chức của công ty Cổ phần chứng khoán SSI.

Nửa năm sau đó, Lawrence Heavey - người đã có một thập kỷ kinh nghiệm làm việc trong ngành chứng khoán châu Á tại CLSA Ltd cũng theo bước Lynch.

Các công ty khác cũng tham gia vào trào lưu này. Hồi tháng 1, Công ty CP Chứng khoán TP.HCM - một trong 3 công ty môi giới lớn nhất của Việt Nam, đã tuyển dụng Stephen McKeever - người phụ trách bộ phận chào bán chứng khoán tại Mizuho Securities ở Hong Kong.

Việt Nam là một thế giới khác xa với các thị trường tài chính danh tiếng hơn ở châu Á - nơi phí hoa hồng đang bị giảm sút bởi các quy định của MiFID và sự cạnh tranh gay gắt. Các nhà môi giới hàng đầu vẫn kiếm được ít nhất 15 điểm cơ bản trên các giao dịch chứng khoán, gấp 3 lần các thị trường phát triển như Hong Kong - nơi các công ty chứng khoán hàng đầu thậm chí đã phải rất vất vả mới kiếm được 5 điểm cơ bản từ các giao dịch của khách hàng tổ chức.

Ngoài sự hấp dẫn của phí hoa hồng là tâm lý bầy đàn mạnh mẽ. VN-Index từng là chỉ số tốt nhất châu Á vào năm ngoái và vẫn có mức lợi nhuận khoảng 28% trong 12 tháng qua, bất chấp đợt bán tháo gần đây.

Link bài viết

Quan trọng hơn, thị trường luôn có sóng. Thị trường chứng khoán Việt Nam có thanh khoản tốt hơn nhiều so với các thị trường Đông Nam Á khác. Tỷ lệ doanh số giao dịch hằng năm (khối lượng giao dịch theo phần trăm vốn hóa thị trường) là 32,6% trong năm 2017, so với 11,6% ở Philippines và 17,8% ở Indonesia, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Vào lúc cao điểm hồi tháng 1, khối lượng giao dịch trung bình hằng ngày hơn 300 triệu USD.

Do ấn tưởng bởi nền kinh tế tăng trưởng tới 6,8% trong năm ngoái, các quỹ đầu tư nhà nước cấp 1 đã đổ xổ đến đầu tư ở Việt Nam. Trong năm nay, quỹ GIC của Singapore đã tham gia vào đợt IPO trị giá 1,4 tỷ USD của Vinhomes, cũng như đợt chào bán của ngân hàng Techcombank. Warburg Pincus trước đó cũng đã đầu tư vào nhà băng này. Để phục vụ các tổ chức nước ngoài, phóng viên Bloomberg cho rằng những nhân sự giàu kinh nghiệm từ phương Tây sẽ tốt hơn là các tài năng bản địa.

Ngành chứng khoán Việt Nam hiện có rất nhiều công việc tốt. Nó đang ở trong giai đoạn thuận lợi nhất cho nhân viên - bị phân mảnh và chưa bị áp lực về giá cả dịch vụ liên quan đến chứng khoán (điều có thể làm giảm lợi nhuận của các công ty chứng khoán).

Các môi giới nước ngoài cũng có thể tìm thấy những cơ hội sinh lời béo bở cho các tài khoản cá nhân của chính họ. Từ việc mua bất động sản đến rót vốn cho các startup, họ có thể nhân tài sản của mình lên vài lần chỉ trong vài năm.

Người nước ngoài hiện nay được phép mua tới 30% các dự án bất động sản đã được nhà nước phê duyệt. Ví dụ, CapitaLand có trụ sở tại Singapore đã bán căn hộ trong dự án De La Sol cao cấp với giá tương đương khoảng 350 USD/mỗi foot vuông (0,09m2), tờ South China Morning Post cho hay. Mức giá này vẫn thấp hơn một nửa giá của các dự án có thể so sánh ở Thái Lan. Việc cho thuê các căn hộ trong khu thương mại trung tâm của thành phố sẽ có thể đem lại mức lợi suất hấp dẫn 6 - 9%.

Marc Djandji - người phụ trách bộ phận môi giới khách hàng tổ chức tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, có cổ phần tại nhà máy bia vi mô ở Sài Gòn có tên Pasteur Street Brewing Co. Tiềm năng của nền kinh tế tiêu dùng trẻ và đầy khát khao này được nhấn mạnh khi Thai Beverage Pcl trả 4,8 tỷ USD mua lại cổ phần đa số tại công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vào tháng 12/2017.

Rủi ro của việc đưa cả gia đình chuyển đến Việt Nam là sự bùng nổ trên sẽ đột ngột biến mất, như những gì đã diễn ra với thị trường vốn phụ thuộc vào nhà đầu tư cá nhân ở Trung Quốc trong năm 2015. Tuy nhiên, tiềm năng để gầy dựng tài sản giống như một chân lý mà mọi nhà môi giới đều biết, đó là rủi ro và phần thưởng đi đôi với nhau.

(Theo NCĐT - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam - điểm đến mới cho nhà môi giới chứng khoán quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO