Vì sao SVC, VIS và CII?

HỒ ĐẠT SANH| 13/08/2009 05:24

Phiên giữa tuần, các cổ phiếu SVC, VIS và CII có khối lượng dư mua giá trần cao nhất sàn. Diễn biến này không khỏi khiến các nhà đầu tư thắc mắc trước nhiều kết quả khá “đột biến”.

Vì sao SVC, VIS và CII?

Phiên giữa tuần, các cổ phiếu SVC, VIS và CII có khối lượng dư mua giá trần cao nhất sàn. Diễn biến này không khỏi khiến các nhà đầu tư (NĐT) thắc mắc trước nhiều kết quả khá “đột biến”.

Sáng 5/8, nhiều NĐT đã gọi điện cho nhau bảo bằng mọi cách phải đặt mua cổ phiếu SVC của Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico). Diễn biến tất nhiên là NĐT phải đặt giá trần. Thế nhưng, không mấy người mua được vì cổ đông của SVC ghìm giá, không chịu bán ra. Nếu như phiên trước đó, SVC giao dịch được hơn 300 ngàn cổ phiếu thì phiên này chỉ được một phần tư.

Ảnh -Quý Hòa

Vì sao có hiện tượng trên? Theo một số NĐT, SVC đã báo cáo tình hình kinh doanh rất khả quan và cho biết dự án cho thuê bất động sản đang được triển khai. Cụ thể, trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt 55,7 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, trong khi vốn điều lệ của Savico chỉ hơn 200 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty còn xây dựng Trung tâm Thương mại Savico Plaza Hanoi tại Q. Long Biên, Hà Nội và dự kiến hoàn thành vào năm 2011. Đây là một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất VN với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 60.000m2. Tổng vốn đầu tư của dự án là 25 triệu USD, do Công ty cổ phần Savico Hà Nội làm chủ đầu tư.

Cổ phiếu CII của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM cũng được giao dịch nhiều trong phiên, gấp tám lần phiên trước đó. Bởi vì NĐT cũng được hỗ trợ bởi thông tin công bố về việc bán chốt lãi số lượng cổ phiếu của HCM của Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM đang nắm giữ hơn 1,3 triệu với giá mua lúc trước là 22.567đ/CP, giá hiện tại của HCM là 67.500đ/CP (300%), cộng với việc tăng trưởng từ thu phí cầu đường, các điểm thu phí của CII ở các cửa ngõ đầu vào TP.HCM từ các tỉnh thành lân cận.

Nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng, cổ phiếu VIS là hiện tượng đột biến trên thị trường những ngày qua sau khi có vài phiên điều chỉnh và đã tăng trần theo tín hiệu mua vào của thị trường. Tiềm năng của VIS vẫn là một ẩn số sau khi đã tăng trần mạnh mẽ suốt bốn tuần, từ 29.600đ/CP lên đến 53.500đ/CP và có nhiều phiên lượng giao dịch là hơn 1 triệu cổ phiếu. Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế thu nhập DN là 113,4 tỷ đồng.

VIS đưa ra một số nguyên nhân chính ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, gồm: chỉ tiêu về sản lượng sản xuất, sản lượng tiêu thụ tăng do thị trường xây dựng trong nước đang nóng lên, các dự án lúc trước phải tạm dừng thi công đã bắt đầu thi công trở lại, nhu cầu về thép xây dựng tăng mạnh. Cuối quý IV/2008 và sang đầu quý I/2009, thị trường thép thế giới biến động liên tục, tăng, giảm thất thường, không theo chu kỳ. Giá phôi thép thế giới biến động từ khoảng hơn 300USD/tấn vào cuối quý IV/2008 lên đến hơn 500USD/tấn vào thời điểm cuối quý II/2009. Quý I/2009 Công ty chủ động nhập khẩu phôi thép về dự trữ, sang quý II đưa vào sản xuất thép bán ra thị trường. Giá thép lúc mua thấp, nay tăng cao cũng là một ưu thế để thép VIS cạnh tranh thuận lợi trên thị trường.Ngoài ra, Công ty được hưởng ưu đãi hỗ trợ lãi vay từ chính sách kích cầu của Chính phủ nên chi phí tài chính giảm 35 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Các mã cổ phiếu trên nằm trong sự ổn định của thị trường trong tháng Tám và tâm lý NĐT trong nước bắt đầu lạc quan hơn. Họ đã mạnh tay đặt mua để tranh lấy cơ hội tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, NĐT cũng nên cảnh giác vì nếu các “đại gia” sở hữu các cổ phiếu này đã đạt được lợi nhuận theo kỳ vọng thì sẽ bắt đầu bán ra lượng rất lớn để chốt lời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao SVC, VIS và CII?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO