Ưu thế tiền đồng

QUỲNH VŨ| 14/03/2012 06:16

Sức hấp dẫn của kênh đầu tư vàng lẫn ngoại tệ đã giảm nên nhiều doanh nghiệp (DN) đang tính đến phương án chuyển vàng, đô la sang tiền đồng để gỡ khó.

Ưu thế tiền đồng

Sức hấp dẫn của kênh đầu tư vàng lẫn ngoại tệ đã giảm nên nhiều doanh nghiệp (DN) đang tính đến phương án chuyển vàng, đô la sang tiền đồng để gỡ khó.

Khó kỳ vọng lợi nhuận trong ngắn hạn

Nói về tỷ giá, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng (NH) Đông Á, chia sẻ, từ sau Tết đến nay, thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống được cải thiện đáng kể. Tỷ giá giao dịch ở các ngân hàng thương mại (NHTM) tương đối sát với tỷ giá bình quân liên NH.

Trước xu thế này, dòng vốn huy động bằng ngoại tệ cũng sụt giảm theo, mặc cho các NHTM có dấu hiệu dư cung ngoại tệ trên thị trường mua bán.

Như vậy, thông điệp ổn định thị trường ngoại hối của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thể hiện qua một loạt thông tư quản lý cho vay và chế tài đối với giao dịch ngoại hối trái quy định, đồng thời giữ tỷ giá không điều chỉnh quá 1% trong 4 tháng cuối năm 2011, đến nay đã phát huy tác dụng và góp phần củng cố niềm tin của người dân khi giữ tiền đồng. Người có tiền gửi ngoại tệ cũng chuyển qua bán ngoại tệ cho NHTM để gửi tiết kiệm VND.

Có thể thấy, tiền gửi sụt giảm do trước đây người nắm giữ ngoại tệ đều kỳ vọng giá ngoại tệ có thể tăng, nhưng thời điểm này, lãi suất ngoại tệ quá thấp so với lãi suất tiền đồng.

Rồi một khi nguồn ngoại tệ huy động sụt giảm, các NHTM cũng bắt đầu hạn chế cho vay ngoại tệ để phòng thủ thanh khoản ngoại tệ trên thị trường huy động và cho vay.

Đặc biệt, dự đoán sắp tới, NHNN sẽ có những quy định tiếp tục siết chặt cho vay ngoại tệ, nên nhiều NHTM cũng ngại cho vay ngoại tệ.

Cần cân nhắc các khoản vay

Từ ngày 13/3, lãi suất cơ bản giảm xuống còn 13%/năm để tạo tiền đề cho việc giảm lãi vay. Nhìn ở góc độ tiếp cận vốn, xu hướng giảm lãi suất có vẻ như đang hình thành nhưng trên thực tế, các DN vẫn chưa lấy lại được niềm tin.

Bởi lẽ, qua những lần điều chỉnh lãi suất trước, quy mô các gói tín dụng này khá nhỏ, chỉ chiếm từ 8 - 15% tổng mức tín dụng tối đa các NH được phép cho vay thêm - một con số rất thấp và đối tượng tiếp cận được nguồn vốn vay này rất hạn chế.

Vì thế, từ trước đến nay, DN luôn tìm cách trú ẩn ở những khoản vay USD hoặc găm giữ USD để hưởng chênh lệch. Thế nhưng, với tình hình hiện tại, các chuyên gia đều khuyên, DN cần tính đường chuyển vốn, nếu không, hoạt động kinh doanh sẽ vẫn khó khăn trong năm 2012.

Nói như ông Trần Phương Bình, giải pháp hiện tại là DN cần cân nhắc chuyển hóa các nguồn ngoại tệ sang tiền đồng. Chẳng hạn, DN có thể hoán đổi một số khoản nợ vay USD sang tiền đồng để hạn chế được rủi ro tỷ giá.

Bên cạnh đó, có thể bán USD cho NH để lấy tiền đồng sản xuất, kinh doanh, thay vì ngồi chờ tỷ giá lên để hưởng chênh lệch. Nếu lượng USD chuyển đổi sang VND đủ lớn, có khả năng thanh khoản của VND sẽ được cải thiện, lãi suất sẽ tiếp tục giảm dần.

Ngoài ra, người vay vốn ngoại tệ sẽ phải cân nhắc vì một số NHTM cho biết phản ứng trước mắt là phải tăng lãi suất cho vay USD để bù đắp chi phí.

Ví dụ, huy động được 100 đồng, giờ phải “cất kho” 6 đồng; chưa hết, NH còn phải đảm bảo yêu cầu tỷ lệ tổng cho vay trên tổng huy động, đảm bảo các tỷ lệ thanh toán theo loại tiền USD...

* Số liệu tại TP.HCM cho thấy, huy động và cho vay ngoại tệ trên địa bàn tính đến cuối tháng 2 giảm so với cùng kỳ, trong khi huy động và cho vay bằng VND tăng cao.

Cụ thể, tổng vốn huy động ước 891.800 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2011.

Trong đó, vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 25% tổng vốn huy động, giảm 1,9% so với cùng kỳ.

Vốn huy động VND chiếm 75% tổng vốn huy động, tăng 16,3% so với cùng kỳ, trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 27,7%, chiếm 37,4%.

Riêng về tín dụng, tổng dư nợ đến cuối tháng 2 ước 755.600 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ và tăng khoảng 0,2% so với cuối năm 2011.

Trong đó, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ chiếm 26,9% tổng dư nợ, giảm 4,3% so với cùng kỳ, dư nợ bằng VND chiếm 73,1% tổng dư nợ, tăng 5,5% so với cùng kỳ.

* Từ đầu tháng 2 đến nay, giá trị VND đi vào xu hướng tăng nhẹ và giữ ổn định.

Tỷ giá giao dịch ngoại tệ của các NHTM giảm về mức sát với tỷ giá giao dịch bình quân liên NH, chủ yếu biến động trong khoảng 20.790 - 20.810 đồng/USD đối với chiều mua vào và từ 20.850 - 20.870 đồng/USD đối với chiều bán ra.

Tỷ giá trên thị trường tự do thậm chí được giao dịch thấp hơn mức này, phổ biến ở mức 20.800 đồng/USD.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ưu thế tiền đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO