Tỷ giá tăng là bình thường?

LÊ PHAN| 24/11/2016 08:25

Theo đánh giá của NHNN, diễn biến tăng tỷ giá những ngày qua là bình thường, phù hợp với xu hướng tăng tỷ giá trung tâm do NHNN công bố trong thời gian qua.

Tỷ giá tăng là bình thường?

Tỷ giá USD/VND đã có tuần biến động đáng chú ý khi liên tục đi lên theo diễn biến của đồng USD từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố được điều chỉnh tăng liên tiếp qua các ngày kéo theo tỷ giá bán ra của các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng leo dốc không ngừng. NHNN "đăng đàn" trấn an. Trong lúc đó, có ý kiến cho rằng đã đến lúc phải điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước cạnh tranh. 

Đọc E-paper

So với các đồng tiền chủ chốt kể từ thời điểm bầu cử tổng thống ở Mỹ đến nay, đồng USD đã tăng 5,7% so với đô la Úc , tăng 5,5% so với yên Nhật, tăng 4% so với EUR, tăng 3,2% so với franc Thụy Sĩ, tăng 1,6% so với đô la Canada và tăng 0,4% so với bảng Anh. Còn chỉ số USD Index cũng đã tăng mạnh từ mức quanh vùng 98 lên hơn 101, tương đương mức tăng hơn 3%.

USD leo dốc

Ở thị trường trong nước, NHNN cũng đã có liên tiếp 8 ngày tăng tỷ giá trung tâm từ hôm 10 - 21/11, với tổng mức tăng 99 đồng, tương đương 0,4%. Theo giá niêm yết đầu ngày 21/11 tại 22.124 đ/USD của NHNN, tỷ giá trung tâm đã tăng 228 đồng, tương đương mức tăng 1% so với đầu năm, khá khiêm tốn nếu tính đến sự mất giá mạnh mẽ của các đồng tiền khác trên thế giới so với đồng bạc xanh.

Đã có khá nhiều giải thích cho sự đi lên của đồng USD trong những ngày gần đây, như việc ông Trump đắc cử tổng thống sẽ làm tăng đầu tư vào nền kinh tế Mỹ, cũng như chính sách dự kiến chi mạnh cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có thể đẩy lạm phát của Mỹ lên cao, từ đó tăng khả năng FED nâng lãi suất nhanh hơn. Trong một cuộc thăm dò gần đây cho thấy khả năng FED tăng lãi suất vào tháng 12 tới đã tăng từ 68% hồi đầu tháng này lên tới gần 100%.

Trong một bài phát biểu hôm 17/11, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - bà Janet Yellen cho biết "lãi suất sẽ sớm tăng". Theo lời bà Yellen thì Ủy ban Thị trường mở (FOMC) sẽ không từ bỏ ý định nâng lãi suất vào tháng tới dù ông Trump nói rằng nền kinh tế đang ở trong "tình trạng thảm hại".

Hiện thị trường lao động của Mỹ đã tiếp tục cải thiện và tỷ lệ lạm phát đang bắt đầu tiến tới mục tiêu 2%. Thống kê gần nhất cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 12/11 giảm 19.000, xuống mức đã điều chỉnh theo mùa là 235.000, mức thấp nhất kể từ tháng 11/1973.

Ở trong nước, áp lực cầu ngoại tệ cũng có dấu hiệu tăng lên trước sự tăng giá mạnh mẽ của đồng USD trên thị trường quốc tế. Với tăng trưởng tín dụng ngoại tệ mạnh mẽ trong quý III vừa qua, khả năng có trường hợp nhiều khách hàng đang e ngại rủi ro tỷ giá nên muốn nhanh chóng thanh toán các khoản vay, do đó càng gây áp lực lên cầu ngoại tệ.

Trong hơn 10 tháng đầu năm, tỷ giá và thị trường ngoại tệ về cơ bản ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ đã giảm mạnh so với trước đây nhờ cách thức điều hành tỷ giá linh hoạt và những diễn biến thuận lợi về cung cầu ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối. Trong những ngày qua, tỷ giá có xu hướng tăng (đến chiều ngày 17/11, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng ở mức khoảng 22.450 VND/USD), mức tỷ giá này vẫn thấp hơn khoảng 50 đồng so với mức tỷ giá vào cuối năm 2015.

Theo đánh giá của NHNN, diễn biến tăng tỷ giá những ngày qua là bình thường, phù hợp với xu hướng tăng tỷ giá trung tâm do NHNN công bố trong thời gian qua. Trên thị trường, cầu ngoại tệ không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức và cá nhân được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời và đầy đủ.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để có các biện pháp và công cụ điều hành phù hợp đảm bảo đạt được mục tiêu của chính sách tiền tệ đã đề ra, góp phần ổn định và cân đối nền kinh tế.

(Theo Ngân hàng Nhà nước)

Trong khi đó, không loại trừ nhu cầu đầu tư vào USD cũng tăng trở lại khi kỳ vọng tỷ giá sẽ tiếp tục đi lên, do đồng USD tăng rất mạnh so với các đồng tiền khác nhưng so với VND thì vẫn còn ở mức tăng khá khiêm tốn. Ở phía các ngân hàng, cầu thanh khoản ngoại tệ vào những tháng cuối năm cũng dấy lên nhiều lo ngại khi thống kê báo cáo tài chính quý III vừa qua cho thấy tỷ lệ cho vay/tiền gửi ngoại tệ của nhiều ngân hàng vượt mức 100%.

Ở một diễn biến khác, NHNN hôm 15/11 đã chính thức ban hành Thông tư số 31/2016/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN ngày 8/12/2015, theo đó tiếp tục gia hạn cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu được vay ngoại tệ đến hết năm 2017.

Việc ban hành thông tư trên được đánh giá là khá nhanh khi ngày 11/11 NHNN chỉ mới đưa ra dự thảo để lấy ý kiến. Dù gì đi nữa thì chính sách mới ban hành được kỳ vọng sẽ làm giảm bớt cầu ngoại tệ cho tháng cuối năm, khi thời gian vay ngoại tệ đã được kéo giãn ra nhờ đó các doanh nghiệp không phải chịu áp lực phải hoàn trả các khoản vay trước cuối năm nay.

Đâu là điểm dừng?

Với lạm phát của Mỹ đang tiến dần đến mục tiêu 2%, trong khi lạm phát của Việt Nam trong năm nay dự kiến ở mức 4%, thì theo cách tính nhanh tỷ giá USD/VND có thể điều chỉnh ít nhất 2% để bù chênh lệch lạm phát giữa 2 nước. Với mức điều chỉnh 1% kể từ đầu năm đến nay thì vẫn còn dư địa cho nhà điều hành.

Tuy nhiên, cách tính trên cũng chỉ ở mức tương đối, vì với trường hợp đồng USD tiếp tục tăng giá mạnh nhưng nếu NHNN cố gắng kiềm tỷ giá USD/VND sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Nhìn sang Trung Quốc - một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và cũng là đối thủ cạnh tranh ở nhiều mặt hàng xuất khẩu vào Mỹ và châu Âu, thì đồng CNY của nước này đã giảm 1,4% so với thời điểm 9/11. So với đầu năm nay, đồng CNY cũng đã giảm giá 4,9% so với USD, sau khi đã mất giá mạnh trong năm 2015.

Trong khi đó, thống kê cho thấy trong giai đoạn 2011 - 2015, tỷ giá thực (REER) của VND/USD đã tăng đến 23,4%, nối tiếp mức tăng hơn 20% giai đoạn từ 2004 đến 2010. Như vậy, về bản chất mặc dù theo tỷ giá danh nghĩa cho thấy VND đã mất giá so với USD trong những năm qua, nếu tính theo tỷ giá thực thì lại lên giá so với USD, nguyên nhân là mức điểu chỉnh tỷ giá không theo kịp mức lạm phát vào những năm lạm phát cao ở Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng đã liên tục "kêu gào" rằng họ mất lợi thế về tỷ giá. Trong bối cảnh đồng USD tiếp tục đi lên và sự mất giá liên tiếp của các đồng tiền khác, thì thiết nghĩ tỷ giá trung tâm cần tiếp tục được điều hành theo hướng linh hoạt và nhanh hơn để theo sát diễn biến của thị trường thế giới.

Điều này hàm ý là tỷ giá USD/VND có thể điều chỉnh tăng nhanh và mạnh hơn khi đồng USD tăng cao, tuy nhiên vẫn có khả năng sẽ giảm xuống mạnh khi đồng USD trên thị trường quốc tế đi xuống, chứ không chỉ theo một chiều đi lên dẫn đến dễ kích thích nhu cầu đầu cơ. Trong khi đó, với những doanh nghiệp đã vay USD thì cần sử dụng các sản phẩm mua các hợp đồng kỳ hạn để hạn chế rủi ro tỷ giá xuống mức thấp nhất.

>Thị trường tài chính: Nhạy cảm và khó đoán

>FED: Việc tăng lãi suất cơ bản "có thể đến sớm"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tỷ giá tăng là bình thường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO