Tỷ giá: Có nhiều yếu tố hỗ trợ ổn định

HÀ LÂM| 16/01/2014 07:13

Tỷ giá danh nghĩa của Việt Nam không thay đổi đáng kể trong khi lạm phát cao suốt 2 năm qua khiến VND tiếp tục âm thầm lên giá so với USD. Tuy nhiên, xu hướng này đang được chặn lại bằng sự can thiệp hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước.

Tỷ giá: Có nhiều yếu tố hỗ trợ ổn định

Tỷ giá danh nghĩa của Việt Nam không thay đổi đáng kể trong khi lạm phát cao suốt 2 năm qua khiến VND tiếp tục âm thầm lên giá so với USD. Tuy nhiên, xu hướng này đang được chặn lại bằng sự can thiệp hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước.

Đọc E-paper

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang mua vào ngoại tệ định hướng ổn định tỷ giá nhằm thực hiện cam kết là năm 2014 "tỷ giá tăng không quá 2%". Thực tế thị trường cho thấy xu hướng giảm của giá USD giao dịch trên thị trường liên ngân hàng, mặc dù vào thời điểm "nhạy cảm" là cận Tết Nguyên Đán.

Đặc biệt, trong ngày 10/1, ngày giao dịch cuối tuần, mức thấp nhất của tỷ giá USD/VND trên thị trường đã rơi xuống 21.085 VND, tức thấp hơn đáng kể so với mức mua vào của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (21.100 VND). Trước đó, việc Chính phủ có thể sẽ điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ cho xuất khẩu đã được nhiều người dự báo và được khá nhiều DN kỳ vọng.

Theo các chuyên gia, tỷ giá danh nghĩa của Việt Nam không thay đổi đáng kể trong khi lạm phát cao suốt 2 năm qua khiến VND tiếp tục âm thầm lên giá so với USD. Đồng nội tệ hiện bị đánh giá cao khiến các ngành phụ thuộc xuất khẩu gặp khó khăn. Nếu không điều chỉnh tỷ giá hối đoái thì sẽ xảy ra một số hệ quả không mong muốn mà trước hết là tác động xấu đến xuất khẩu.

Xu hướng tiền đồng ổn định cũng được thể hiện qua phân tích mới đây của Ngân hàng HSBC. Theo báo cáo này, vào tháng 6/2013, NHNN nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng của USD - VND từ 20.828 (mức ổn định từ ngày 24/12/2011) lên 21.036, nói cách khác là hạ giá đồng Việt Nam so với USD 1%. Sau khi giảm giá xuống 21.250, đồng VND đã ổn định xung quanh mức bình quân mới.

Cán cân thanh toán tiếp tục theo xu hướng ổn định và có nhiều yếu tố hỗ trợ. Cán cân thương mại phục hồi vào nửa sau năm 2013 do tình hình xuất khẩu tốt hơn, điều này được hỗ trợ bởi đồng VND yếu đi và các yếu tố mùa vụ. Các lợi thế cơ cấu như giá nhân công cạnh tranh đã có thể đóng góp vào triển vọng xuất khẩu tốt hơn.

Xu hướng tái cơ cấu đang tiếp diễn làm suy giảm tiêu thụ và nhu cầu đầu tư trong nước và từ đó kéo theo nhu cầu nhập khẩu giảm. Điều này có thể sẽ còn xảy ra vào năm 2014. Thặng dư thương mại mặc dù khiêm tốn cộng với dòng kiều hối mạnh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho tài khoản vãng lai.

Dòng đầu tư trực tiếp nước ngòai (FDI) cũng mạnh trong năm 2013 với vốn đăng ký mười tháng đầu năm đạt 19,2 tỷ USD, tăng 65,5% hằng năm và vượt chỉ tiêu toàn năm của Chính phủ là 13 tới 14 tỷ USD. Đầu tư danh mục cổ phiếu cũng chứng kiến xu hướng tăng ổn định vào năm 2013 khi triển vọng kinh tế của Việt Nam được cải thiện.

Trong quý IV/2013, tăng trưởng GDP đạt 6% rất nhanh từ mức 5,5% trong quý III. Triển vọng tăng tưởng tốt hơn có khả năng tiếp tục thu hút dòng đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp.

HSBC dự báo dòng đầu tư tích cực đã giúp NHNN tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối, cải thiện khả năng đảm bảo nhập khẩu của Việt Nam mặc dù mức dự trữ còn thấp so với đa số các nước trong khu vực châu Á.

Lạm phát của Việt Nam nhìn chung ổn định, mặc dù gần đây chỉ số CPI có xu hướng tăng nhẹ nhưng có rất ít rủi ro khi chỉ số này tăng cao hơn lãi suất chính sách trong thời gian sắp tới. Chính vì vậy, lãi suất thực tế vẫn ở ngưỡng tích cực và hỗ trợ giảm những nguy cơ "đô la hóa".

Tuy nhiên, triển vọng này vẫn có nhiều rủi ro. Ổn định về tài khoản vãng lai và lạm phát thường có khuynh hướng ngắn hạn và Việt Nam vẫn cần một chính sách tiền tệ đúng đắn để kiểm soát hai yếu tố này. Dấu hiệu nới lỏng tiền tệ quá mức hay một đợt tăng lạm phát sẽ mang tính chất cảnh báo đối với đồng nội tệ.

Trong khi đó, tỷ lệ tín dụng trên GDP, mặc dù thấp hơn đỉnh năm 2012, vẫn ở mức tương đối cao so với tốc độ phát triển kinh tế (tỷ lệ này là 93% so với 125% năm 2010). Điều này cho thấy tình hình thắt chặt vay mượn và tái cơ cấu sẽ còn tiếp tục diễn ra, và sẽ tăng thêm áp lực đối với chất lượng tín dụng của các ngân hàng và làm trì trệ tốc độ tăng trưởng của kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tỷ giá: Có nhiều yếu tố hỗ trợ ổn định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO