TTCK: Thời cơ để "đánh lên"?

31/07/2009 08:41

Trên các diễn đàn chứng khoán, dù đã cẩn trọng hơn các đợt tăng mạnh vừa qua, các nhà đầu tư (NĐT) đã quay lại bàn nhiều hơn đến việc mua vào cũng như xác định đây là thời cơ để "đánh lên".

TTCK: Thời cơ để

Dòng tiền không rời thị trường - đó là điều đã được khẳng định trong những phiên giao dịch gần đây. Lượng cung bung ra từ hoạt động chốt lời của các nhà đầu cơ trong ngày 28/7 vừa qua cũng không làm giảm "nhuệ khí" của bên mua, đưa giá trị giao dịch phiên này lên cao hơn cả phiên tăng điểm mạnh liền trước đó.

Trên các diễn đàn chứng khoán, dù đã cẩn trọng hơn các đợt tăng mạnh vừa qua, các nhà đầu tư (NĐT) đã quay lại bàn nhiều hơn đến việc mua vào cũng như xác định đây là thời cơ để "đánh lên".

Đón sóng nhỏ

Giao dịch của của nhà đầu tư nước ngoài tính đến ngày 29/7/2009

Có lẽ NĐT đang chọn những "con sóng nhỏ" an toàn hơn thay vì mạo hiểm chờ đợi "sóng lớn". Điều này thể hiện phần nào trong những phiên giao dịch gần đây. Sau ba phiên bất ngờ tăng điểm mạnh, đưa VN-Index từ mốc 420 điểm ngày 22/7 lên 467,71 điểm, ngày 27/7, NĐT đã bắt đầu hiện thực hóa lợi nhuận, đẩy chỉ số này giảm xuống còn 462,9 điểm trong ngày 28/7, dù giá trị giao dịch trong phiên này có nhỉnh hơn so với phiên liền trước đó, đạt khoảng 2.483,14 tỷ đồng (tương đương 146,33 triệu USD). Đây chính là phiên giao dịch mà khối lượng "hàng rẻ" T+3 về tài khoản, dẫn đến việc bán để hiện thực hóa lợi nhuận. Có vẻ như các nhà đầu cơ "ăn non" đang tìm các "điểm dừng" an toàn hơn cho đồng vốn của mình. Sự thận trọng còn thể hiện ở việc dòng tiền chủ yếu dừng lại ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản và một số mã bluechips như DPM, HPG, PVD, HAG, FPT - nhóm vốn được tập trung mua nhiều vào thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua.

Bên cạnh đó, sự góp mặt của dòng vốn ngoại có tác động không nhỏ trong việc nâng đỡ thị trường. Thực tế cho thấy, khi VN - Index về vùng 460 - 480 khối này vẫn không thực hiện chốt lời từ những khoản đầu tư giá rẻ được mua vào từ cuối tháng 6/2009 đến nay. Tổng số tiền họ đổ vào sàn niêm yết vào khoảng 1.900 tỷ đồng. Trong khi đó, đại diện một số quỹ đầu tư đang có mặt tài VN cũng thừa nhận, vẫn còn một nguồn vốn đáng kể từ khối đầu tư này chờ cơ hội tham gia thị trường.

Kết quả kinh doanh quý 2/2009 của các DN niêm yết cũng cho thấy tín hiệu tốt từ sự phục hồi tăng trưởng kinh tế. Viêc trả cổ phiếu thưởng hay trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ không theo phong trào như các năm 2006, 2007 mà chỉ diễn ra ở một bộ phận DN. Do đó, sự khởi sắc trên TTCK hiện nay sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của các dòng vốn đang lưỡng lự.

Bình ổn thị trường

Một trong những lo ngại lớn nhất của NĐT trong giai đoạn hiện nay chính là khả năng thắt chặt tín dụng của Chính phủ, dẫn đến việc thu hẹp dòng tiền đổ vào TTCK sẽ khiến cho thị trường khó tăng trưởng mạnh. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn khi cụm từ "lạm phát" đang được nhắc đến ngày càng nhiều. Tuy nhiên, trong trung hạn, mục tiêu tăng trưởng vẫn là một trong những ưu tiên của Chính phủ. Mặt khác, chỉ số tiêu dùng đã "nhúc nhích" tăng, nhưng mức tăng này chưa "tiềm ẩn" nguy cơ lạm phát như nhiều người lo ngại. Cty Chứng khoán SacomBank (SBS) cho rằng, trong nửa cuối năm 2009, việc kiểm soát chặt chẽ dòng tiền lưu thông trên thị trường và những hoạt động liên quan hoàn toàn có khả năng xảy ra. Nhưng hoạt động này chỉ nhằm cân bằng mục tiêu tăng trưởng và hạn chế rủi ro hơn là áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ như nhiều người lo ngại.

Những động thái gần đây như giảm lãi suất trên tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng từ 3,6% xuống còn 1,2%/năm, điều chỉnh tăng trưởng GDP 6,5% xuống 5,5% vào tháng 5, giảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 30% xuống 27% trong tháng 7 là những bước đi hướng đến việc giám sát chặt chẽ các chính sách tiền tệ để đạt được mục tiêu về GDP, kiểm soát lạm phát và chất lượng tín dụng cho cả năm 2009. Điều này sẽ tạo ra sự an toàn cần thiết cho hệ thống tín dụng, đảm bảo mức tăng trưởng bền vững hơn. Động thái tăng cường giám sát tiền tệ được thực hiện sẽ ảnh hưởng trước nhất đến lợi nhuận của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM). Sự tăng mạnh của chi phí vốn đầu vào trong khi đầu ra bị hạn chế bởi tỷ lệ tăng trưởng khống chế ở mức 27% và lãi suất trần khiến cho lợi nhuận biên của các ngân hàng giảm. Nhưng, điều này cũng giúp cho lợi nhuận của các NHTM sẽ ổn định. Sự giám sát chặt từ NHNN buộc các NHTM phải hết sức cẩn trọng trong việc huy động đầu vào và giải ngân các khoản vay. Qua đó mục tiêu giám sát chất lượng tín dụng cũng phần nào được thực hiện.

Trong khoảng giai đoạn từ tháng 3 đến nửa đầu tháng 6/2009, sự tăng trưởng mạnh mẽ của TTCK đã giúp cho các hoạt động cho vay chứng khoán hoạt động sôi nổi trở lại. Không ít NĐT đã tận dụng các nghiệp vụ vay chứng khoán để thực hiện đòn bẩy tài chính, từ đó tác động ngược lại đẩy các chỉ số chứng khoán tăng. Không thể phủ nhận hoạt động này đã giúp TTCK trở nên đặc biệt hấp dẫn trong thời gian qua nhưng nếu không được quản lý kịp thời thì độ rủi ro sẽ quá lớn. Khi dòng tiền đi vay dẫn đến các hoạt động đầu cơ lấn lướt với đầu tư dài hạn sẽ khiến thị trường trở nên bất ổn hơn bao giờ hết. SBS cho rằng: "Động thái này có tác động tích cực đến việc tăng chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế và sẽ quay lại có tác động tích cực và ổn định TTCK trong trung hạn".

Tuy nhiên, việc hạn chế cung tiền ra lưu thông cũng sẽ dẫn đến sự phân hóa cổ phiếu ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Những mã "ăn theo" như thời điểm "dư tiền" sẽ nhường chỗ cho những mã có sự phát triển ổn định hơn và các chỉ số cơ bản tốt. Cổ phiếu của những ngành có khả năng tăng trưởng tốt sẽ thu hút sự quan tâm của các NĐT. Theo VAFI, những ngành hàng như vật liệu xây dựng, ngân hàng, vận tải, tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ sự khởi sắc của ngành xây dựng trong thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TTCK: Thời cơ để "đánh lên"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO