TTCK ngày 30/3: Áp lực tăng cung

K.N (tổng hợp)| 30/03/2012 05:59

Nếu suy đoán của chúng tôi đúng, nguồn cung cổ phiếu chờ bán ra sẽ rất lớn”, theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC).

TTCK ngày 30/3: Áp lực tăng cung

“Nếu suy đoán của chúng tôi đúng, nguồn cung cổ phiếu chờ bán ra sẽ rất lớn”, theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC). Các công ty chứng khoán dự đoán diễn biến phiên giao dịch 30/3 như sau:

BVSC: Khó tạo được xu hướng tăng mạnh

Rủi ro chính của thị trường trong giai đoạn hiện nay có thể đến từ áp lực cung do nhu cầu giảm tỷ lệ đòn bẩy của nhà đầu tư.

Khi thị trường biến động không tích cực, kỳ vọng vào thị trường giảm, nhu cầu hạ tỷ lệ sở hữu cổ phiếu tăng lên.

Đặc biệt, nếu nhu cầu này đồng loạt xuất hiện ngay trong ngắn hạn sẽ khiến rủi ro thị trường tăng cao và khi cầu không đủ lớn để đáp ứng lượng cung này, vòng xoáy đua bán có thể xuất hiện.

Theo quan sát của chúng tôi, lực mua hiện tại ở các blue chips sẽ khó tạo được xu hướng tăng mạnh ngay trong ngắn hạn.

Do vậy, những điểm sáng của thị trường trong thời gian tới có thể xuất hiện từ các mã có tính đầu cơ cao và có đà giảm mạnh so với đỉnh do sự mất cân đối của dòng tiền.

BVSC cho rằng, nếu thị trường tiếp tục giảm mạnh trong phiên hôm nay, nhà đầu tư có khả năng chấp nhận rủi ro cao có thể xem xét giải ngân với tỷ trọng 20-30% vào các mã tại sàn HNX.

Đối với nhà đầu tư thận trọng, chúng tôi cho rằng việc tham gia thị trường ngay chưa thực sự cần thiết.

FPTS: Nhiều khả năng tái diễn xu hướng đi xuống

Trong những phiên giao dịch tới, nhiều khả năng chỉ số sẽ tái diễn xu hướng đi xuống do nhịp điều chỉnh chưa có dấu hiệu kết thúc.

Thị trường sẽ tiếp tục nhận được sự nâng đỡ quanh ngưỡng hỗ trợ tiếp theo tại 430 điểm, nhưng nếu ngưỡng hỗ trợ này bị phá vỡ thì mô hình hai đỉnh ngắn hạn của VN-Index sẽ hình thành.

Trong bối cảnh xu thế của VN-Index vẫn chưa thực sự rõ ràng, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng quan sát những diễn biến tiếp theo của thị trường và không nên mua vào ở thời điểm hiện tại.

IVS: Không vội mua vào

Phiên tăng điểm hôm thứ tư (28/3) của thị trường đã tạo được hỗ trợ tâm lý để hai sàn HOSE và HNX tiếp tục tăng điểm nhẹ ở đầu phiên giao dịch ngày thứ năm (29/3). Tuy nhiên, động lực tăng của các chỉ số sớm cho thấy “vấn đề” khi trạng thái giao dịch trên hai sàn đều trầm lắng.

Bên mua không cho thấy ý định sẽ đẩy giá cổ phiếu tăng tiếp, mà chủ động đặt giá tham chiếu. Sự kiên nhẫn của nhà đầu tư không còn duy trì được và lượng cung lớn đã được đẩy vào giao dịch ngay từ đầu buổi chiều. Sàn HOSE và HNX đều nhanh chóng trượt dốc và kết thúc phiên giao dịch với mức giảm điểm mạnh.

Phiên giảm điểm này đã đưa VN-index và HNX-index trở lại với ngưỡng hỗ trợ của đường trung bình 20 phiên. Mức điểm đóng cửa của hai chỉ số đều đã nằm thấp hơn chút ít so với đường trung bình này. Việc khối lượng giao dịch suy yếu lúc này sẽ dễ kích thích kỳ vọng thị trường đảo chiều (giống như những lần thử lại đường trung bình 20 trước đó).

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lưu ý nhà đầu tư về trạng thái xấu của các chỉ báo kỹ thuật trên đồ thị của VN-index và HNX-index ở thời điểm hiện tại. Trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên thận trọng, không vội vàng mua vào cổ phiếu kể cả khi các chỉ số có biểu hiện đảo chiều trong phiên.

PSI: Dòng tiền đã có sự ổn định

Thanh khoản thị trường không bị sụt giảm đột ngột trong các phiên vừa qua cho thấy nền tảng dòng tiền đã có sự ổn định nhất định.

Tuy nhiên, phiên hôm nay sẽ là phiên quyết định xu thế ngắn hạn của thị trường.

Như đã phân tích trước đó, nếu giảm phá vỡ hỗ trợ thì xu hướng ngắn hạn của chỉ số 2 sàn có thể chuyển sang trạng thái dao động.

Khoảng dao động có thể sẽ khá rộng: 420-440 điểm với VN-Index và 66-80 điểm với HNX-Index.

Ngược lại, nếu chỉ số có sự đảo chiều tăng trở lại tại hỗ trợ thì khả năng tăng tiếp cũng có thể sẽ diễn ra, tránh mở các vị thế mua mới.

VDSC: Rủi ro tăng cung

Sau diễn biến giằng co liên tục trong nhiều phiên vừa, người mua có vẻ đang trở về với thế thận trọng. Lực cầu không mạnh dạn gia nhập thị trường khiến các nỗ lực duy trì sự tăng điểm của VN-Index gặp thất bại.

Phiên ngày 29/3, các chỉ số đóng cửa với số điểm gần như thấp nhất và thanh khoản suy giảm chủ yếu do cầu yếu đang là mối lo ngại mới đối với thị trường.

Có thể thấy đến thời điểm hiện tại, các thông tin hỗ trợ sự phục hồi của thị trường đã phản ánh hoàn toàn vào giá. Trong khi đó, thị trường đang đối diện với trở ngại mới là rủi ro tăng cung.

Rủi ro này đến từ 2 nguyên do:

Thứ nhất, đợt tăng điểm mạnh và dài vừa qua khiến nhiều công ty chứng khoán cho vay margin cao hơn mức cho phép của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Và những ngày gần đây xuất hiện khá nhiều đồn đoán về áp lực bán giải chấp để đưa tỷ lệ margin về đúng mức quy định, đối phó với việc thanh tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Bất kể đây là thông tin chính xác hay không, nếu thị trường tiếp tục diễn biến không thuận lợi, những lo ngại này sẽ khiến áp lực bán tháo tăng mạnh và ảnh hưởng tiêu cực hơn đến điểm số thị trường. Trong ngắn hạn, đây là rủi ro chúng tôi lo ngại nhiều hơn.

Thứ hai, đại hội nhà đầu tư thường niên của ba quỹ đóng có chứng chỉ quỹ niêm yết trên sàn HSX đã liên tiếp diễn ra vào cuối tháng 3.

Trong số này, chỉ có VFMVF4 được nhà đầu tư thông qua chủ trương chuyển đổi thành quỹ mở trước khi hết hạn hoạt động, trong khi nhà đầu tư của VFMVF1 không thông qua và PRUBF1 không có chủ trương này.

Điểm tương đồng của VF1 và BF1 là thời hạn hoạt động còn khá ngắn (VF1 còn khoảng 2 năm và BF1 còn hơn 1 năm) và trong bối cảnh thị trường chưa thực sự thuận lợi, rõ ràng việc thoái vốn là lựa chọn được nhà đầu tư của hai quỹ này chọn lựa.

Mặc dù không đại diện cho tất cả, nhưng biểu hiện ở VF1 và BF1 cho thấy có vẻ như lựa chọn của các quỹ sắp hết thời hạn hoạt động sẽ là thoái vốn hơn là chuyển đổi mô hình hoạt động.

Nếu suy đoán của chúng tôi đúng, nguồn cung cổ phiếu chờ bán ra sẽ rất lớn. Tuy nhiên, với thời hạn còn khoảng từ 1-2 năm, các quỹ sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn thời điểm bán dần danh mục, giảm bớt áp lực lên thị trường.

KEVS: Tránh mở các vị thế mua mới

Bên bán chiếm ưu thế trên cả hai sàn, đẩy hai chỉ số chứng khoán giảm điểm mạnh. Thị trường có tới 421 mã giảm điểm so với chỉ 124 mã tăng.

Phiên giảm điểm làm các chỉ số kỹ thuật đưa ra nhiều tín hiệu cảnh báo. Khối lượng giao dịch cũng giảm sút rõ rệt.

Các nhà đầu tư nên thận trọng tại khu vực hiện tại, khi VN-Index có hai thanh bar giảm giá dài gần nhau.

Sau khi vượt kháng cự bất thành, tín hiệu bán mạnh mẽ hơn thì chiến lược thận trọng hơn, tránh mở các vị thế mua mới là cần thiết.

Nên chú trọng tới mức dừng lỗ đối với danh mục hiện có. Trong xu hướng ngắn hạn, chúng tôi giữ cái nhìn trung tính đối với VN-Index.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TTCK ngày 30/3: Áp lực tăng cung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO