TTCK ngày 13/7: Rủi ro vẫn ở mức cao

P.V tổng hợp| 13/07/2012 05:28

Bất chấp nỗ lực kéo giá từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, tình trạng mua thấp – bán cao tái diễn cho thấy động lực tăng điểm của thị trường vẫn thiếu bền vững", theo FPTS.

TTCK ngày 13/7: Rủi ro vẫn ở mức cao

"Bất chấp nỗ lực kéo giá từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, tình trạng mua thấp – bán cao tái diễn cho thấy động lực tăng điểm của thị trường vẫn thiếu bền vững", theo FPTS. Các công ty chứng khoán nhận định diễn biến thị trường ngày 13/7 như sau:

ACBS: VN-Index có thể tiếp tục giằng co

VN-Index có phiên tăng điểm thứ 2, tuy nhiên, diễn biến trong phiên ảm đạm đi ngang và mức tăng nhẹ không mang nhiều ý nghĩa quan trọng.

Trong các phiên tới, VN-Index có thể tiếp tục giằng co. Ở chiều giảm, VN-Index có thể tiếp tục giảm sâu về vùng hỗ trợ 380-390.

Ở chiều tăng, nếu vượt đường xu hướng giảm nối 3 đỉnh nhỏ ở 440, 425 và 418, VN-Index có thể tiếp tục hồi phục về kháng cự 425 hoặc xa hơn là 440. Với việc các chỉ báo ADX(14), CMF(20) cho thấy xu hướng giảm ngắn hạn đang yếu dần, cơ hội cho sự phục hồi của VN-Index đang tăng lên.

Tương tự, VN30-Index có thể giảm sâu hơn về hỗ trợ 365-375 hoặc hồi phục về kháng cự nhỏ 490 hoặc xa hơn là 515-520.

Trong khi đó, sau phần lớn thời gian HNX-Index giằng co trong biên độ hẹp, lực cầu gia tăng vào gần cuối phiên giúp chỉ số này tăng khá khi đóng cửa. Khối lượng giao dịch tăng khá ngày 12/7 cho thấy lực bắt đáy khá mạnh. Đây có thể là tín hiệu tích cực cho HNX-Index trong một vài phiên tới. Tuy nhiên, tín hiệu này chưa đủ lớn để cho thấy sự đảo chiều của xu hướng giảm ngắn hạn hiện tại.

HNX-Index có thể tiếp tục hồi phục về đỉnh nhỏ trước ở 70,34. Đây là mức chịu tác động của nhiều yếu tố kỹ thuật gồm 2 đường xu hướng giảm và đường trung bình 20 ngày nên áp lực bán có thể gia tăng.

BSC: Có thể giải ngân

Đà tăng điểm đã được tiếp nối trong phiên ngày 12/7. Xét về điểm số thì mức tăng điểm ngày 12/7 tương đương ngày 11/7, tuy nhiên thị trường đã thành công hơn ở yếu tố thanh khoản, đặc biệt là sàn HNX với khối lượng khớp lệnh tăng lên trên 30 triệu đơn vị.

Nếu trong phiên buổi sáng, sàn HSX tăng điểm tốt hơn thì trong phiên buổi chiều, nhiều cổ phiếu chủ chốt tăng mạnh đã giúp sàn HNX trở nên khởi sắc. Mã VND một lần nữa đóng vai trò cổ phiếu dẫn dắt cho sàn HNX khi tăng mạnh cuối phiên lên sát giá trần.

Phiên tăng ngày 12/7 có thể coi là tương đối tích cực, tuy nhiên trong các phiên tới, thị trường cần chứng tỏ thêm sức mạnh để có thể kết luận xu hướng giảm điểm trước đó đã kết thúc.

Cụ thể, về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index cần tăng vượt qua mức kháng cự 415-420 điểm; còn HNX-Index cần vượt qua ngưỡng 71-72 điểm. Đồng thời, thanh khoản thị trường cũng cần tiếp tục được cải thiện, và phải có sự đồng đều giữa 2 sàn (trong phiên ngày 12/7 chỉ thanh khoản sàn Hà Nội là được cải thiện rõ nét còn sàn HSX vẫn ở mức thấp).

Kịch bản trên cũng được chúng tôi coi là tín hiệu để nhà đầu tư có thể giải ngân. Còn trong trường hợp ngược lại (thị trường không vượt được mức kháng cự nêu trên và thanh khoản chùng xuống), chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng.

BVSC: Chiến lược “bán xuống” vẫn có thể được áp dụng

Trên một vài Website cuối giờ sáng ngày 12/7 đã đưa tin tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng tính đến hết tuần đầu của tháng 7 ở mức 1,76%, tức là tăng thêm 1% so với thời điểm ngày 30/6, và đây nhiều khả năng là nguyên nhân giúp thị trường bứt phá về cuối phiên. Mặc dù trích dẫn nguồn từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhưng chúng tôi vẫn đặt nghi vấn về con số này khi không tìm thấy thông tin chính thức trên Website của SBV.

Chỉ trong vòng 1 tuần mà tăng trưởng tín dụng tăng thêm 1%, tương ứng với xấp xỉ 27 nghìn tỷ đồng, thì không phải là một con số nhỏ. Chúng tôi cho rằng nên chờ các thông tin được công bố chính thức từ NHNN trong những ngày tới.

Trên phương diện kỹ thuật, xu hướng chủ đạo hiện vẫn là giảm điểm và phiên ngày 12/7 chưa có nhiều ý nghĩa xác nhận về mặt xu thế. Chúng tôi cho rằng chiến lược “bán xuống” vẫn có thể được áp dụng trong giai đoạn này nhưng chỉ nên áp dụng với một tỷ trọng trung bình thấp và đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn để có thể mua lại được ở các vùng giá thấp sau đó do nhịp giảm điểm này được nhận định sẽ “thoải” hơn các nhịp giảm trước.

CBV: Một dấu hiệu rất quan trọng

Nhóm cổ phiếu khoáng sản trở thành nhóm dẫn dắt thị trường khi hầu hết các mã đều có mức gần trần hoặc trần chỉ trong phiên khớp lệnh ATC. Có khả năng thông tin hé lộ về việc hạ trần lãi suất cho vay xuống 15% được một số tạp chí đưa ra, đã kích thích lực cầu gia tăng trở lại, và nhờ đó độ rộng thị trường trong 2 phiên gần đây được cải thiện.

Về phương diện kỹ thuật, cả hai sàn đều có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp với khối lượng gia tăng trở lại. Đây là một dấu hiệu rất quan trọng, và cần chú ý kỹ lưỡng nếu như khối lượng tiếp tục gia tăng trong những phiên tới mà giá không giảm thì rất có thể đây là một đợt tạo đà thực sự. Tuy nhiên khi chưa nhìn thấy những đặc điểm trên thì việc đứng ngoài vẫn là cần thiết để tránh được những bẫy tăng giá trong quá trình giảm.

Ngoài ra một dấu hiệu dễ nhận biết khi thị trường đi lên là những thông tin tốt thông thường được đưa ra dưới dạng không chính thức, trong khi đó giá vẫn đi lên một cách từ từ. Vì vậy, khi có tổng hợp những yếu tố đã nêu trên thì mới có thể thiết lập vị thế từng phần để bảo đảm an toàn về vốn.

Tập trung quan sát sự biến động của giá và khối lượng trong những phiên tới để ra quyết định đầu tư hợp lý.

FPTS: Rủi ro thị trường vẫn ở mức cao

Tiếp diễn đà hồi phục từ phiên giao dịch trước, các chỉ số chính trên cả hai sàn HOSE và HNX đã tăng điểm khá tốt trong phiên giao dịch ngày 12/7.

Tín hiệu tích cực đã được ghi nhận khi các chỉ số chính đóng cửa với số mã tăng chiếm ưu thế trên bảng điện tử. Cùng với đó nỗ lực bứt phá cuối phiên của thị trường cũng cho khả năng đà tăng sẽ tiếp diễn trong phiên giao dịch tiếp theo.

Tuy nhiên, thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp khiến cho diễn biến hồi phục của thị trường vẫn chưa thực sự thuyết phục. Tâm lý nhà đầu tư tiếp tục do dự và thận trọng là nguyên nhân khiến giao dịch vẫn khá lình xình và tẻ nhạt.

Bất chấp nỗ lực kéo giá từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, tình trạng mua thấp – bán cao tái diễn cho thấy động lực tăng điểm của thị trường vẫn thiếu bền vững. Ngoài ra, khả năng xuất hiện sự phân hóa giá cổ phiếu theo kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp cũng khiến rủi ro thị trường vẫn ở mức cao.

Với quan điểm thận trọng, FPTS vẫn khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên đứng ngoài thị trường khi xu thế giảm điểm ngắn hạn vẫn chưa hoàn toàn bị phá vỡ.

SSI: Chỉ nên mùa cổ phiếu có sẵn

Giảm nhẹ vào đầu phiên về sát mốc 406 điểm và cầu tăng trở lại giúp chỉ số xanh điểm trong hầu hết thời gian giao dịch. Số mã tăng kịch trần ngày 12/7 cũng gia tăng và số mã tăng giá bằng gần 2,8 lần số mã giảm giá. Cây nến ngày có thêm một cây nến White Candle tích cực, mặc dù chưa vượt được mốc 410 điểm. Khối lượng giao dịch gia tăng nhẹ lên mức gần 24,2 triệu đơn vị, tăng hơn 23% so với phiên trước.

Mẫu hình tăng điểm Falling Wedge đang hình thành và chỉ số phải có đóng cửa vượt qua được kháng cự tiếp theo 410 điểm kèm khối lượng giao dịch tiếp tục gia tăng để tiếp tục duy trì được xu hướng tích cực. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm nhà đầu tư lướt sóng chỉ nên mua vào các cổ phiếu có sẵn, đối với nhà đầu tư trung và dài hạn có thể lựa chọn các mã tiềm năng mua dần vào ở các vùng giá thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TTCK ngày 13/7: Rủi ro vẫn ở mức cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO