TTCK: Điều chỉnh giảm là tất yếu

HOÀNG LONG| 01/09/2015 02:27

Thị trường chứng khoán bắt đầu hồi phục khi tâm lý của nhà đầu tư đã có dấu hiệu tạm ổn định...

TTCK: Điều chỉnh giảm là tất yếu

Thị trường chứng khoán (TTCK) bắt đầu hồi phục khi tâm lý của nhà đầu tư (NĐT) đã có dấu hiệu tạm ổn định.

Đọc E-paper

Thị trường đang phát ra các tín hiệu sơ khởi về đợt hồi phục. Chỉ số VN-Index đóng cửa cuối tuần trước đã có những đợt tăng kéo lại vài chục điểm đã mất trước đó.

Thị trường chứng kiến áp lực bán rất mạnh do lực chốt lời của cổ phiếu T+3 nhưng vẫn giao dịch tích cực, với thanh khoản khớp lệnh lớn và số cổ phiếu tăng lấn áp số cổ phiếu giảm. Đồng thời, NĐT nước ngoài cũng trở lại mua ròng và điều này có phần phụ thuộc một ít vào hành động của VNM ETF.

Lý giải các diễn biến đang diễn ra, lãnh đạo một công ty chứng khoán cho biết, việc DB quyết định hủy niêm yết FTSE Vietnam ETF tại thị trường Nasdaq OMX và Euronext đã không ảnh hưởng lớn đến thị trường Việt Nam, bằng chứng là chứng chỉ quỹ của FTSE ETF gần như ở trạng thái cân bằng (chỉ giảm nhẹ 0,04% phiên 26/7/2015).

Trong khi đó, trạng thái giảm giá của chứng chỉ quỹ VNM ETF ngày càng tăng, lên đến -5,34% ở phiên đóng cửa ngày 24/8.

Ước tính số lượng chứng chỉ quỹ rút ra của VNM ETF trong phiên nói trên là 0,25 triệu cổ phiếu, tương đương 32,7 triệu USD (khoảng 735 tỷ đồng). Theo đó, những phiên giao dịch vừa qua cho thấy khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng nhưng giá trị bán không lớn.

Việc bán ròng chứng chỉ quỹ không chỉ có ở Việt Nam, các thị trường mới nổi khác cũng chung tình cảnh bị rút vốn mạnh.

Báo cáo mới nhất về dòng vốn nước ngoài ở các thị trường mới nổi và phát triển của JP Morgan cho thấy thị trường các nước mới nổi như Thái Lan, Malaysia... bị rút ròng 4,4 tỷ USD trong tuần từ 13/8 - 19/8 và 9,1 tỷ USD từ đầu tháng (không gồm lượng tiền rút ra khỏi các quỹ nội địa).

Nhìn chung, NĐT quốc tế đang khá bi quan về các thị trường ở châu Á nói chung, thể hiện qua trạng thái bán ròng tích lũy hơn 9,8 tỷ USD từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, chuyên viên phân tích cho rằng, khối ngoại vẫn đang trong xu hướng tích lũy đối với cổ phiếu Việt Nam dù có những thời điểm khối này bán ra khá lớn.

Quan sát các lần phá giá tiền đồng gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khối ngoại thường bán mạnh trước khi thông tin về tỷ giá được công bố và ở trạng thái mua sau khi tỷ giá đã ổn định.

Theo logic thông thường, việc "ra-vào" hợp lý có thể giúp các NĐT nước ngoài có một khoản lãi ít nhất là 1% từ chênh lệch tỷ giá.

Suy cho cùng, khuynh hướng bán nhiều hơn mua gần đây của khối ngoại chịu tác động nhiều từ lo ngại tỷ giá hơn là các tác động tâm lý từ sự suy giảm của thị trường toàn cầu.

Dù NHNN đã điều chỉnh biên độ tỷ giá, xu hướng bán ròng còn có thể tiếp tục cho đến khi mối lo về vấn đề này lắng xuống.

Và với sự hồi phục trong các phiên gần đây, đồng thời được sự tư vấn của bộ phận phân tích kỹ thuật RongViet Securities về mô hình hồi phục chữ V đang dần dần được hình thành, NĐT có thể lọc cổ phiếu beta cao để giới thiệu đến NĐT theo trường phái này.

Trong kịch bản thị trường tăng, cổ phiếu beta cao thường giúp NĐT đi trước sóng tăng của thị trường, tức đạt được suất sinh lời cao hơn hẳn so với thị trường.

Tuy nhiên, cổ phiếu beta cao cũng thường có độ biến động rất lớn trong giao dịch nên vấn đề quản trị rủi ro (tuân thủ nguyên tắc chốt lời và cắt lỗ) cũng là một khía cạnh trọng yếu khi đầu tư theo trường phái này.

Riêng về quản trị rủi ro trong giao dịch, một số chuyên viên thị trường cho rằng thời điểm này đặt mức cắt lỗ linh hoạt là một giải pháp đơn giản và giúp NĐT phòng vệ trước các rủi ro có thể có của thị trường.

Đồng thời, việc tham gia vào thị trường càng chậm càng bất lợi cho những nhà đầu tư ưa thích cổ phiếu beta.

"Nếu nhà đầu tư có mức chấp nhận rủi ro thấp, chúng tôi cho rằng nhóm cổ phiếu theo trường phái đầu tư giá trị (kinh doanh ổn định và có tính mùa vụ trong 6 tháng cuối năm; có tỷ suất cố tức cao) sẽ phù hợp hơn", nhóm RongViet nhận định.

Có thâm niên đầu tư, ông Nguyễn Sơn cho rằng trong bối cảnh NĐT nước ngoài chủ động rút vốn, FED dự kiến tăng lãi suất, TTCK Mỹ giảm điểm, thị trường Trung Quốc hỗn loạn, nhiều nước châu Á phá giá đồng tiền, thị trường Việt Nam khó tránh khỏi trào lưu bán tháo.

Có những NĐT đầu tư blue chip tốt, giai đoạn VN-Index 640 có lãi tới 30% nay TTCK giảm chỉ còn lãi vài % nên họ hoảng loạn bán đi là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thị trường vẫn có xu hướng đi lên. TTCK vừa qua điều chỉnh là xu hướng tất yếu, tuy nhiên xu hướng giảm sẽ không còn nhiều.

Thừa nhận điều này, ông Yun Hang Jin - Giám đốc Khối thị trường mới nổi Công ty Korea Investment & Securities (Hàn Quốc), cho biết, có nhiều yếu tố tác động lên thị trường trong thời gian qua, song thị trường sẽ diễn biến như 6 tháng đầu năm nên NĐT không nên quá bi quan.

Theo ông Yun Hang Jin, các yếu tố như nới room khối ngoại, lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện, thị giá cổ phiếu thấp... sẽ kéo VN-Index tăng thêm. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của DN niêm yết trên sàn HoSE khả quan, lợi nhuận được cải thiện.

Cụ thể, tỷ lệ tăng lợi nhuận 16,9%, cải thiện hơn so với cùng kỳ. Dự kiến 6 tháng cuối năm đạt 24,9%. Điều này có được nhờ NHNN có chính sách giảm lãi suất, nguyên vật liệu đầu vào giảm đáng kể, giá dầu cũng giảm mạnh.

Như vậy, vấn đề tiếp tục cần phải làm đối với NĐT lúc này là đánh giá lại những tác động tổng hợp cụ thể lên một số ngành, lĩnh vực để cơ cấu lại danh mục trước những bất ổn còn ở phía trước.

Hay nói như ông Jun, gần đây, P/E đang tăng lên nhưng không đáng lo ngại nếu so sánh với các thị trường lân cận. Xét về phương diện các chỉ số kinh tế thì thị giá vẫn ở mức thấp.

>Trái phiếu Trung Quốc ám ảnh nhà đầu tư ngoại

>Lý do nhà đầu tư vẫn đổ xô mua vàng

>Nước cờ “hai hạ” có cứu được thị trường chứng khoán Trung Quốc?

> 3 yếu tố đè nặng chứng khoán Trung Quốc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TTCK: Điều chỉnh giảm là tất yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO