TTCK 25/9: NĐT thận trọng, giao dịch ảm đạm

P.V| 25/09/2015 03:18

Tâm lý nhà đầu tư (NĐT) thận trọng tiếp tục duy trì khiến giao dịch trong phiên rơi vào trạng thái khá ảm đạm.

TTCK 25/9: NĐT thận trọng, giao dịch ảm đạm

 Việc thiếu vắng các thông tin hỗ trợ quan trọng và dòng tiền chưa cải thiện đang là nguyên nhân kéo dài hiện tượng rung lắc. Dù vậy, rủi ro điều chỉnh mạnh của thị trường trong giai đoạn hiện nay được đánh giá thấp.

SHS: Vẫn thiếu vắng các động lực bứt phá

Tâm lý thận trọng tiếp tục duy trì khiến giao dịch trong phiên rơi vào trạng thái khá ảm đạm. Điểm nhấn trong phiên tiếp tục thuộc về sự phân hóa tăng điểm của một số mã Bluechips, tuy nhiên biên độ tăng điểm cũng thu hẹp khá mạnh so với các phiên trước. Thanh khoản giảm nhẹ nhưng lượng khớp lệnh trên sàn tăng so với phiên trước do lượng khớp lệnh thỏa thuận thấp hơn khá nhiều. Nếu loại bỏ khoảng 9,5 triệu cổ phiếu thỏa thuận trong đó có 5,3 triệu cổ phiếu thỏa thuận của KDC, lượng giao dịch của sàn HOSE lùi xuống dưới ngưỡng 100 triệu đơn vị tương ứng giá trị giao dịch chỉ khoảng 1.400 tỷ đồng.

Xu hướng giao dịch tích lũy trong biên độ hẹp khiến lực cầu có dấu hiệu suy yếu. Tuy vậy, hai chỉ số vẫn đang nằm trong vùng hỗ trợ an toàn và chưa thấy dấu hiệu áp lực bán sẽ xuất hiện trở lại.

Thị trường hiện tại vẫn thiếu vắng các động lực bứt phá. Thanh khoản cũng vì thế không có sự cải thiện do không xuất hiện yếu tố tích cực giúp thu hút dòng tiền. Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều các mã hoạt động tốt nhờ dự kiến triển vọng tích cực từ kết quả kinh doanh quý III. Nếu hai chỉ số vẫn tiếp tục trong vùng an toàn hiện tại (VN-Index trên 570 điểm và HNX-Index trên 78 điểm), nhà đầu tư vẫn có thể tiếp tục tiến hành giải ngân từng phần vào các cổ phiếu cho mục tiêu trung dài hạn.

KIS: Khó điều chỉnh mạnh

Một lần nữa, nguồn cung tăng cường khi VN-Index tiếp cận ngưỡng kháng cự 575. Tuy nhiên, lực cầu thận trọng tại vùng giá cao khiến cho các thị trường nhanh chóng quay đầu giảm.

Như đã nhận định, trong các bản tin gần đây, việc thiếu vắng các thông tin hỗ trợ quan trọng và dòng tiền chưa cải thiện đang là nguyên nhân kéo dài hiện tượng rung lắc. Dù vậy, chúng tôi tiếp tục đánh giá thấp rủi ro điều chỉnh mạnh của thị trường trong giai đoạn hiện nay. Nhà đầu tư có thể tận dụng xu thế rung lắc để tăng vòng quay đầu tư.

FPTS: Kỳ vọng sẽ chạm mức 590-600 điểm

Mặc dù trạng thái đi ngang của chỉ số đang diễn ra, nhưng thị trường vẫn xuất hiện một số nhóm cổ phiếu tăng giá khá tích cực. Có thể thấy dòng tiền đang phân hóa mạnh và có chiều hướng tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và nhóm có yếu tố đầu cơ cao. Rõ ràng khi thị trường rơi vào vùng trũng về thông tin và xu hướng đi ngang thì những nhóm cổ phiếu trên thường có lợi thế nhờ dòng tiền ngắn hạn. Tuy nhiên, đây cũng chính là yếu tố rủi ro nếu danh mục đầu tư tập trung quá lớn tỷ trọng tài sản vào nhóm cổ phiếu này và đặc biệt nguy hiểm khi xu hướng đi ngang đột ngột thay đổi theo chiều hướng tiêu cực.

Yếu tố được nhấn mạnh trong các báo cáo gần đây vẫn là sự đột phá về xu hướng dòng cổ phiếu dẫn dắt có và thanh khoản thị trường hồi phục tích cực. Cho tới thời điểm này, hai yếu tố này chưa đạt mức khuyến nghị. Do đó, hoạt động giao dịch mạnh tại thời điểm này vẫn nên ưu tiên tỷ trọng tiền mặt cao hơn cổ phiếu.

Nếu chỉ số vượt khu vực 575-580 điểm với thanh khoản đạt tiêu chí khuyến nghị, tỷ trọng giải ngân ban đầu khoảng 20-30% tổng tài sản và tăng dần dựa trên tín hiệu tích cực của từng cổ phiếu là chiến lược đầu tư phù hợp. Mục tiêu hồi phục lần này của chỉ số được kỳ vọng sẽ chạm mức 590-600 điểm trong ngắn hạn. Đây là mức điểm nhà đầu tư có thể xem xét cơ cấu mạnh lại danh mục nếu như xu hướng thị trường suy yếu.

IVS: Thị trường chưa có cơ hội bứt phá

Giao dịch của thị trường chưa có nhiều khởi sắc, biến động của giá là khá thấp trong khi đó điểm tích cực là thanh khoản lại giữ ở mức tương đối khá. Nhìn về mặt kỹ thuật thì khi VN-Index tiếp cận với đường MA200 cần có thời gian để bứt phá nên xu hướng hiện tại chưa thể hiện điều gì.

Có hai khả năng xảy ra, nếu như thị trường tiếp tục tích lũy và thông tin tích cực xuất hiện sẽ giúp VN-Index tăng mạnh. Ngược lại, khi đã hội tụ đủ điều kiện, thanh khoản như hiện tại mà không thể bứt phá thì khả năng giảm lại được mở ra. Đáng tiếc là tại thời điểm này chưa thực sự nhìn thấy cơ hội nào để thị trường có thể bứt phá. Do đó, chiến lược giao dịch thận trọng vẫn luôn được đề cao và nhà đầu tư nên chờ đợi cơ hội rõ ràng.

MSI: VN-Index tiếp tục giảm điểm

Các tín hiệu kỹ thuật đang tiêu cực hơn, RSI đã chạm ngưỡng quá bán và đi xuống, đường stochastic cũng cắt xuống dưới đường tín hiệu, dải Bollinger đang thu hẹp dần. Tình trạng đi ngang tích lũy vẫn còn và phiên 25/9 thị trường có thể sẽ tiếp tục giảm điểm. Nhà đầu tư có thể gia tăng tích lỹy các cổ phiếu cơ bản tốt và có thông tin kinh doanh tích cực trong quý III/2015.  

>Phương pháp thẩm định cổ phiếu của Tư Đém

>Thanh toán M&A tiền mặt hay cổ phiếu?

>Thị trường trơ đáy, cổ phiếu rẻ như rau

>Cổ phiếu vận tải biển: Của để dành

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TTCK 25/9: NĐT thận trọng, giao dịch ảm đạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO