Trong tỏ, ngoài thông

QUỲNH CHI| 16/03/2011 04:46

Tuy chưa thể khẳng định thị trường vào giai đoạn phục hồi, nhưng tâm lý nhà đầu tư phần nào ổn định trở lại. Dẫu vậy, vẫn không thể phủ nhận rằng, khi tín dụng cho chứng khoán bị thắt, thị trường này vẫn chưa thể đón chào nguồn vốn từ các NĐT lớn.

Trong tỏ, ngoài thông

Tuy chưa thể khẳng định thị trường vào giai đoạn phục hồi, nhưng tâm lý nhà đầu tư (NĐT) phần nào ổn định trở lại. Dẫu vậy, vẫn không thể phủ nhận rằng, khi tín dụng cho chứng khoán bị thắt, thị trường này vẫn chưa thể đón chào nguồn vốn từ các NĐT lớn.

Vốn tự có không nhiều

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, thanh khoản thị trường đang trông chờ vào sự nâng đỡ chủ yếu từ dòng tiền tự có của NĐT và dòng vốn nước ngoài.

Ảnh: Quý Hòa

Nhưng phân tích của công ty này cũng thừa nhận không mong đợi dòng vốn ngoại sẽ đổ mạnh vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cho đến khi có những thông tin thật sự lạc quan về khả năng kiềm chế lạm phát trong khi tăng trưởng vẫn có thể được duy trì ở mức không quá thấp.

Nói như thế vì trước mắt, kinh tế và chính trị thế giới cho thấy còn nhiều bất ổn và tâm lý lo ngại rủi ro đang quay lại trên một số thị trường chứng khoán.

Trong khi đó, lạm phát vẫn đang là mối lo ngại của nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, các NĐT ngoại sẽ còn ngần ngại bỏ tiền đầu tư vào khu vực này.

Những thông tin thế giới kết hợp với những thông tin tăng giá và thắt chặt tiền tệ trong nước khiến tâm lý thị trường không được lạc quan và có xu thế chờ đợi. NĐT có thể tận dụng giai đoạn này để chờ đợi những đợt giảm giá về mức hấp dẫn để tăng mua cổ phiếu tốt, giá rẻ.

Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành VinaCapital, thừa nhận, lãi suất cho doanh nghiệp (DN) vay đầu tư cao, nên tiền đổ vào TTCK thấp trong ngắn hạn. Phải đợi đến khi nào người dân thấy TTCK hấp dẫn hơn lãi suất ngân hàng thì TTCK mới có thể xoay ngược tình thế.

Cũng theo ông Andy Ho, khoản chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và thị trường chợ đen gây ra nhiều khó khăn cho DN trong nước và một khi tiền đồng ngày càng nhiều áp lực mất giá thì NĐT nước ngoài vào Việt Nam sẽ nảy sinh tâm lý lo ngại khi đầu tư vào TTCK.

Cản trở khác là hạn chế room đối với các NĐT nước ngoài. Nếu mở room cho NĐT nước ngoài đầu tư (49%) thì mới mong thúc đẩy thị trường phát triển.

Ví dụ, hiện nay các NĐT nước ngoài rất quan tâm đến cổ phiếu Vinamilk, nhưng Vinamilk đã hết giới hạn đối với dòng vốn này. Hạn chế room đang cản trở dòng vốn nước ngoài vào thị trường cũng như ảnh hưởng rất lớn đến IPO trong thời gian tới.

Trên thực tế, từ cuối năm 2010, vấn đề kinh tế trong nước hơi bất ổn định nên sự quan tâm của NĐT nước ngoài đối với TTCK trong nước là không cao.

Sau đó, bước qua năm 2011, khi tiền đồng mất giá từ 7 - 9%, NĐT nước ngoài có quan tâm thêm một chút vì nếu tính toán thì họ có thể hưởng lợi từ khoản chênh lệch tỷ giá nhưng dường như vẫn chưa đạt mức kỳ vọng như mong muốn. Vì thế, giới này vẫn tiếp tục chờ đợi đến khi nền kinh tế ổn định hơn.

Điều này vô tình đã làm cho TTCK vốn dĩ khó khăn nay càng khó khăn hơn vì mất thanh khoản. Chính vì vậy, trong thời gian qua, giá một số cổ phiếu trên sàn đã hạ xuống mức tương đối thấp, P/E dưới 10 lần. Không chỉ NĐT lỗ, mà ngay cả các quỹ cũng không tránh khỏi sự khó khăn chung của thị trường.

Ông Andy Ho chia sẻ thêm, TTCK giảm tương đối mạnh từ cuối năm 2010 đã ảnh hưởng đến NAV của các quỹ. Nếu chỉ tính riêng NAV trong tháng 2/2011, 60% danh mục đầu tư của quỹ đã mất khoảng 7,2%, trong đó xấp xỉ 4% liên quan tiền đồng mất giá, phần còn lại liên quan đến TTCK giảm giá.

Thay đổi để cải thiện thị trường

Khó khăn là thế nhưng không có nghĩa là vốn đầu tư nước ngoài hoàn toàn ngừng chảy, mà họ chỉ chuyển từ hướng này sang hướng khác.

Thực vậy, nhân ngày họp báo phát động Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên năm 2011 (lần thứ tư) do Báo Đầu tư Chứng khoán, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội phối hợp tổ chức, ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Đối ngoại Quỹ Dragon Capital, nói rằng, dù TTCK đang trong giai đoạn khó khăn và thấp điểm, nhưng quỹ đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm đến các DN quản trị rủi ro tốt.

Trên thực tế, khi tham gia góp vốn vào DN, những vấn đề về sổ sách kế toán, đặc biệt là số liệu quá khứ, còn chồng chéo, thiếu minh bạch, là một trong những hạn chế của DN khiến các quỹ đầu tư từ chối đầu tư.

Theo ông Vinh, nếu DN chứng minh được với quỹ đầu tư về khả năng quản trị rủi ro, kỹ năng hoạt động, năng lực tài chính trong kinh doanh thì sẽ rất thuận lợi trong việc gọi vốn, bởi năng lực DN là một trong những yếu tố tiên quyết mà các quỹ đầu tư xem xét cân nhắc trước khi quyết định đầu tư.

Tương tự, ông Andy Ho nói thêm rằng, dù chưa mấy quan tâm đến TTCK Việt Nam, nhưng VinaCapital vẫn huy động vốn từ NĐT nước ngoài để đầu tư vào khối tư nhân trong nước. Riêng quỹ VOF vẫn tập trung nhiều nhất là đầu tư tư nhân, đầu tư vào những công ty chưa niêm yết.

Theo đó, VinaCaptial sẽ đầu tư khoàng 30 triệu USD vào một công ty nào đó, giúp họ điều hành, sau vài năm sẽ đưa công ty đó lên sàn. “Chúng tôi đóng góp vào việc xây dựng DN, chứ không đơn thuần là mua cổ phiếu hôm nay, ngày mai thấy lời là bán. Vì thế, chúng tôi không lo lắng về IPO vì chúng tôi đầu tư dài hạn. Nếu năm 2011 còn khó khăn, chúng tôi có thể IPO vào những năm sau đó...”, ông Andy Ho nói.

Như vậy, rõ ràng chuyện minh bạch của các DN niêm yết sẽ phần nào cải thiện được TTCK trong thời gian tới. Thị trường có thể phục hồi hay không còn phải trông chờ vào bản thân của mỗi DN niêm yết hoặc chuẩn bị niêm yết. Nói như ông Lê Nhị Năng, Phó giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, thì việc tổ chức bình chọn báo cáo thường niên cũng là một bước đệm để cải thiện thị trường.

Bởi lẽ, cuộc bình chọn này buộc các DN niêm yết phải làm quen với việc thể hiện báo cáo thường niên chuyên nghiệp, minh bạch, chuẩn mực và cung cấp đầy đủ thông tin nhất cho NĐT. Qua đó có thể góp phần thúc đẩy thị trường tiến thêm một bước trong quá trình chuẩn hóa hoạt động, thu hút sự quan tâm của các NĐT nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trong tỏ, ngoài thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO