Tính minh bạch và niềm tin của nhà đầu tư

THÀNH LONG| 19/08/2016 01:21

Đến nay, tính minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn thấp khi nhà đầu tư thường xuyên đối mặt với những kiểu công bố thông tin tiền hậu bất nhất.

Tính minh bạch và niềm tin của nhà đầu tư

Tính minh bạch về công bố thông tin của các doanh nghiệp (DN) niêm yết trên thị trường chứng khoán là chủ đề luôn mang tính thời sự, bởi gắn với nó là lợi ích của nhà đầu tư. Đến nay, tính minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn thấp khi nhà đầu tư thường xuyên đối mặt với những kiểu công bố thông tin tiền hậu bất nhất. 

Đọc E-paper

Nhiều vụ sốc thông tin

Tình trạng DN thông báo có lãi rồi vài hôm sau công bố thông tin lỗ liên tiếp diễn ra trong thời gian gần đây. Thông tin nhanh chóng được phản ánh vào giá cổ phiếu khi nhà đầu tư đổ hàng ra bán tháo.

Trường hợp của Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (HSX: DIG) đã làm giới đầu tư thất vọng khi công bố báo cáo tài chính quý II hợp nhất, nhà đầu tư mới biết 6 tháng đầu năm 2016 DIG chỉ đạt 473,3 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ âm 3,85 tỷ đồng. Trước đó, DIG công bố doanh thu 2.194 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 47,5 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm 2015.

Một trường hợp khác là CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (HSX: QBS), ngày 29/7 DN này khẳng định ước tính doanh thu quý II đạt trên 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 28 tỷ đồng, nhưng ngày 30/7, QBS chính thức công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2016 với mức lỗ hơn 22 tỷ đồng. Nguyên nhân được lý giải là do con số ước tính về doanh thu và lợi nhuận là con số trước khi trích lập dự phòng, và điều này khiến giá cổ phiếu QBS liên tục giảm sàn. Cổ đông của QBS gần như bị "bốc hơi" một nửa tài sản trong vòng chưa đầy một tháng.

Câu chuyện về Công ty CP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung (Upcom: MTM) bị dừng giao dịch chỉ sau 2 tháng lên sàn dạo gần đây có lẽ không còn xa lạ đối với giới đầu tư chứng khoán. Sự việc này khiến nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu MTM rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan".

Sự thật là, tất cả thông tin mà MTM công bố vẫn là một dấu chấm hỏi khi trụ sở chính của MTM là một quán ăn, số điện thoại người công bố thông tin công ty luôn trong tình trạng không liên lạc được và mã số thuế MTM đã ngừng hoạt động từ ngày 6/5/2016.

Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn hiệu quả cho DN. Thông qua các đợt phát hành cổ phiếu và trái phiếu, DN có thể dễ dàng huy động được nguồn vốn lớn với chi phí thấp và thời gian ngắn hơn so với các kênh huy động khác để phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề minh bạch trong việc sử dụng nguồn vốn huy động vẫn cần được làm rõ và đảm bảo nguồn vốn sử dụng phải hiệu quả và phù hợp.

Mới đây, Công ty CP Thiết bị y tế Việt Nhật (HSX: JVC) gây sốc thị trường khi công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 (từ 1/4/2015 - 31/3/2016) với khoản lỗ 1.335,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 208 tỷ đồng. Nguyên nhân là do trong năm 2015, JVC và công ty con đã trích lập thêm 1.125 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi. Có tới 594 tỷ đồng dự phòng cho các khoản phải thu đối với các bên liên quan đến các thành viên tiền nhiệm của ban giám đốc.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, kiểm toán cũng đưa ra ý kiến loại trừ: công ty đã sử dụng khoản vốn chào bán cổ phiếu ra công chúng hồi tháng 1/2015 sai với kế hoạch sử dụng vốn sửa đổi đã được đại hội cổ đông thông qua.

Cụ thể, công ty đã dùng khoản vốn này để thực hiện chi trả cho một số hoạt động không nằm trong kế hoạch như dùng 103,9 tỷ đồng nộp thuế các loại, 500 triệu đồng góp vốn vào công ty liên doanh liên kết. Tuy nhiên, công ty cũng chưa lập hồ sơ chi tiết về việc sử dụng khoản vốn này.

Xây dựng niềm tin

Câu hỏi đặt ra là, nếu kiểm toán không tham gia thì đến khi nào cổ đông của JVC mới biết được đồng tiền của mình được sử dụng ra sao và với mục đích gì? Đây là nỗi lo ngại không chỉ của riêng cổ đông JVC, bởi chuyện tương tự có thể diễn ra ở nhiều DN khác.

Còn từ câu chuyện của DIG, QBS và MTM, câu hỏi được đặt ra là, DN đã thực hiện đúng trình tự, chuẩn mực cũng như quy định về công bố thông tin hay chưa? Thêm nữa, chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý đã được thực hiện tốt?

Có lẽ nhà đầu tư cần thêm nhiều chuẩn mực về công bố thông tin của DN hơn nữa, không chỉ công bố thông tin sai, mà công bố thông tin thiếu, công bố thông tin chậm gây hiểu lầm và đưa đến thua lỗ cho nhà đầu tư cũng cần xử phạt mạnh tay.

Thị trường chứng khoán hiện nay có hơn 800 mã cổ phiếu đang được niêm yết và giao dịch, vẫn còn tồn tại những DN kinh doanh yếu kém, không trả cổ tức, sử dụng sai mục đích đồng vốn huy động được, công bố thông tin không đầy đủ, công bố sai lệnh về doanh thu, lợi nhuận khiến nhà đầu tư thua lỗ.

Hệ lụy là, nhà đầu tư rơi vào trạng thái bị cô lập bởi những hàng rào thông tin và cứ như vậy, niềm tin của họ giảm dần, và rồi họ xa dần thị trường, coi thị trường chứng khoán giống như một kiểu cờ bạc với những con số xanh đỏ chứ không giống như một kênh đầu tư mà đồng vốn họ bỏ vào được bảo vệ.

Đã có những quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, tuy nhiên nhiều DN vẫn vi phạm, chứng tỏ những quy định này chưa đủ để răn đe.

Vậy nên, các cơ quan quản lý cần có biện pháp mạnh tay hơn nữa để không những sàng lọc được chất lượng hàng hóa trên hai sàn mà còn đem lại môi trường minh bạch để xây dựng niềm tin bền vững cho các nhà đầu tư, góp phần làm cho thị trường chứng khoán thực hiện đúng chức năng là kênh huy động vốn cho nền kinh tế.

>Chứng khoán và tháng ngâu

>Báo cáo tài chính quý II/2016: Về đích sớm chưa hẳn hấp dẫn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tính minh bạch và niềm tin của nhà đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO