Tìm lãi từ nợ

LINH CHI| 28/10/2014 04:05

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% là không cao nhưng để đạt được con số này vẫn là thách thức cho ngành ngân hàng (NH) khi sức hấp thu vốn yếu.

Tìm lãi từ nợ

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% là không cao nhưng để đạt được con số này vẫn là thách thức cho ngành ngân hàng (NH) khi sức hấp thu vốn yếu.

Trông đợi cuối năm

Tính đến ngày 30/9, tín dụng toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đối với nền kinh tế đã tăng đến 7,26% so với cuối năm 2013. Như vậy dư nợ tín dụng toàn ngành NH 3 tháng của quý III đã tăng gấp đôi so với 2 quý trước đó.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho hay, mặc dù thời gian qua, trước cầu của nền kinh tế còn thấp, doanh nghiệp (DN) gặp rất nhiều khó khăn, nhưng ngành NH vẫn duy trì được mức tăng trưởng tín dụng trên 10% trong suốt 3 năm qua và mức tăng trưởng tín dụng này hoàn toàn nằm trong kế hoạch định sẵn từ đầu năm.

"Từ đó góp phần cho tăng trưởng kinh tế của đất nước vẫn đảm bảo được mức trên 5%. Mặt khác, tăng trưởng tín dụng 9 tháng vừa qua của hệ thống cũng cao hơn so với mức 6,87% của 9 tháng năm ngoái", Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết.

Để đẩy mạnh tín dụng trong thời gian còn lại của năm, ông Bình còn cho biết, sắp tới NHNN sẽ yêu cầu các TCTD cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất từ nay đến hết năm để DN dễ dàng vay vốn, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Đồng thời, về tín dụng, trên cơ sở theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng của từng TCTD và toàn hệ thống, NHNN cũng đã xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng cho một số TCTD.

Chẳng hạn, Nam A Bank, Viet Capital Bank hay HDBank... đang xin tăng room tín dụng để có thêm dư địa cho vay, đặc biệt là cao điểm cuối năm khi nhu cầu vốn được dự báo sẽ cải thiện.

Lãnh đạo NH Sacombank cho hay, khả năng tín dụng trong quý còn lại của năm sẽ được cải thiện mạnh so với 3 quý đầu năm. Đây cũng là thời điểm kinh doanh tốt nhất của NH trong năm. Vì thế, Sacombank sẽ cân nhắc để xây dựng các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất cho vay.

Từ đầu năm đến nay, Sacombank đã triển khai tổng cộng 12 gói cho vay ưu đãi trị giá 16.990 tỷ đồng và 170 triệu USD dành cho DN thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trên cả nước.

Trong đó, tại chương trình kết nối NH - DN, Sacombank dành 1.704,48 tỷ đồng và 2 triệu USD cho vay ưu đãi DN tại 21 quận - huyện và KCX, KCN trên địa bàn TP.HCM, Khánh Hòa, Đắk Lắk. Chín tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của Sacombank đã tăng mức trên 10% và việc đạt mục tiêu 12% năm nay là không khó.

Tích cực là vậy, song giới NH cũng thừa nhận còn rất nhiều việc phải làm vì sức mua của thị trường và tồn kho chưa mấy cải thiện. Để đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ tín dụng hiện nay vẫn được xem là một thách thức lớn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, báo cáo của NHNN cho biết tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 8 là 3,9% trên tổng dư nợ.

Theo NHNN, đến ngày 30/9/2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 10,73%, huy động vốn tăng 11,01% (huy động bằng VND tăng 12,37%, huy động bằng ngoại tệ tăng 2,78%) so với cuối năm 2013; thanh khoản của các TCTD tiếp tục được đảm bảo và dư thừa, lãi suất thị trường liên ngân hàng giảm và ổn định ở mức thấp.

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đến nay đã giảm 0,5-1,5%/năm so với cuối năm 2013, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ.

Mặt khác, chính sách lãi suất cho vay được các chuyên gia đưa ra nhận định, sẽ tiếp tục xu hướng đi xuống, nhưng tăng trưởng tín dụng hiện nay không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào lãi suất mà còn phụ thuộc vào chính sách tăng trưởng dư nợ của các NHTM.

Bên cạnh đó, môi trường sản xuất, kinh doanh cũng là một trong những yếu tố quyết định việc tăng trưởng tín dụng. Nếu nền kinh tế trên đà hồi phục, DN sẽ sẵn sàng vay vốn đầu tư, sản xuất và kinh doanh, thay vì ngưng trệ như hiện nay, vay vốn không biết để làm gì.

Nợ xấu vẫn cản dòng tín dụng

Mặt khác, nợ xấu tăng cao chắc chắn các NH phải thận trọng. Nếu DN đã vướng vào nợ xấu sẽ khó rót thêm vốn cho vay. Còn với DN mới, chưa vướng vào nợ xấu, nhưng lúc này họ phải xem xét đến yếu tố thị trường có tiêu thụ được hàng hóa hay không mới quyết định vay vốn ngân hàng nên tín dụng khó tăng mạnh.

Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM Nguyễn Hoàng Minh cho biết, NHNN TP.HCM đã chỉ đạo các NHTM tăng cường xem xét cho vay tín chấp để tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN, nhất là dịp cuối năm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa các NH sẽ ồ ạt cho vay, ngược lại với tín dụng không tài sản đảm bảo, điều kiện sẽ rất khắt khe.

Vì thế, đến nay dư nợ giải ngân tín chấp của các NHTM trên địa bàn cũng còn khá khiêm tốn. Tỷ lệ cho vay tín chấp tính đến nay chỉ chiếm 15-16% tổng dư nợ. Trong khi, để tiếp cận được vốn ưu đãi này các DN đã được sàng lọc kỹ.

Đặc biệt, kể từ ngày 1/6, các NHTM phải phân loại nợ và trích dự phòng rủi ro theo quy định mới tại Thông tư 09/2014/TT-NHNN nên rất thận trọng khi cho vay.

Bởi nợ xấu đang có xu hướng tăng lên kể từ khi áp dụng quy định mới. Đánh giá về dòng vốn, TS. Võ Trí Thành cho biết, khả năng hấp thụ vốn của DN vốn dĩ đã rất thấp trong 2 năm trở lại đây, cùng với vấn đề nợ xấu ngành tăng là rào cản lớn đối với tăng trưởng tín dụng.

"So với trước, sự chủ động của NH trong việc dẫn vốn tới DN có phần tốt hơn, nhưng cũng chỉ dẫn vốn cho DN có "sức khỏe" tốt, trong khi các công ty này lại không có nhu cầu vốn. Ngược lại, các DN nhỏ vẫn gặp không ít khó khăn", ông Thành nói.

Chính điều này sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt cho ngành NH trong việc tìm khách hàng tốt. Nhu cầu vốn của DN dịp cuối năm sẽ cải thiện, nhưng để khơi thông được, theo các chuyên gia, cần có sự nỗ lực từ 2 phía thì mới thành công. Đặc biệt là trước tình hình hiện nay không phải DN nào cũng còn tài sản để thế chấp khi có nhu cầu sử dụng vốn vay.

Từ đó mới có chuyện lãnh đạo một NHTM cho rằng, lợi nhuận của NH hiện nay phụ thuộc vào quá trình xử lý và thu hồi nợ, chứ không phải khả năng tăng trưởng tín dụng. "Vì thế, nếu khoản vay có rủi ro, thà để tiền trong kho còn hơn cho vay", lãnh đạo này nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm lãi từ nợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO