Tìm “áo giáp” cho nhà đầu tư chứng khoán

17/08/2010 00:10

Hiện nay, hệ thống các công ty chứng khoán (CTCK) còn non kém, quản trị doanh nghiệp của nhiều CTCK còn chưa đạt yêu cầu… ảnh hưởng đến sự an toàn tiền gửi, chứng khoán của nhà đầu tư.

Tìm “áo giáp” cho nhà đầu tư chứng khoán

Hiện nay, hệ thống các công ty chứng khoán (CTCK) còn non kém, quản trị doanh nghiệp của nhiều CTCK còn chưa đạt yêu cầu… ảnh hưởng đến sự an toàn tiền gửi, chứng khoán của nhà đầu tư. Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa đề xuất thành lập công ty bảo vệ nhà đầu tư như một số nước đã thực hiện.

Thị trường chứng khoán hiện có hơn 100 CTCK hoạt động, trong đó nhiều công ty không đạt yêu cầu. Thậm chí, các CTCK cạnh tranh không lành mạnh trong việc thu hút nhà đầu tư, nhiều CTCK sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cho vay rất cao, vừa ảnh hưởng tới sự phát triển bến vững của thị trường, vừa dễ gây rủi ro về vốn của CTCK, tiền và chứng khoán của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, ở nhiều DN niêm yết, không ít các cổ đông lớn biểu quyết cho phép áp dụng giá mệnh giá có lợi cho họ, trong khi những cổ đông nhỏ phải mua giá cao hơn đối với cổ phiếu phát hành thêm.

Một trường hợp khác rất phổ biến là việc thành lập các công ty con trong đó công ty mẹ chỉ có một phần vốn rất nhỏ từ 15 - 30%, phần còn lại do các cá nhân là những cổ đông lớn của công ty mẹ sở hữu. “Thủ thuật” này được coi là sự tước đoạt thương hiệu, mạng lưới khách hàng, phân phối… của công ty mẹ, mà lẽ ra nếu 100% vốn do công ty mẹ đầu tư thì cổ đông sẽ được hưởng lợi. Còn việc chia tách và thành lập các công ty mới như vậy, quyền sở hữu của những công ty mới nằm trong tay các cá nhân thay vì cổ đông nhỏ.

Luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch VAFI cho rằng, để thành lập công ty bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, trước hết cần hình thành Quỹ đền bù thuộc doanh nghiệp này. Định chế tài chính bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro, góp phần phát triển bền vững thị trường chứng khoán, đồng thời tạo tâm lý an tâm cho các nhà đầu tư.

Đây là loại hình DN đặc biệt, có khuôn khổ pháp lý hoạt động riêng và có nhiều điểm tương tự như tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong hệ thống các ngân hàng thuơng mại. Vai trò của Nhà nước chủ yếu là thiết lập khuôn khổ pháp lý, xúc tiến việc thành lập và giám sát quá trình hoạt động.

Thực tế cho thấy, thị trường chứng khoán của nhiều nước tiên tiến đã hoạt động hàng trăm năm, khuôn khổ pháp lý đã hoàn thiện rất nhiều nhưng vẫn cần sự tồn tại của công ty bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư. Tại Mỹ, mô hình này tồn tại dưới dạng Công ty bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán (SIPC)- một tổ chức phi lợi nhuận, có nhiệm vụ hoàn trả chứng khoán, tiền hoặc các loại chứng khoán khác cho nhà đầu tư trong trường hợp công ty môi giới và kinh doanh chứng khoán bị phá sản, gặp khó khăn về tài chính và tài sản của nhà đầu tư bị mất, tuy nhiên công ty này không bảo hiểm cho lỗ trong đầu tư.

Tại Đài Loan là Trung tâm bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán (SFIPC) có nhiệm vụ đại diện nhà đầu tư tham gia tranh tụng với CTCK, sở giao dịch chứng khoán, trung tâm thanh toán bù trừ; chất vấn tình hình hoạt động tài chính của các tổ chức phát hành, các CTCK, cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư, kinh doanh chứng khoán và các sản phẩm tương lai. Còn tại Hồng Kông là Công ty đền bù NĐT (ICC)...

Theo VAFI, để thành lập được công ty bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư như nói trên, trước tiên là cần hình thành một Ban đề án để triển khai các công việc liên quan. Ban đề án do các cơ quan Chính phủ hoặc một hiệp hội đại diện các nhà đầu tư và các bên tham gia thị trường đứng ra vận động, thành lập.

Nhiệm vụ chính của công ty bảo vệ nhà đầu tư là bù đắp các thiệt hại về tài chính cho nhà đầu tư do các tổ chức kinh doanh chứng khoán bị phá sản hay vỡ nợ gây ra. Công ty này đại diện cho nhà đầu tư tham gia làm việc, thương thảo và khi cần sẽ là đại diện tham gia tranh tụng với CTCK, Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm “áo giáp” cho nhà đầu tư chứng khoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO