Tiền ngân hàng đang chạy đi đâu?

14/04/2014 06:31

Nếu không cho vay được thì tiền ngân hàng đã chạy đi đâu trong ba tháng đầu năm?

Tiền ngân hàng đang chạy đi đâu?

Nếu không cho vay được thì tiền ngân hàng đã chạy đi đâu trong ba tháng đầu năm?

Điểm nổi bật nhất của hệ thống ngân hàng trong quí 1 vừa qua là tình hình thanh khoản dồi dào và ổn định trên diện rộng
Thanh khoản dồi dào

Điểm nổi bật nhất của hệ thống ngân hàng trong quý I vừa qua là tình hình thanh khoản dồi dào và ổn định trên diện rộng. Điều này được thể hiện rất rõ qua các giao dịch trên thị trường liên ngân hàng, thị trường mở (OMO) và hoạt động phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã xuống mức rất thấp trong quý I, trung bình chỉ còn 2,8%/năm cho kỳ hạn qua đêm, 3%/năm cho kỳ hạn một tuần và 3,5%/năm cho kỳ hạn hai tuần. Thậm chí trong thời gian gần đây, những mức lãi suất này còn xuống mức rất thấp (chỉ khoảng 2%/năm cho kỳ hạn qua đêm, 2,3%/năm cho kỳ hạn một tuần và 2,7%/năm cho kỳ hạn hai tuần).

Đành rằng tiêu chuẩn để vay trên thị trường liên ngân hàng đã được nâng lên, không phải ngân hàng nhỏ nào gặp khó khăn về thanh khoản cũng có thể dễ dàng vay vốn trên thị trường này nhưng việc lãi suất liên ngân hàng xuống mức thấp như hiện nay có nguyên nhân không nhỏ do nhu cầu vay mượn giảm, thanh khoản của các ngân hàng đã được cải thiện đáng kể.

Làm sao thúc đẩy tăng trưởng tín dụng khi ngân hàng vẫn mang nỗi lo nợ xấu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn quá yếu? Xem ra trách nhiệm “đẩy tín dụng, đưa thêm tiền ra” không chỉ của riêng ngành ngân hàng!

Trên OMO, trong quý I, NHNN cũng đã hút ròng tổng cộng khoảng 35.000 tỉ đồng. Đáng chú ý, kể từ thời điểm giữa tháng 3 trở lại đây, các ngân hàng rất hạn chế tham gia đấu thầu qua OMO, thậm chí đã ba tuần liên tiếp không có ngân hàng nào đăng ký đấu thầu. Thanh khoản dồi dào đã giúp các ngân hàng không có nhu cầu vay mượn ngắn hạn nhiều, OMO do đó ở trong tình trạng “tạm ế”.

Ngoài việc hút ròng qua OMO, kênh tín phiếu cũng được NHNN sử dụng triệt để trong quý I. Thống kê cho thấy đã có khoảng 244.000 tỉ đồng tín phiếu được NHNN phát hành mới trong quý I. Đây là mức phát hành kỷ lục so với cùng thời điểm các năm gần đây. Lượng tín phiếu đáo hạn trong quý vừa qua đạt khoảng 123.000 tỉ đồng. Như vậy, chỉ riêng qua kênh tín phiếu, NHNN đã hút ròng về hơn 121.000 tỉ đồng từ hệ thống ngân hàng thương mại.

Một số liệu nối kết khác là trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ vừa qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình có công bố đáng chú ý là NHNN đã mua được lượng ngoại tệ lên tới 7,7 tỉ USD trong quý I (tương đương gần 170.000 tỉ đồng). Mua vào ngoại tệ đồng nghĩa với việc phải bơm tiền đồng ra.

Nhìn vào tổng lượng tiền hút ròng qua OMO và kênh tín phiếu trong quý I có thể thấy NHNN đã trung hòa được phần lớn lượng tiền đồng bơm ra. Hẳn là NHNN đã rút ra được nhiều kinh nghiệm từ bài học năm 2007 trong việc điều tiết lượng cung tiền hợp lý, tránh gây áp lực lên lạm phát trong khi vẫn tăng được tiềm lực dự trữ ngoại hối.

Tiền chạy vào tín phiếu, trái phiếu Chính phủ

Trả lời câu hỏi vì sao thanh khoản của hệ thống ngân hàng ở trạng thái dư thừa sẽ không quá khó nếu nhìn vào tình hình tăng trưởng huy động và tín dụng trong ba tháng đầu năm. Theo các số liệu mới nhất, tín dụng tính đến hết quý 1 đạt mức tăng trưởng 0,1% so với cuối năm 2013 trong khi tăng trưởng tiền gửi đạt gần 4%.

Huy động vốn vẫn tăng trong khi tín dụng ách tắc khiến một lượng tiền lớn vẫn nằm trong hệ thống ngân hàng. Cũng chính vì thanh khoản hệ thống dồi dào nên quyết định hạ trần lãi suất huy động xuống mức 6%/năm của NHNN ngày 18-3 vừa qua không gây xáo trộn nhiều đến thị trường.

Cho dù lãi suất huy động giảm có thể khiến một phần dòng tiền “thông minh” chuyển hướng đầu tư nhưng không thể phủ nhận kênh tiết kiệm vẫn có sức hấp dẫn nhất định đối với những người có “khẩu vị” rủi ro thấp nhất là trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát năm nay còn có thể thấp hơn mức 6%.

Nếu không cho vay được thì tiền ngân hàng đã chạy đi đâu trong ba tháng đầu năm? Đương nhiên các ông chủ ngân hàng sẽ không để cho tiền “nằm im”, không sinh lời trong khi hàng tháng vẫn phải trả lãi cho người gửi. Và lúc này kênh đầu tư truyền thống trong bối cảnh tín dụng không tăng trưởng lại được các ngân hàng tìm đến.

Đầu tiên là một lượng vốn lớn, hơn 244.000 tỉ đồng đã được các ngân hàng đầu tư vào kênh tín phiếu do NHNN phát hành. Trên thực tế, lãi suất của tín phiếu ở mức khá thấp (kỳ hạn 28 ngày phổ biến từ 2,6-2,8%/năm, thời điểm cao nhất là 4%/năm; kỳ hạn 91 ngày phổ biến từ 3,9- 4,2%/năm, thời điểm cao nhất cũng chỉ ở mức 4,5%/năm) nhưng ít nhất các ngân hàng cũng có chỗ bỏ tiền vào để sinh lợi.

Tiếp đến là kênh trái phiếu chính phủ (TPCP) với tổng mức phát hành trong quý I là hơn 81.000 tỉ đồng. Nếu tính khối lượng TPCP đáo hạn trong quý I ước đạt hơn 15.000 tỉ đồng thì đã có khoảng 65.000 tỉ đồng được các ngân hàng thương mại đầu tư thêm vào kênh TPCP. Mặc dù lãi suất trúng thầu hiện cũng đã giảm trên 100 điểm cơ bản so với cuối năm 2013 nhưng đây vẫn là một địa chỉ an toàn cho các ngân hàng vừa muốn tìm kiếm lợi nhuận vừa muốn có “lương khô” trong những lúc khó khăn thanh khoản.

Tuy vậy, không thể trông chờ mãi vào kênh tín phiếu và trái phiếu được khi hoạt động phát hành tín phiếu có thể sẽ thu hẹp khi hoạt động mua vào ngoại tệ của NHNN giảm bớt, còn khối lượng phát hành TPCP không phải là không có giới hạn (năm nay được ấn định ở mức 280.000 tỉ đồng, tính riêng quý I đã phát hành được gần 30% kế hoạch năm).

Sớm hay muộn các ngân hàng cũng phải tìm cách đẩy tín dụng ra nền kinh tế vì đó mới là kênh tạo lợi nhuận lâu bền cho các ngân hàng. Nhưng vấn đề là làm sao thúc đẩy tăng trưởng tín dụng khi ngân hàng vẫn mang nỗi lo nợ xấu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn quá yếu?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiền ngân hàng đang chạy đi đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO