Thời của nguồn vốn lớn

30/09/2013 08:33

Lãnh đạo VinaCapital gần đây cho biết quỹ VOF của Tập đoàn đang có kế hoạch đầu tư 100 triệu USD vào 4 công ty.

Thời của nguồn vốn lớn

Khoảng 6-7 năm về trước, thị trường Việt Nam từng chứng kiến làn sóng đầu tư của các quỹ đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam như IDG Ventures, Mekong Capital, Dragon Capital, VinaCapital, BankInvest…Lúc đó, những thông tin về công bố hợp tác chiến lược giữa doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và các quỹ liên tục xuất hiện trên báo chí.

Lãnh đạo VinaCapital gần đây cho biết quỹ VOF của Tập đoàn đang có kế hoạch đầu tư 100 triệu USD vào 4 công ty.
Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, hầu như không có khoản đầu tư nào của những quỹ này được công bố, ngoại trừ một số khoản đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và internet. Thay vào đó là thông tin về việc rút lui của các quỹ.

Mekong Capital, chẳng hạn, từ năm 2008 đến nay đã bán ra tới 13 khoản đầu tư. Trong tháng 9.2013, quỹ này đã bán 100% vốn ở Công ty Cổ phần Thông minh MK và Công ty Cổ phần Thế Giới Số. Hiện nay, vẫn chưa thấy công bố nào về những thương vụ đầu tư tiếp theo của Quỹ.

> Gõ cửa quỹ đầu tư: Người đồng hành khó tính
> Quỹ đầu tư tư nhân đang trở lại Việt Nam?
> Quỹ đầu tư mạo hiểm chưa thể mạo hiểm

> Các thương vụ hời của quỹ đầu tư
> Khi nào quỹ đầu tư mới "đại chúng"?

Năm ngoái, các quỹ đầu tư của VinaCapital đã thoái vốn khỏi ít nhất 4 khoản đầu tư với tổng số tiền hơn 85 triệu USD, gồm dự án Savico Vinaland, Prime Group, khách sạn Legend và dự án cảng biển Long An.

Việc rút vốn của các quỹ đầu tư là chuyện đương nhiên khi nhìn vào cách thức vận hành của họ. Thông thường, một quỹ hoạt động trong khoảng 5 năm; nếu có gia hạn thì cũng chỉ thêm được 2 năm. Ở Mekong Capital, một quỹ đầu tư có vòng đời khoảng 10 năm, kế hoạch đầu tư vào một công ty thường kéo dài 7-8 năm. VinaCapital hay Mekong Capital là những quỹ đã vào Việt Nam khá sớm, từ những năm 2004-2005. Vì thế, hiện nay, nếu họ rút vốn khỏi các dự án để đóng quỹ cũng là chuyện bình thường.

Vấn đề đặt ra là tại sao trong khoảng 3 năm trở lại đây lại có rất ít hoạt động đầu tư mà chỉ thấy rút vốn, dù rằng trước đó các quỹ luôn khẳng định sẽ đầu tư dài hạn và gắn bó với thị trường Việt Nam. Phải chăng các quỹ không còn tiền hay các doanh nghiệp Việt Nam có mô hình kinh doanh tốt ngày càng ít đi?

Theo ông David Đỗ, Giám đốc Điều hành Quỹ Vietnam Investments Group (VIG), một công ty quản lý quỹ chuyên đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, nguyên nhân là ngành đầu tư mạo hiểm đã chịu đựng cú sốc lớn trong năm 2007 và 2008. Nhiều vụ đầu tư trong giai đoạn này ở Việt Nam đã không thành công. Do đó, làm chậm lại tốc độ thành lập các quỹ mới.

“Kinh tế Việt Nam gần đây liên tục gặp khó khăn nên hoạt động của các doanh nghiệp cũng khó theo. Để tìm kiếm được doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tốt, tốc độ tăng trưởng như những năm 2005-2006 là rất hiếm”, ông cho biết thêm.

Trên thực tế, vẫn có những quỹ tại Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn nhiều bất ổn như hiện nay, nếu chấp nhận rót vốn, các quỹ sẽ đưa ra yêu cầu cao hơn về cổ tức, ưu đãi và đòi hỏi được kiểm soát gắt gao hơn để đảm bảo khoản đầu tư của họ không bị thua lỗ. Đây cũng là lý do có rất ít thương vụ đầu tư thành công trong thời gian qua.

Gần đây, ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành VinaCapital, cho biết quỹ VOF, thuộc VinaCapital, đang có kế hoạch đầu tư khoảng 100 triệu USD vào 4 công ty, gồm 3 công ty thuộc nhóm thực phẩm và đồ uống, 1 công ty hoạt động trong ngành truyền thông. Tuy nhiên, ông cũng cho biết khả năng thành công của các khoản đầu tư này chỉ khoảng 20%.

Một điểm đáng chú ý là các quỹ đầu tư gần đây có xu hướng đầu tư vào doanh nghiệp đã hoạt động ổn định, đang mở rộng quy mô, thay vì đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp như trước. Theo ông David Đỗ, VIG, các quỹ đầu tư khắp châu Á vẫn quan tâm thị trường Việt Nam. Họ chấp nhận đầu tư vào các doanh nghiệp đã phát triển ổn định với một tỉ suất lợi nhuận khiêm tốn, nhưng bù lại sẽ có hệ số rủi ro thấp.

“Thông thường, các nhà đầu tư này chỉ thích những thương vụ với số vốn đầu tư 50 triệu USD trở lên. Do lợi nhuận không cao nên họ buộc phải đầu tư vốn lớn, nhằm đảm bảo hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, đáng tiếc là số doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam có quy mô đủ để các quỹ này rót vốn là quá ít”, ông nói.

Nhận định của ông David Đỗ đã lý giải vì sao thời gian qua thị trường hầu như chỉ nhận được thông tin các thương vụ đầu tư vào một số ít doanh nghiệp lớn. Masan, chẳng hạn, hồi tháng 7 đã bán 49% cổ phần của Công ty Hoa Mười Giờ cho quỹ TPG Growth. Giá trị thương vụ này là 50 triệu USD, tương đương 1.061 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thời của nguồn vốn lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO