Thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và cơ hội đầu tư

MAI LINH| 22/09/2016 08:33

Sẽ có rất nhiều cơ hội đầu tư mới đến với nhà đầu tư thông qua quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp sắp tới.

Thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và cơ hội đầu tư

Sẽ có rất nhiều cơ hội đầu tư mới đến với nhà đầu tư thông qua quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp sắp tới. 

Đọc E-paper

Theo thông tin mới nhất của Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, lũy kế 8 tháng đầu năm 2016 (tính đến ngày 20/8/2016) đã có 48 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 6 tổng công ty gồm: 2 tổng công ty thuộc Bộ Công Thương là Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp; 1 tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng là Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC); 1 tổng công ty thuộc Bộ Quốc phòng là Tổng công ty 36; 2 tổng công ty thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Tổng công ty Lâm nghiệp và Tổng công ty Vật tư nông nghiệp.

Tổng giá trị thực tế của 48 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 31.905 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 23.280 tỷ đồng.

Cũng trong 8 tháng đầu năm, các đơn vị đã thoái vốn được 2.921 tỷ đồng, thu về thực tế 5.767 tỷ đồng. Trong đó, tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng - tài chính, bất động sản, quỹ đầu tư), các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn được 381 tỷ đồng, thu về 424 tỷ đồng; SCIC đã thoái vốn 1.277 tỷ đồng, thu về 3.374 tỷ đồng.

Tại các lĩnh vực khác, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn được 1.261 tỷ đồng, thu về 1.968 tỷ đồng.

Tốc độ cổ phần hóa phù hợp

So với năm 2015, tốc độ phê duyệt cổ phần hóa đến thời điểm hiện tại bằng khoảng 42,85%. Tuy nhiên, tốc độ phê duyệt cổ phần hóa như vậy là phù hợp với mục tiêu cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020 chỉ khoảng 250 - 280 doanh nghiệp. Tốc độ bán cổ phần lần đầu ra công chúng duy trì ổn định so với năm trước, tính từ đầu năm đến nay đã IPO 44 doanh nghiệp.

Mức độ quan tâm của nhà đầu tư cả trong nước lẫn ngoài nước đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng đang được cải thiện, giới đầu tư dần quan tâm đến những cái tên như Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Dược Việt Nam, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty chăn nuôi.

Mới đây, ngày 13/9, UBND TP. Hà Nội ban hành văn bản 5318/UBND-KT yêu cầu sắp xếp, cổ phần hóa DNNN thuộc UBND TP. Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020. TP. Hà Nội sẽ triển khai thoái toàn bộ vốn Nhà nước đầu tư tại 96 doanh nghiệp, trong đó có Công ty Tài chính cổ phần Hadico, Công ty CP Bến xe Hà Nội, Công ty Thực phẩm Hà Nội, Công ty CP Giày Thượng Đình, Công ty CP Dệt 19/5 Hà Nội, Công ty CP Hanel...

Như vậy, sẽ có rất nhiều cơ hội đầu tư mới được đưa đến với nhà đầu tư và thị trường thông qua quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu được đặt ra là thực hiện tái cấu trúc DNNN, cả nước sẽ tiếp tục sắp xếp, đổi mới và chuyển đổi sở hữu các DNNN còn lại, với mục tiêu số lượng DNNN đến năm 2020 còn gần 200 (giảm 50% so với số lượng tại thời điểm năm 2015), đồng thời cơ bản hoàn thành việc xử lý các tồn tại về tài chính, lao động dôi dư của khu vực này.

Để hoàn thành tốt mục tiêu trên, cần có những giải pháp cụ thể về quá trình tái cơ cấu DNNN cũng như sự minh bạch và cải tiến của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Cuộc chơi lớn đầy hứa hẹn ở phía trước

Những ông lớn như Vinamilk, Habeco, Sabeco, FPT Telecom, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong... đều là các mỏ vàng trong mơ của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, kể cả là đầu tư tài chính lẫn đầu tư chiến lược. Theo tính toán của giới đầu tư, chỉ cần thoái toàn bộ vốn tại Sabeco, Habeco và Vinamilk, Nhà nước có thể thu được tới gần 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, vấn đề hiệu quả và thực tế lộ trình của việc thoái vốn này vẫn đang được bàn luận. Chuyện được đề cập nhiều nhất vừa qua là việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tại Vinamilk, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp này là 45,1%, giá trị thị trường của cả lô cổ phần này lên tới hơn 3 tỷ USD.

Như vậy, giả sử cả lô cổ phần được bán thì sẽ có bao nhiêu nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính tham gia, kể cả những nhà đầu tư trong nước và nước ngoài? Hoặc giả sử có chia nhỏ số cổ phần trên thành nhiều lô nhỏ hơn, số tiền để mua cũng lên tới vài triệu USD.

Quay trở lại câu chuyện của 2 đại gia ngành bia - rượu - nước giải khát là Sabeco và Habeco. Sau 8 năm cổ phần hóa, 2 doanh nghiệp này vẫn trì hoãn việc lên sàn với lý do chưa đủ điều kiện để niêm yết và lộ trình thoái vốn vẫn phụ thuộc vào chính phủ.

Thực tế, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang nhòm ngó cổ phần của các hãng bia Việt Nam, cổ đông nước ngoài là Carlsberg (Đan Mạch) đang nắm giữ 15,77% vốn điều lệ của Habeco và đối tác này đang muốn tăng tỷ lệ lên 30% vốn điều lệ. Tại Sabeco, trong tổng 10,41% vốn điều lệ được nắm giữ bởi các nhà đầu tư ngoài nhà nước có 5% thuộc về Tập đoàn Heineken.

Ngoài ra còn rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng quan tâm và có ý định mua số cổ phần thoái vốn này như Thai Beverage và Singha Group của Thái Lan, Kirin Holdings và Asahi Group Holdings của Nhật Bản, Heineken (Đan Mạch) và Anheuser-Busch InBev (Bỉ).

Dự kiến, đối với Habeco, sẽ thoái toàn bộ vốn thuộc sở hữu Nhà nước (81,79%), tương đương 9.000 tỷ đồng trong năm 2016. Đối với Sabeco, do vốn lớn nên Bộ Công Thương đề nghị thoái vốn chủ sở hữu Nhà nước theo lộ trình làm 2 đợt, đợt 1 bán 53,59% vốn điều lệ, tương đương 24.000 tỷ đồng trong năm 2016, đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại, tương đương 16.000 tỷ đồng trong năm 2017 sau khi Sabeco đã thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.

>Cổ phần hóa đúng cách để nâng giá trị thương hiệu

>Cổ phần hóa DNNN: Bên mặn, bên ngọt

>5 tháng, thu về hơn 4.000 tỷ đồng từ thoái vốn nhà nước

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và cơ hội đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO