Thị trường chứng khoán lại đối mặt với rủi ro mới

KHÁNH PHƯƠNG| 20/06/2018 08:28

Sau khi phục hồi kể từ cuối tháng 5, đà đi lên của thị trường chứng khoán Việt Nam có dấu hiệu chững lại trong những phiên giao dịch gần đây, đưa đến khả năng chỉ số VN-Index lại một lần nữa có thể rớt về dưới mốc 1.000 điểm và thậm chí xa hơn, nhất là khi thị trường đối mặt với những yếu tố rủi ro mới xuất hiện.

Thị trường chứng khoán lại đối mặt với rủi ro mới

Từ bất ổn toàn cầu...

Đầu tiên vẫn là yếu tố được nhắc đi nhắc lại suốt thời gian qua và cũng là rủi ro lớn nhất đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, đó là chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Cuộc họp của FED vào giữa tuần trước đã tăng lãi suất thêm 0,25%.

Đang chú ý nữa là FED cho biết sẽ có 4 lần tăng lãi suất trong năm nay. Thông điệp này càng cho thấy ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới này sẽ đẩy nhanh tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới - yếu tố ảnh hưởng tiêu cực lên các thị trường chứng khoán toàn cầu.

Link bài viết

Tuy nhiên, một sự kiện còn gây bất ngờ hơn nữa trong tuần qua là Mỹ đánh thuế lên lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD. Quyết định trên gây rúng động các thị trường toàn cầu, khi mà hầu hết thông tin gần đây đều cho thấy căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã hạ nhiệt dần, đặc biệt các nhà đầu tư đều kỳ vọng nỗ lực đàm phán thương mại những tuần vừa qua giữa 2 nước sẽ tránh được một cuộc chiến tranh thương mại có sức tàn phá giao thương toàn cầu.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng thôi tỏ vẻ nhún nhường khi tuyên bố trả đũa Mỹ bằng cách đánh thuế lên các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ với trị giá tương đương, đặc biệt nhắm vào nông sản và xe hơi. Trước mắt Bắc Kinh sẽ áp mức thuế suất 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 34 tỷ USD kể từ ngày 6/7 tới.

Chiến tranh thương mại quay trở lại sẽ tác động đến nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Và Việt Nam có thể đối mặt với tình trạng lượng hàng hóa của Trung Quốc không thể xuất vào Mỹ sẽ tràn sang biên giới, từ đó ảnh hưởng đáng kể lên sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước.

... đến rủi ro trong nước

Trong khi đó, sau khi đạt mức tăng trưởng kỷ lục trong quý I, GDP của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tăng chậm lại trong các quý còn lại của năm nay, và áp lực lạm phát đã quay trở lại khi chỉ số giá tiêu dùng bất ngờ tăng mạnh trong tháng 5 vừa qua.

Thanh khoản suy yếu trở lại trong những phiên gần đây cũng là điều cần lưu ý. Kể từ phiên ngày 12/4 đến nay, giao dịch trên sàn HoSE chưa lúc nào vượt được mốc 200 triệu cổ phiếu. Trong những phiên thị trường phục hồi từ cuối tháng 5 đến nay, thanh khoản tuy có cải thiện so với mức bình quân của tháng 5 nhưng vẫn khá thấp, và đặc biệt những phiên gần đây ngày càng thấp hơn, cho thấy dòng tiền suy yếu và càng khiến tâm lý nhà đầu tư thêm bi quan.

Đặc biệt trong thời gian diễn ra World Cup 2018, khả năng thanh khoản của thị trường sẽ khó cải thiện khi nhà đầu tư phần nào tập trung vào ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Thống kê cho thấy các thị trường chứng khoán thường diễn biến khá tiêu cực trong thời gian diễn ra các giải bóng đá lớn như World Cup và Euro.

Nhiều dự báo gần đây cho thấy thị trường có thể tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh mạnh trở lại và chỉ số VN-Index khó giữ được mốc 1.000 điểm trong những phiên giao dịch tới. Điều này nếu xảy ra cũng là tất yếu, khi các chỉ số sau khi giảm mạnh trong tháng 5 đã bật nhanh trở lại không phải do có thông tin tốt hỗ trợ.

Vì vậy, khả năng thị trường có thể giảm và cần phải trải qua giai đoạn củng cố dài hơn nếu muốn quay trở lại xu hướng tăng. Dù vậy, một sự "hạ nhiệt" cũng là cần thiết để tránh rủi ro bong bóng xuất hiện, và dòng tiền có thể sẽ tham gia mạnh hơn trong quý IV, khi các dữ liệu kinh tế vĩ mô và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đã rõ ràng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường chứng khoán lại đối mặt với rủi ro mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO