Thêm một góc nhìn về tăng dự trữ ngoại hối

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH| 27/10/2016 01:32

Tính đến hết tháng 9/2016, dự trữ ngoại hối quốc gia đã vượt 40 tỷ USD. Thông tin này làm dấy lên lo ngại thị trường tài chính sẽ lặp lại "kịch bản của năm 2007" khi Việt Nam mua về 10 tỷ USD.

Thêm một góc nhìn về tăng dự trữ ngoại hối

Trong quý III, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua vào 11 tỷ USD. Qua số tiền lớn ấy, NHNN cho là xã hội đã thể hiện niềm tin vào tiền đồng, dân chúng chuyển dịch từ nắm giữ ngoại tệ sang tiền đồng, là cơ sở để ngân hàng mua ròng ngoại hối, giúp dự trữ ngoại hối quốc gia hơn 40 tỷ USD. Đây cũng là nguồn lực để NHNN ổn định tỷ giá trong quý IV, khi mà nhu cầu ngoại tệ thường tăng cao. 

Đọc E-paper

11 tỷ USD, đương nhiên không phải được mua vào chỉ trong quý III, nó được dồn tích cho đến quý III, ngang bằng bơm vào thị trường 250 nghìn tỷ đồng, cộng với huy động đang tăng nhanh hơn so với cho vay, khiến các ngân hàng thương mại, nếu nhìn vào tổng lượng tiền thì không những tính thanh khoản không có vấn đề mà dường như quá nhiều tiền.

Ngân hàng quá nhiều tiền sẽ đi theo hướng: thứ nhất, dìm lãi suất huy động, nhưng khi dìm lãi suất huy động thì phải lường trước tiền nằm ở các ngân hàng và tiền rút ra, nhưng nếu rút ra sẽ đi đâu. Thứ hai, 11 tỷ USD giúp dự trữ ngoại hối tăng, song vấn đề đặt ra, mua 11 tỷ USD này bằng gì, bằng tiền mặt, bằng các công cụ tài chính, hay mua bằng trái phiếu chính phủ? Tạm tính, NHNN hoặc bơm cho thị trường, hoặc bơm cho các tổ chức tài chính 250 nghìn tỷ đồng, thì thanh khoản cực lớn.

Tính đến hết tháng 9/2016, dự trữ ngoại hối quốc gia đã vượt 40 tỷ USD. Thông tin này làm dấy lên lo ngại thị trường tài chính sẽ lặp lại "kịch bản của năm 2007" khi Việt Nam mua về 10 tỷ USD, tỷ giá lúc bấy giờ là khoảng 18.000 đồng/USD, tức chưa đến 200 nghìn tỷ mà thị trường ngập tiền đồng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2016, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng. GDP ước tăng khoảng 5,93%, trong đó quý III tăng 6,4%, thấp hơn so với mức 6,87% của cùng kỳ năm 2015 nhưng cao hơn so với quý II và quý I/2016.

Lạm phát 9 tháng đầu năm 2016 vẫn ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,54% so với tháng 8, tăng 3,14% so với tháng 12/2015 và tăng 3,34% so với cùng kỳ năm 2015. Dự báo, lạm phát trong năm 2016 sẽ được kiểm soát dưới 5% như Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Bất cập trong trung hòa hóa khiến cung tiền tăng quá cao (tiền mặt, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn đã tăng trên 49% năm 2007 và tín dụng vốn đã tăng khá nhanh trong các năm trước, đạt mức tăng tới 54% năm 2007). Từ cuối năm 2007 đến quý III/2008, lạm phát liên tục tăng.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, Chính phủ đã phải có các giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định nền kinh tế. Trở lại việc mua 11 tỷ USD lần này, đến nay vẫn chưa có ai nói đến có trung hòa không, trong khi điều này chất chứa nguy cơ về lạm phát.

Liên quan đến lạm phát, trong quý III, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và NHNN đã có mâu thuẫn về quan điểm trong việc điều hành lãi suất. Lạm phát và lãi suất có quan hệ nhưng không phải là duy nhất, là cứ lạm phát thế nào thì lãi suất như vậy, mà còn có nhiều yếu tố khác.

Tuy nhiên, trong Đề án Tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, bản đầu tiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã "lên kế hoạch cho lãi suất", khi yêu cầu đưa lãi suất (hàm ý lãi suất cho vay) về 5%. Nhưng ngay sau đó lại thay đổi, sẽ điều hành lãi suất theo lạm phát.

Bây giờ đã hết quý III, lạm phát là 3,14%, nếu so với cuối năm 2015. Nếu tính theo năm, so tháng 9 năm nay với tháng 9 năm 2015 thì 3,34% nhưng nếu tính bình quân là 2,07%. Nhưng nếu lạm phát 5% thì không có lý do gì để giảm lãi suất huy động. Kỳ vọng giảm lãi suất là cực khó.

Ngoại trừ trường hợp quan ngại tín dụng tăng thấp (năm nay tăng thấp hơn so với cùng kỳ, càng gần đây càng thấp và triển vọng từ nay đến cuối năm đẩy lên 18 - 20% không dễ), ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay để tín dụng bùng lên. Tuy nhiên, việc ngân hàng có sử dụng cách này để tăng tín dụng hay không thì lại là chuyện khác.

Mục tiêu lạm phát 5% năm nay cơ bản đã bảo đảm. Nhưng Bộ Tài chính mới đây đã thông báo việc phát hành trái phiếu Chính phủ được 250.320,5 tỷ đồng, tương đương khoảng hơn 11 tỷ USD, bằng 88,86% kế hoạch năm 2016. Có khả năng đây là kênh trung hòa với 11 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, song đến nay vẫn chưa thể chắc chắn về điều này.

Như vậy, việc mua vào 11 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, nếu có, sẽ tác động vào năm sau.

HẢI VÂN (ghi)

>Quy định mới về mở và sử dụng ngoại tệ ở nước ngoài

>Hạ lãi suất USD: DN mạnh tay bán ngoại tệ

>Lạm phát đang đe dọa châu Á

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thêm một góc nhìn về tăng dự trữ ngoại hối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO