Thâu tóm bằng mánh lới: Thiệt hại cho ai?

Gia Lê| 30/05/2019 09:17

Thị trường chứng khoán đi xuống, kế hoạch đẩy mạnh thoái vốn nhà nước là môi trường hấp dẫn cho các thương vụ thâu tóm diễn ra. Vì thế, xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều điều đáng nói.

Thâu tóm bằng mánh lới: Thiệt hại cho ai?

Về cơ bản, thâu tóm là một hình thức của mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A), theo đó một công ty sẽ tìm cách nắm giữ cổ phần chi phối của một công ty khác thông qua mua toàn bộ cổ phần hoặc mua số lượng cổ phần đủ để nắm quyền chi phối với công ty mục tiêu.

Khi thị trường chứng khoán đi xuống, giá nhiều cổ phiếu giảm về mức thấp hơn giá trị của doanh nghiệp thì các thương vụ thâu tóm càng có điều kiện phát triển do sức hấp dẫn của doanh nghiệp tăng lên. Những doanh nghiệp muốn tăng quy mô hoạt động cũng chọn thâu tóm theo chiều dọc hoặc chiều ngang, tức có thể diễn ra với các công ty trong cùng ngành hoặc các công ty khác ngành tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh của từng đơn vị.

Tại Việt Nam thời gian qua, với mục tiêu đẩy mạnh cổ phần hóa, đặc biệt là thoái vốn toàn bộ, đã khuyến khích các nhà đầu tư thâu tóm doanh nghiệp nhà nước có tiềm năng phát triển hoặc có tài sản hấp dẫn.

Điều kiện để thâu tóm hoặc mua cổ phần chi phối một doanh nghiệp yêu cầu nhà đầu tư phải có lượng vốn đủ lớn đi kèm với đảm bảo năng lực tài chính tốt, nhưng thực tế cho thấy không ít trường hợp nhà đầu tư gần như “tay không bắt giặc”.

Cụ thể, các nhà đầu tư này tuy có lượng tài sản và vốn tự có nhỏ bé hơn nhiều so với số lượng cổ phần muốn mua hoặc tham gia đấu giá, nhưng vẫn tìm cách vay vốn ngân hàng bằng cách thế chấp chính lượng cổ phiếu sắp sửa mua vào. Hình thức này còn được biết đến với tên gọi “lấy mỡ nó rán nó”, từng được một đại gia trong giới ngân hàng sử dụng để trở thành cổ đông lớn tại một loạt ngân hàng thương mại cổ phần.

Tiếp đó, sau khi đã nắm được tỷ lệ sở hữu vượt trội và trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp, những nhà đầu tư này sẽ tìm cách chuyển nợ vay sang cho doanh nghiệp bị thâu tóm hoặc rút tiền của chính doanh nghiệp đó để trả nợ ngân hàng.

Hệ quả là nợ của doanh nghiệp đột ngột phình to, chi phí lãi vay gia tăng có thể bào mòn lợi nhuận, khiến hiệu quả kinh doanh suy yếu. Chủ sở hữu hoặc ban lãnh đạo mới có thể đưa ra những quyết sách, dự án đầu tư có lợi, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động của doanh nghiệp, khi đó thiệt hại dĩ nhiên sẽ rơi vào các cổ đông hiện hữu khác vốn không đủ sức để phủ quyết do tỷ lệ sở hữu khiêm tốn.

Nếu như việc thâu tóm theo hình thức này đối với doanh nghiệp tư nhân trên sàn không dễ dàng gì, do giá trị, tài sản và hiệu quả kinh doanh chưa được phản ánh minh bạch và định giá hợp lý. Các chủ sở hữu doanh nghiệp cũng luôn tìm cách chống lại những thương vụ thâu tóm thù nghịch, cộng với lượng cổ đông pha loãng và đa dạng nên khó thâu tóm trọn vẹn. Ngược lại, đối với những doanh nghiệp nhà nước đang muốn cổ phần hóa hoặc thoái vốn, thì rất dễ trở thành đối tượng thâu tóm theo hình thức trên của những nhà đầu tư dày dạn mánh lới thương trường.

Về lý thuyết, Nhà nước có thể chỉ quan tâm đến việc thoái vốn tại mức giá nào là có lợi nhất, nên không quá chú trọng đến việc thẩm định dòng tiền của nhà đầu tư muốn tham gia đấu giá. Tuy nhiên, do điều này có thể làm thiệt hại cho cổ đông nhỏ lẽ, nên việc quy định nhà đầu tư cần phải có vốn điều lệ lớn hơn giá trị lô cổ phần muốn mua là cần thiết. Việc thẩm định, chứng minh nguồn gốc của dòng tiền cũng là cách để hạn chế rửa tiền, nguồn tiền không rõ nguồn gốc được sử dụng để mua tài sản nhà nước.

Một điểm cũng cần lưu ý là trong một số trường hợp, doanh nghiệp nhà nước kinh doanh lỗ triền miên nhưng lại nắm một lượng tài sản có giá trị, như các bất động sản đắc địa, giá trị thương hiệu doanh nghiệp, do đó ban lãnh đạo móc nối với các nhà đầu tư để bán rẻ cổ phần, hoặc tìm cách tự mình mua chính lượng cổ phần này với giá rẻ hơn nhiều so với giá trị thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thâu tóm bằng mánh lới: Thiệt hại cho ai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO