"Tháng 6 mới có thể bỏ trần huy động"

28/03/2012 00:42

TS. Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng ít nhất phải đến tháng 6 mới có thể bỏ trần huy động. Lý do là thời điểm đó việc sắp xếp lại hệ thống ngân hàng cơ bản ổn định.

TS. Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng ít nhất phải đến tháng 6 mới có thể bỏ trần huy động. Lý do là thời điểm đó việc sắp xếp lại hệ thống ngân hàng cơ bản ổn định.

* Chủ trương bỏ trần huy động đang nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều nhau. Quan điểm của ông thế nào?

- Phiên họp giữa Thủ tướng và hơn 30 chuyên gia tài chính ngân hàng ngày 25/3 đã ghi nhận những ý kiến trái chiều quanh việc có nên để lãi suất huy động thả nổi hay không.

Tuy nhiên, quan điểm của cá nhân tôi vẫn đồng tình với Ngân hàng Nhà nước là hiện tại nên giữ trần huy động.

Bởi lẽ, nhìn vào thực tế, hiện nay tính tuân thủ của các ngân hàng vẫn chưa cao. Ngay khi còn áp trần, hiện tượng lách trần vẫn diễn ra, nếu bỏ lúc này sẽ gây ra sự bất ổn định cho thị trường.

Do đó, cần phải có thời gian để Ngân hàng Nhà nước triển khai tốt Đề án 254 sắp xếp lại hệ thống ngân hàng một cách ổn định.

Cụ thể là ngay trong tháng 4 và 5 sẽ xử lý rốt ráo các ngân hàng yếu kém và giải quyết triệt để vấn đề thanh khoản, nợ xấu...

Vì vậy, ít nhất phải vào tầm tháng 6 thì hệ thống ngân hàng mới trở nên lành mạnh và ổn định hơn. Khí đó, Ngân hàng Nhà nước mới tiến hành bỏ trần là tốt nhất.

* Nhiều lo ngại nếu lãi suất huy động được thả nổi sẽ tái diễn cuộc đua tăng lãi suất huy động. Ý kiến ông ra sao?

- Tôi nghĩ là không thể. Bởi lúc này, quá trình sắp xếp, tái cấu trúc đã làm trong sạch hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng yếu kém đã bị loại bỏ, thanh khoản cũng ổn định thì không có ngân hàng nào dại gì đi huy động lãi suất cao cũng chẳng để làm gì.

Bởi chỉ tiêu tín dụng đã được phân rõ ràng, lãi vay cao doanh nghiệp không thể hấp thụ được nên phải giảm xuống. Khi đó, ngân hàng nào còn huy động cao chỉ đồng nghĩa với việc tìm đường chết.

Vấn đề quan tâm lúc này là Ngân hàng Nhà nước nên quy định chênh lệch giữa giá huy động và cho vay ở mức nào cho phù hợp nhất.

* Theo ông, nếu giải quyết được vấn đề trần lãi suất thì doanh nghiệp sẽ thật sự tiếp cận được vốn với lãi suất thấp?

- Tôi nghĩ rằng một cơ chế lãi suất huy động được điều chỉnh theo luật cung cầu và loại bỏ những yếu tố cạnh tranh không lành mạnh sẽ dẫn đến cơ chế lãi suất cho vay hợp lý cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo tôi việc doanh nghiệp tiếp cận được vốn thấp hay không không quan trọng bằng khả năng hấp thụ vốn của họ. Bởi lẽ, yếu tố lãi suất chỉ là một khía cạnh nhỏ, quan trọng là hiệu quả sử dụng đồng vốn đó như thế nào.

Bản thân doanh nghiệp cũng không nên dựa quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng, mà phải tự mình chủ động bằng các nguồn vốn khác nhau, chẳng hạn phát hành trái phiếu doanh nghiệp...

* Hiện tại, nếu vẫn tiếp tục duy trì trần huy động thì Ngân hàng Nhà nước nên làm gì để tránh tình trạng lách trần, thưa ông?

- Việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hệ thống ngân hàng vẫn là điều quan trọng nhất để giữ ổn định thị trường.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước nên triệu tập lãnh đạo các ngân hàng thương mại lại và bắt cam kết thực hiện nghiêm, nếu vi phạm sẽ xử lý mạnh tay như cách chức, hạ bậc...

Động thái này cũng nhằm để rèn cho các ngân hàng tính tuân thủ kỷ cương cao hơn trước khi cho họ được tự do điều tiết lãi suất theo thị trường.

* Xin cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Tháng 6 mới có thể bỏ trần huy động"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO