Tăng trưởng tín dụng bền vững: Cần kích thích tiêu dùng

THANH HUYỀN thực hiện| 06/07/2017 03:34

Cần tập trung nhiều hơn vào kích thích tiêu dùng, bởi tiêu dùng là cấu phần quan trọng trong GDP.

Tăng trưởng tín dụng bền vững: Cần kích thích tiêu dùng

Nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng sẽ lên mức 18%, tuy vậy, theo TS. Cấn Văn Lực - giám đốc đào tạo của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam: "Đẩy tín dụng tăng nhanh rất khó bảo đảm chất lượng".  

Đọc E-paper

* Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bảo đảm tăng tín dụng theo kế hoạch, khoảng 18%. Ông nhận định thế nào về điều này?

- Vốn tín dụng trong hệ thống ngân hàng chỉ là một trong 4 nguồn vốn quan trọng của nền kinh tế. Trong đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội lại chỉ là một trong 3 trụ cột để giúp cho tăng trưởng kinh tế, bên cạnh yếu tố thứ 2 là lao động và thứ 3 là năng suất tổng hợp (TFP). Việt Nam muốn có tăng trưởng kinh tế tốt, phải tập trung vào cả 3 yếu tố đó, chứ không chỉ riêng vốn.

Đẩy tín dụng tăng nhanh rất khó bảo đảm chất lượng tín dụng. Đặc biệt, nợ xấu đang là vấn đề rất lớn, phải hết sức cân nhắc đạt GDP 6,7% bằng mọi giá, từ việc phải đẩy tín dụng tăng lên, phải khai thác tài nguyên, phải đầu tư công tăng lên. Các giải pháp này sẽ dẫn đến hệ lụy lâu dài cho nền kinh tế và làm tăng nợ công.

Tôi đồng ý việc sử dụng cùng lúc nhiều biện pháp để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm nay, thậm chí có thể tăng đầu tư công, nhưng cạnh đó phải tăng tiêu dùng và kiểm soát được thương mại để hạn chế nhập siêu.

* GDP thời gian qua vẫn tăng nhưng tăng trưởng tín dụng chững lại. Theo ông, vì sao?

- Hiện nay vốn tín dụng chiếm khoảng 58% lượng vốn đầu tư toàn xã hội. Khi tăng trưởng tín dụng cao, phải đảm bảo được hiệu quả của cả 58% vốn đó và cả phần vốn đầu tư còn lại.

Năm 2016 tăng trưởng tín dụng 18,25% và GDP là 6,21%. Theo nghiên cứu của chúng tôi, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tín dụng là có nhưng không rõ nét.

Tại 52 nước, trong đó có Việt Nam, tín dụng tăng trưởng 10% nhưng kinh tế chỉ tăng thêm 0,5%. Tín dụng của Việt Nam tăng trưởng nóng đã có nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng tín dụng và lạm phát.

* Liên quan đến tín dụng, Chính phủ vừa giao Ngân hàng Nhà nước tăng kích cầu tiêu dùng và nhà ở. Ông đánh giá thế nào về chỉ đạo này?

- Tôi nghĩ điều đó là phù hợp, bởi ở nước ta, tín dụng tiêu dùng vẫn còn nhiều tiềm năng. Tín dụng tiêu dùng cũng làm tăng tín dụng thật của lĩnh vực tiêu dùng, không phải vào lĩnh vực nhiều rủi ro như cho vay chứng khoán hay bất động sản.

Hiện nay, lượng tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 8% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng, tương đương khoảng 9% GDP của nền kinh tế. Đây là mức khiêm tốn so với thị trường hơn 90 triệu dân và so với khu vực. Ở Trung Quốc và một số nước khác, hiện nay tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 16 - 20% tổng dư nợ.

* Nhưng kích thích tín dụng tiêu dùng nhiều khả năng làm tăng nợ xấu?

- Cho vay tiêu dùng không hẳn là dễ vì hệ thống ngân hàng phải kiểm soát rất chặt chẽ. Với công ty tài chính, điều kiện cho vay sẽ dễ hơn và rủi ro cao hơn nên lãi suất cũng cao hơn nhiều.

Tuy nhiên, ngân hàng có hệ thống chấm điểm tín dụng đối với khách hàng, kiểm soát thông tin và mục tiêu sử dụng của khách hàng tốt hơn thì hoàn toàn có thể kiểm soát được rủi ro, trong đó có cả những rủi ro liên quan đến thẻ tín dụng.

>>Lực hấp dẫn từ tín dụng tiêu dùng

* Tăng trưởng tín dụng bền vững cần những yếu tố nào, thưa ông ?

- Chất lượng phải quan trọng hơn số lượng. Theo tôi, tăng trưởng tín dụng ở mức 15 - 17% là phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay. Các nhà điều hành phải đảm bảo tín dụng là kênh vốn quan trọng nhưng không tăng trưởng quá nóng, cũng như phải kiểm soát chặt chất lượng tín dụng, đặc biệt là giải quyết vấn đề nợ xấu.

Thêm nữa, cần tập trung nhiều hơn vào kích thích tiêu dùng, bởi tiêu dùng là cấu phần quan trọng trong GDP. Năm ngoái, tiêu dùng chiếm khoảng 75% GDP, tương đương khoảng 3,7 triệu tỷ đồng. Nếu năm nay quyết định tăng tiêu dùng, kích thích để tăng thêm khoảng 1%, rõ ràng đã có một nguồn lực lớn để tăng trưởng kinh tế tương đương với khoảng 38 nghìn tỷ đồng.

* Ông nhận xét thế nào về cách điều hành chính sách tiền tệ hiện nay?

- Năm qua chính sách tiền tệ đạt một số kết quả, nhưng mong muốn nhiều hơn là phải bớt đi những giải pháp hành chính, chẳng hạn chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng. Những biện pháp khác tháo gỡ rào cản cần phải đảm bảo vừa tăng trưởng tín dụng, vừa tạo động lực hỗ trợ những cấu phần khác tăng trưởng theo.

* Giải pháp hành chính mà ông nói có bao gồm cả việc đặt chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng?

- Đặt chỉ tiêu tín dụng chính là biện pháp hành chính, dù nó tạo ra định hướng để cho các ngân hàng lập kế hoạch kinh doanh, tập trung vào đó để tăng trưởng vốn, tín dụng cho nền kinh tế.

* Cám ơn ông!

>>Nghịch lý tín dụng: Kẻ ăn không hết, người lần không ra!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng trưởng tín dụng bền vững: Cần kích thích tiêu dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO