Tăng kiểm soát ngoại tệ: Cần, nhưng đã đủ?

MINH HẰNG| 02/04/2012 05:04

Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định giảm trạng thái ngoại hối của các tổ chức tín dụng từ cộng trừ 30% xuống còn 20%. Dù đến đầu tháng 5 quyết định này mới có hiệu lực, nhưng thông tin ấy đã khiến giá USD tăng khá mạnh sau một thời gian dài tương đối ổn định.

Tăng kiểm soát ngoại tệ: Cần, nhưng đã đủ?

Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định giảm trạng thái ngoại hối của các tổ chức tín dụng từ cộng trừ 30% xuống còn 20%. Dù đến đầu tháng 5 quyết định này mới có hiệu lực, nhưng thông tin ấy đã khiến giá USD tăng khá mạnh sau một thời gian dài tương đối ổn định.

Sự tăng giá này được lý giải là phản ứng mang tính tâm lý của thị trường, để “đón đầu” với một sự chặt chẽ hơn đối với chính sách ngoại tệ trong thời gian tới.

Nhiều người cho rằng đây là một bước đi cần thiết của các nhà điều hành trong nỗ lực chống lại hiện tượng đôla hóa nền kinh tế, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước sử dụng tiền đồng trong hoạt động giao dịch và tín dụng.

Với trạng thái ngoại hối cộng trừ 30%, các ngân hàng thường để mức trừ đến tối đa 30% để tận dụng tối đa lãi suất chênh lệch giữa tiền đồng và USD.

Theo một báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay tiền đồng phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu là 14,5-16%/năm, cho vay sản xuất - kinh doanh khác 16,5-20%/năm, cho vay lĩnh vực phi sản xuất là 20-25%/năm, trong khi lãi suất cho vay USD ngắn hạn phổ biến ở mức 6-7,5%/năm, trung và dài hạn 7,5-9%/năm.

Chênh lệch lãi suất giữa vay tiền đồng và ngoại tệ lớn như vậy nên các doanh nghiệp được phép vay ngoại tệ muốn vay USD hơn là tiền đồng. Điều này có thể gây nguy hiểm một khi đến kỳ hạn trả nợ của các doanh nghiệp, bởi sẽ tạo áp lực lên tỷ giá.

Thêm vào đó, tình trạng nhập siêu của nước ta vẫn đang nhức nhối, áp lực đối với tỷ giá lúc nào cũng tiềm ẩn. Nếu để các yếu tố này cộng hưởng, sẽ có biến động tỷ giá trong một thời gian ngắn và tác động xấu đến nền kinh tế.

Bên cạnh việc ngăn ngừa nguy cơ trên, quyết định này còn giúp tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia.

Bởi khi tỷ giá đang bình ổn và trạng thái ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại được cho là dồi dào như hiện nay thì việc phải bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng nói riêng và cả nền kinh tế nói chung, chưa kể còn giúp tăng thanh khoản cho tiền đồng.

Thời điểm hiện nay được đánh giá là khá phù hợp để các nhà điều hành giảm biên độ trạng thái ngoại hối. Đây là một trong số những quyết định được lên kế hoạch từ trước, nhằm tiến tới chấm dứt tình trạng đôla hóa ở Việt Nam.

Song song đó là tăng dự trữ bắt buộc tiền gửi ngoại tệ, áp dụng trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ, bắt buộc kết hối ngoại tệ 100% đối với doanh nghiệp nhà nước, hạn chế cho vay ngoại tệ với một danh mục các ngành hàng được phép và không được phép vay ngoại tệ…

Tuy nhiên, các biện pháp mang tính hành chính, dù rất hợp lý và đúng thời điểm chăng nữa, vẫn khó giải quyết tận gốc vấn đề nếu kèm theo đó chúng ta không khắc phục được những tồn tại của nền kinh tế.

Chẳng hạn để giảm lệ thuộc vào đồng USD, vấn đề là phải giải quyết dứt điểm bài toán giảm nhập siêu, tiếp tục tăng dự trữ ngoại tệ, giảm dần chênh lệch về lãi suất cho vay giữa ngoại tệ và tiền đồng, không để mức chênh lệch quá cao như hiện nay.

Một điều nữa mang tính quyết định là niềm tin của người dân vào kinh tế vĩ mô nói chung, vào tiền đồng nói riêng. Chỉ khi nào người dân cảm nhận được một chính sách tiền tệ có tính dự báo trước và minh bạch, song song đó là sự ổn định của kinh tế vĩ mô, thì niềm tin của họ vào tiền đồng mới lâu bền và giá trị của đồng tiền Việt Nam mới được nâng lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng kiểm soát ngoại tệ: Cần, nhưng đã đủ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO