Tái cơ cấu ngân hàng: Nhìn từ cổ đông

LÂM ANH| 23/12/2015 03:48

Không chỉ tái cơ cấu về nhân sự, nợ xấu, Eximbank còn tái cơ cấu... cổ đông, nên cổ tức tiếp tục bị trì hoãn.

Tái cơ cấu ngân hàng: Nhìn từ cổ đông

Không chỉ tái cơ cấu về nhân sự, nợ xấu, Eximbank còn tái cơ cấu... cổ đông, nên cổ tức tiếp tục bị trì hoãn. 

Đọc E-paper

Từ đầu năm 2015, cổ phiếu EIB bắt đầu "dậy sóng", số lượng giao dịch luôn có lượng dư mua lớn, trở thành một trong những mã gây chú ý nhất trên thị trường. Tuy nhiên, vào giữa tháng 12, Eximbank bầu ra ban quản trị mới, tỷ lệ cổ đông thay đổi cũng là lúc cổ đông mất kỳ vọng vào cổ phiếu này.

Cụ thể, ông Cao Xuân Ninh được nhóm cổ đông (tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết 11,287%), trong đó có Vietcombank (8,235%) giới thiệu.

Ông Ngô Thanh Tùng do nhóm cổ đông với tỷ lệ 10,204% đề cử, trong đó có Công ty CP Địa ốc Phú Long, Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội, Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội, Công ty CP Đầu tư Á Châu, VOF Investment Limited...

Ông Nguyễn Quang Thông nắm giữ 152.714 cổ phần tính đến ngày 19/11/2015. Ông hiện là Phó chủ tịch HĐQT Eximbank, Eximland và Công ty Quản lý Quỹ chứng khoán Việt Long...

Ông Hoàng Tuấn Khải đang nắm 67.392 cổ phần tính đến ngày 19/11/2015, hiện là thành viên HĐQT, Phó chủ tịch Eximbank. Ông Khải cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản Tổng hợp 1.Hiện Tổng hợp 1 đang nắm 12,87 triệu cổ phần EIB.

Ông Naoki Nishizawa là đại diện phần vốn góp của cổ đông chiến lược nước ngoài Sumimoto Mitsui Banking Corporation tại Eximbank với tỷ lệ cổ phần 10,05%. Ông Yasuhiro Saitoh do nhóm cổ đông tổ chức đề cử với tỷ lệ cổ phần 10,05%...

Như vậy, trong danh sách nhân sự mới được Eximbank công bố không có tên ông Đặng Phước Dừa, ông Phạm Hữu Phú và hai cá nhân nguyên là lãnh đạo cấp cao của NamABank là ông Trần Ngô Phúc Vũ và ông Trần Ngọc Tâm.

Trong khi đó, ông Đặng Phước Dừa được nhóm cổ đông nắm tỷ lệ 10,325% đề cử; ông Trần Ngô Phúc Vũ do nhóm cổ đông nắm tỷ lệ 10,517% đề cử; ông Trần Ngọc Tâm do nhóm cổ đông nắm 11,722% đề cử.

Việc thay đổi tỷ lệ cổ đông của Eximbank lần này khớp với dự đoán trước đó của thị trường là biến động giao dịch cổ phiếu EIB xuất phát từ việc thay thế cơ cấu cổ đông tại EIB, thay vì nhận định cổ phiếu EIB có nhiều điểm hấp dẫn để đầu tư.

Mọi sự chờ đợi của cổ đông lúc này cũng trở nên hụt hẫng khi mà giá cổ phiếu liên tục rớt, còn ban lãnh đạo mới của Eximbank không có câu trả lời cụ thể về cổ tức.

Cụ thể, HĐQT của ngân hàng (NH) này quyết định không chia lợi nhuận mà tiếp tục tập trung nguồn lực tái cơ cấu. Thời gian tái cơ cấu của NH này dự kiến 3 năm, tức là kéo dài đến năm 2019.

Rõ ràng, với những cổ đông đang nắm giữ EIB chỉ có thể mong chờ cổ phiếu này đừng mất giá hơn nữa.

Trước sự bế tắc của EIB, khi được hỏi về việc có nên bán tháo cổ phiếu NH này, người phụ trách đầu tư của một công ty quản lý quỹ chia sẻ, quỹ "vẫn mua lai rai nếu có giá tốt".

Chia sẻ có phần úp mở này cũng phần nào chứng minh cổ phiếu NH vẫn là điểm đến của nhà đầu tư, song không phải cổ phiếu nào cũng được để ý.

Một ý nữa mà vị quản lý quỹ ấy nhắc đến là các NH được lựa chọn nhìn chung đã có cơ cấu cổ đông ổn định và việc cần làm là phát huy những lợi thế sẵn có, chứ không phải bây giờ mới bắt đầu tái cơ cấu.

Bởi, ai cũng thấy đây là thời gian mà ngành NH đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực, từ lợi nhuận đến nợ xấu rồi cả việc tái cơ cấu.

Về mặt dài hạn, đây cũng là thời điểm "đáy" của các NH vì nếu qua giai đoạn khó khăn, hoàn thành việc tái cơ cấu thì sự phát triển sau đó của các NH là có thể kỳ vọng.

Có một giả thiết cũng nên suy nghĩ, trong một số thương vụ thay đổi sở hữu, có trường hợp người đứng đằng sau mua cổ phần chưa được công bố rõ ràng.

Người ta đặt câu hỏi phải chăng bên mua muốn "làm nhiều hơn nói" tức là chỉ tập trung vào hoạt động, khi NH chưa phát triển mạnh thì chưa muốn lộ diện.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, phải chăng đây chỉ là một thương vụ đầu tư đơn thuần, tức là đã mua được cổ phần NH với giá rẻ, cũng có thể tham gia tái cấu trúc nhưng không nắm giữ cổ phần dài hạn, hoặc chỉ đơn thuần là đầu tư tài chính.

Mục tiêu cuối cùng của những cổ đông này là bán ra khi được giá. Sự thể thế nào, vẫn phải chờ xem trong năm 2016. Chính vì điều này, dòng tiền của các nhà đầu tư nếu vẫn muốn giữ hoặc đổ vào cổ phiếu NH sẽ là khoản đầu tư mang tính chất dài hạn.

>Tái cơ cấu ngân hàng: Cần nâng cao năng lực quản trị

>Tái cơ cấu ngân hàng: Khi con nợ và chủ nợ là một!

> Bài học từ tái cơ cấu ngân hàng Mỹ

>Ai phải trả giá cho tái cơ cấu ngân hàng?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tái cơ cấu ngân hàng: Nhìn từ cổ đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO