Tái cấu trúc ngành ngân hàng: Chiến lược hay giải pháp hành chính?

DŨNG PHẠM| 26/11/2015 02:31

Những chỉ tiêu liên quan đến hệ thống ngân hàng hiện tại cho thấy tái cơ cấu hệ thống này mới chỉ là những biện pháp trước mắt, vì những rủi ro tồn đọng vẫn chưa có nhiều thay đổi.

Tái cấu trúc ngành ngân hàng: Chiến lược hay giải pháp hành chính?

Những chỉ tiêu liên quan đến hệ thống ngân hàng (NH) hiện tại cho thấy tái cơ cấu hệ thống này mới chỉ là những biện pháp trước mắt, vì những rủi ro tồn đọng vẫn chưa có nhiều thay đổi. 

Đọc E-paper

Hệ thống NH ở Việt Nam từ 2006 đến nay có những bước tăng trưởng ồ ạt về số lượng cũng như giá trị tổng tài sản.

Tuy nhiên, khi áp dụng Nghị quyết 11 từ tháng 2/2011 nhằm kiềm chế lạm phát, cùng tình trạng nợ xấu và thiếu thanh khoản do tác động của thị trường bất động sản (BĐS) sụt giảm, hàng loạt những rủi ro tiềm ẩn của hệ thống NH xuất hiện.

Bởi tăng trưởng cung tiền đi kèm với tăng trưởng tín dụng của hệ thống hiện cho thấy nền kinh tế hoạt động chủ yếu dựa vào vốn nhà đầu tư rất cao, thiếu vốn tự có.

Nhiệm vụ của ngành đặt ra trong giai đoạn này là hoàn tất cải cách hệ thống NH trong giai đoạn 2011 - 2015. Tuy nhiên, giai đoạn đầu của quá trình này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn bất ổn.

Theo đó, khả năng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng còn hạn chế và lòng tin thị trường chưa thực sự tốt. Vì vậy, giai đoạn đầu tái cấu trúc chỉ tập trung vào xử lý các NH yếu kém trên tinh thần tự nguyện nhưng đặt dưới sự giám sát của NHNN.

Như vậy, chính sách tiền tệ mở rộng cùng tăng trưởng tín dụng trong thời gian dài đã làm tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại, phần nào cho thấy hiệu quả đầu tư kém. Thực tế cũng cho thấy luồng tiền đầu tư chảy vào BĐS khá nhiều đã gây nên bong bóng BĐS vẫn còn tồn tại.

Trong khi đó, hệ thống NH dù đã được rút gọn sau tái cấu trúc, nhưng số lượng vẫn còn nhiều. Chưa kể, các NHTM với đa số là nhỏ, các tổ chức phi tín dụng, các quỹ tín dụng... có dịch vụ tương tự như nhau.

Chẳng hạn, so với Hàn Quốc chỉ có khoảng 20 NH, Thái Lan có không quá 20 NH, Malaysia cũng có khoảng 10 NH..., số lượng NH tại Việt Nam còn quá nhiều so với quy mô và tốc độ phát triển của nền kinh tế, các sản phẩm dịch vụ vừa thiếu và vừa yếu, đặc biệt là các NH cổ phần nhỏ.

Do đó, để có thể cạnh tranh, thu hút được khách hàng và tồn tại được trong môi trường cạnh tranh gay gắt đã buộc các NH phải có "mánh khóe" kinh doanh, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thiếu minh bạch; đạo đức NH ngày càng giảm sút và sự quản trị rủi ro không còn được chú trọng.

Đó là hệ quả của việc phát triển theo số lượng, bỏ quên chất lượng của hệ thống NH Việt Nam trong nhiều năm qua.

Thống đốc NHNN đã kiểm soát chặt tình trạng sở hữu chéo của NH và "điều chỉnh" cho an toàn, lành mạnh hơn, nhưng kết quả đạt được chưa cao, bởi tình trạng nhiều NH đang là cổ đông lớn của một số NH khác. Sự đầu tư vòng quanh và tràn lan đã gây rủi ro cho hoạt động NH suốt thời gian qua.

Đầu tư chéo đem lại nhiều lợi ích cho các NH nhỏ do đạt mục tiêu tăng vốn cũng như được hưởng lợi về kinh nghiệm, thị trường và nghiệp vụ kinh doanh từ các NH lớn. Đây cũng là cách để các NH lớn mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Với hình thức này, các NH có thể biến tướng thành nhiều hình thức khác nhau, nên khi NHNN siết hình thức đầu tư chéo, cũng có nghĩa các ông chủ của NH sẽ biến loại hình này sang một mô hình khác theo kiểu tổng vốn thực có của các NH sẽ thấp hơn nhiều so với con số báo cáo, khi đó nguồn vốn đầu tư vào các NH trở nên kém thực chất, làm giảm sức mạnh của toàn hệ thống, gây bất lợi trong cuộc cạnh tranh với các NH quốc tế đã và đang vào Việt Nam.

Kinh doanh thiếu kiểm soát, sự nhập nhằng trong việc cho vay, trong thẩm định đối tượng vay và cung ứng nguồn vốn vay khi NH này đẩy khách hàng không đạt chuẩn cho NH khác vì đang nắm giữ cổ phần chi phối đã góp phần đẩy tỷ lệ nợ xấu NH tăng nhanh, và con số thực tế còn rất cao.

Trong thời gian tới, nhiều NH vẫn lên kế hoạch tăng vốn. Do đó, nếu hiện tượng đầu tư chồng chéo không được hạn chế thì rủi ro sẽ không chỉ dừng ở vấn đề thanh khoản hay nợ xấu, mà còn là nguy cơ đổ vỡ dây chuyền khi nguồn vốn thực có của các NH không đủ sức để chống đỡ.

Rõ ràng, cải tổ NH đến lúc này mới chỉ là biện pháp "hành chính". Và trong vài năm qua, các nhà điều hành kinh tế vẫn "ưa thích" các công cụ hành chính ngắn hạn hơn là các công cụ điều tiết bền vững của cơ chế thị trường. Hiệu lực thì tạm thấy nhưng cái giá của những biện pháp đó vẫn đang từng ngày khiến cho sự cạnh tranh của nhiều NH sút giảm...

>Tái cấu trúc ngân hàng: Kinh tế tư nhân vào cuộc

>Tái cấu trúc ngân hàng tạo nên "quỹ tín dụng đen"?

> Tái cấu trúc các tổ chức tín dụng: Yếu tố nước ngoài

>Không nên quá câu nệ vào cụm từ "tái cấu trúc"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tái cấu trúc ngành ngân hàng: Chiến lược hay giải pháp hành chính?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO