Tái cấu trúc ngân hàng: Thêm nhiều giải pháp kiểm soát

DŨNG PHẠM| 04/12/2015 02:48

Tái cấu trúc ngành ngân hàng dù có nhiều nỗ lực nhưng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng...

Tái cấu trúc ngân hàng: Thêm nhiều giải pháp kiểm soát

Tái cấu trúc ngành ngân hàng (NH) dù có nhiều nỗ lực nhưng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. 

Đọc E-paper

Tái cơ cấu hoạt động NH không phải là phép cộng trừ cơ học để rồi có những NH có tổng tài sản lớn, vốn lớn và mạng lưới rộng khắp.

Tái cơ cấu NH phải là một cuộc cách mạng trong hệ thống tài chính - NH nói chung, giúp bộ máy các NH hoạt động chuyên nghiệp và minh bạch.

Trong đó, vấn đề nợ xấu cần phải có cách giải quyết triệt để hơn nữa. Lúc này, giải pháp để các ngân hàng thương mại (NHTM) là phân tích và xử lý các khoản nợ xấu bằng nguồn dự phòng rủi ro (DPRR). Sau khi sử dụng hết nguồn DPRR thì các chủ NH phải bù đắp bằng chính nguồn vốn chủ sở hữu.

Cuối cùng là định giá lại tài sản NH theo giá trị thị trường, trước khi quyết định sáp nhập.

Những yếu tố này một lần nữa được nhắc lại vì nợ xấu dù được báo cáo là "đã giảm rất nhiều", song thực tế vẫn rất lớn và ẩn dưới dạng: cho vay góp vốn, gán nợ, trái phiếu và sản xuất, kinh doanh.

Để phân tích nợ xấu và đặc biệt là các khoản nợ cho vay bất động sản sẽ phải xem xét rõ ràng các tài sản nội bảng. Trong đó, có các khoản gán nợ, cấn trừ nợ, các khoản ủy thác vay và cho vay của các NH liên quan, trái phiếu công ty, các khoản nợ đến hạn nhưng không chuyển nhóm kịp thời theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Đối với tài sản ngoại bảng, có lẽ Ngân hàng Nhà nước cũng phải thấy các con số chi tiết để nắm rõ và phân tích dự thu, dự chi tại các NHTM có đúng và đủ?

Phân tích trạng thái ngoại hối chung và riêng cho từng loại ngoại tệ và vàng, các cam kết L/C, các giao dịch phái sinh và ngoại bảng thể hiện đầy đủ?...

Những điều này được nêu lại vì có đánh giá rằng, trong thời gian qua, sự kiện sáp nhập NH đã không xem xét các yếu tố trên và một số NH tiếp tục tái cấu trúc một cách sơ sài.

Vị thế của nhóm cổ đông lợi ích đã lớn đến mức không chỉ có khả năng chi phối trong một vài NH cổ phần nhỏ mà còn có thể chi phối ở những NH quy mô lớn.

Nếu bỏ qua khiếm khuyết này, vẫn phải thừa nhận rằng các giải pháp được Ngân hàng Nhà nước thực hiện về cơ bản là rất quan trọng, như "hạn chế sự chi phối, thao túng của cổ đông lớn, kiên quyết xử lý đối với các cổ đông lớn, người có liên quan vi phạm quy định về giới hạn sở hữu cổ phần tại NHTM cổ phần và các tổ chức tín dụng sở hữu vốn chéo lẫn nhau".

Tuy nhiên, tại sao giải pháp này chỉ có thể dừng lại ở mức "hạn chế”, mà không phải là "loại bỏ” triệt để?

Thật khó để có thể thuyết phục rằng, một mặt cần hạn chế sự chi phối của cổ đông lớn trong hệ thống NH cổ phần, nhưng mặt khác vẫn duy trì sự chi phối của khối NHTM nhà nước trong hệ thống các tổ chức tín dụng.

Chính vì vậy, tiến trình tái cấu trúc hệ thống NH như đề án đã nêu sẽ không có kết quả triệt để nếu bài toán phân chia lợi ích giữa Nhà nước với thị trường và giữa các nhóm lợi ích chưa được giải đúng.

Trên cơ sở QĐ 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 và Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cần thêm nhiều giải pháp kiểm soát hơn. Chẳng hạn, kiểm toán các NH trong cùng một thời điểm và lên cân đối toàn ngành để biết thực trạng các NH.

Thực hiện cấn trừ nợ liên NH (thị trường 2), qua đó sẽ biết thực chất các NH còn nợ nhau bao nhiêu; làm trung gian mua bán nợ của các NH và với Công ty Mua bán nợ của Bộ Tài chính. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ làm đầu mối xử lý hoặc gỡ rối các vướng mắc liên quan.

>Tái cấu trúc ngành ngân hàng: Chiến lược hay giải pháp hành chính?

>Tái cấu trúc ngân hàng: Kinh tế tư nhân vào cuộc

> Tái cấu trúc ngân hàng tạo nên "quỹ tín dụng đen"?

>Tái cấu trúc các tổ chức tín dụng: Yếu tố nước ngoài

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tái cấu trúc ngân hàng: Thêm nhiều giải pháp kiểm soát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO