Tái cấu trúc các tổ chức tín dụng: Yếu tố nước ngoài

TRẦN LINH| 25/09/2013 08:07

Hàng loạt ngân hàng (NH) Việt Nam đang là đích ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài trong nỗ lực tái cấu trúc các tổ chức tín dụng.

Tái cấu trúc các tổ chức tín dụng: Yếu tố nước ngoài

Hàng loạt ngân hàng (NH) Việt Nam đang là đích ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài trong nỗ lực tái cấu trúc các tổ chức tín dụng.

Đọc E-paper

Cơ hội cho nhà đầu tư ngoại

Thời gian qua, các NH chủ yếu tìm đối tác nước ngoài để nâng cao năng lực tài chính và cạnh tranh. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có khó khăn, việc đẩy mạnh đề án tái cấu trúc hệ thống NH đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện. Ngoài phương án tự nguyện, NHNN sẵn sàng sử dụng các biện pháp cứng rắn để xử lý các NH yếu kém.

Đây cũng chính là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào lĩnh vực tài chính của Việt Nam. Mặt khác, Nghị định 69 hiện đang chi phối quyền sở hữu nước ngoài tại các NH Việt Nam cũng mở ra hướng thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.

Các nhà đầu tư nước ngoài và các chi nhánh có thể nắm hơn 30% cổ phần của các NH Việt Nam trong các trường hợp đặc biệt để tái cấu trúc các tổ chức tín dụng yếu. Đồng thời, các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có thể được phép sở hữu lên đến 20% cổ phần một ngân hàng mà không cần phê duyệt từ Thủ tướng Chính Phủ.

Mới đây, NH lớn nhất Singapore United Oversea Bank (UOB) cho biết, có thể sẽ mua cổ phần của GPBank - một trong bốn NH phải tái cấu trúc theo yêu cầu của Chính phủ và NHNN.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy, GPBank đang trình một số phương án tái cơ cấu lên NHNN, trong đó có phương án chọn đối tác nước ngoài là UOB. UOB cũng là đối tác chiến lược nước ngoài của SouthernBank và đang có 20% cổ phần tại đây.

Thông tin này của GPBank đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, bởi lẽ rất có thể nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua được lượng lớn cổ phần của GPBank nếu như nghị định mới thay thế Nghị định 69 được Chính phủ ban hành. Nhiều khả năng GPBank sẽ bán một lượng vốn rất lớn cho đối tác nước ngoài.

Trong số 9 NH phải tái cơ cấu bắt buộc, đến nay đã hoàn tất được 8, bao gồm 3 trường hợp hợp nhất (SCB - Tín Nghĩa - Đệ Nhất; PVFC - WesternBank; SHB - Habubank); 2 trường hợp bán cổ phần cho đối tác trong nước là TienPhongBank và TrustBank (trong đó TrustBank đổi tên gọi); một trường hợp khác đang tự tái cơ cấu cũng bằng nguồn lực trong nước nhưng chưa nêu rõ đối tác cụ thể đó chính là Navibank.

Gọi vốn từ Nhật Bản

Trong số các NH Việt Nam đã bán cổ phần cho đối tác chiến lược ngoại, tính đến thời điểm này thì có hơn phân nửa đã hợp tác với nhà đầu tư Nhật Bản, trong đó có Eximbank, Vietcombank, VietinBank...

Chủ tịch HĐQT Sacombank ông Phạm Hữu Phú cho biết, sở dĩ các NH có xu hướng chọn đối tác Nhật Bản làm cổ đông chiến lược là do nét tương đồng giữa văn hóa Nhật Bản và Việt Nam. Nhưng điều quan trọng hơn đó là các NH Nhật cũng thiên về chiến lược bán lẻ, phù hợp với chiến lược mà NH Việt Nam đang đặt ra.

Theo ông Phú, Sacombank đang xúc tiến lựa chọn các đối tác nước ngoài phù hợp để tăng vốn giai đoạn 2, dự kiến hoàn tất trong quý IV. HĐQT Sacombank đã xác nhận về mặt chủ trương bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại với đại hội đồng cổ đông tại kỳ đại hội thường niên diễn ra vào ngày 25/4 vừa qua.

Tỷ lệ cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài lần này tối đa lên đến 20% vốn điều lệ. Tuy chưa tiết lộ thông tin về đối tác chiến lược nước ngoài, song người đứng đầu Sacombank cho hay "đối tác chiến lược nước ngoài của NH sẽ là một định chế tài chính lớn mạnh".

Khả năng khó loại trừ đó là một tập đoàn tài chính đến từ Nhật Bản. Vì trước đó không lâu, Sacombank cho biết, đã tiếp xúc với 7 nhà đầu tư nước ngoài để tìm hiểu, đàm phán chọn đối tác ngoại, trong đó có nhà đầu tư đến từ Nhật Bản rất nặng ký.

Tại kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay diễn ra cuối tháng 4/2013, HĐQT HDBank cũng đã trình cổ đông thông qua kế hoạch gọi vốn từ cổ đông chiến lược nước ngoài bên cạnh sáp nhập DaiA Bank và mua lại 100% vốn của một công ty trong lĩnh vực tiêu dùng.

Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank, cho biết, NH đã thuê công ty tư vấn để triển khai việc tìm đối tác chiến lược nước ngoài. Đồng thời, HDBank đã tiếp xúc và làm việc với các đối tác đến từ Nhật Bản và Anh.

HDBank đang trong giai đoạn đàm phán và các đối tác đều thể hiện sự quan tâm, thiện chí về khả năng hợp tác này. Tuy nhiên, theo một nguồn tín cho hay, khả năng đối tác chiến lược nước ngoài của HDBank cũng là một tập đoàn tài chính mạnh của Nhật Bản.

Còn theo đánh giá của ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, hiện các định chế tài chính lớn trên thế giới đang quan tâm đến việc tìm kiếm các NH Việt Nam có chiến lược phát triển và tăng trưởng tốt trong tương lai để tiến đến việc hợp tác. Trong đó, đáng chú ý là các nhà đầu tư Nhật Bản đang quan tâm nhiều đến NH trong nước.

Các định chế tài chính nước ngoài thường lựa chọn đối tác là các NH Việt Nam dựa trên các yếu tố như: NH có đủ lớn để họ tham gia, NH đó có chiến lược phát triển để có thể trở thành một NH hàng đầu hay không cũng như NH đó có quan tâm đến chiến lược phát triển dịch vụ NH bán lẻ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tái cấu trúc các tổ chức tín dụng: Yếu tố nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO