Tại anh, tại ả...

QUỲNH VŨ| 17/03/2011 09:15

Mỗi khi có một biến động bất lợi trong nền kinh tế, chẳng hạn như sốt đất, thị trường chứng khoán giảm, giá USD, vàng tăng, thậm chí cả khi lạm phát xuất hiện, người ta thường đổ lỗi đó là do “tâm lý của người dân”, làm như cứ ổn định “tâm lý của người dân” thì mọi chuyện sẽ được giải quyết ngay.

Tại anh, tại ả...

Mỗi khi có một biến động bất lợi trong nền kinh tế, chẳng hạn như sốt đất, thị trường chứng khoán giảm, giá USD, vàng tăng, thậm chí cả khi lạm phát xuất hiện, người ta thường đổ lỗi đó là do “tâm lý của người dân”, làm như cứ ổn định “tâm lý của người dân” thì mọi chuyện sẽ được giải quyết ngay.

Có lẽ bây giờ cụm từ “tâm lý của người dân” đang trở thành từ khóa để các nhà kinh tế sử dụng để giải thích mọi vấn đề của nền kinh tế.

Giá vàng lên xuống bất thường khiến thị trường căng thằng bất an - Ảnh: Quý Hòa

Thực ra, nói rằng những biến động trên thị trường đều xuất phát từ tâm lý của người dân cũng không hẳn là sai. Bởi lẽ, bây giờ người dân đang viện đủ lý do để “ăn theo” một cách vô lý sự tăng giá của một số mặt hàng do Nhà nước ban hành.

Nói vô lý là vì khi được hỏi rau muống không nhập khẩu, liên quan gì đến USD mà tăng giá thì người bán hàng trả lời ngay: “Thế cô không biết phân bón, thuốc trừ sâu dùng để trồng rau đều phải nhập khẩu à?”.

Bỏ qua chuyện vàng, USD tăng giá, đến chuyện tăng giá xăng, giá điện là cái cớ để những người kinh doanh nhỏ lẻ “nhảy” giá. Đơn giản như rửa một chiếc xe, lấy lý do xăng tăng, thậm chí thuế thu nhập cá nhân tăng, nhiều chủ tiệm không ngần ngại tăng giá lên 100% (từ 10.000 đồng lên 20.000 đồng/xe).

Tại nhiều khu chợ bán lẻ, các đồ khô, hải sản tươi sống cứ gọi là tăng giá theo.... người bán. Nhiều người nói vui rằng, giờ giá tăng theo cảm xúc, vui thì họ nói giá này, buồn thì họ nói giá khác, chẳng cần phải căn cứ vào giá điện, giá than gì cả.

Trên thực tế, chuyện “té nước theo mưa” của người dân là có thực, giá tăng mỗi ngày khiến CPI tăng lên gây ra lạm phát cũng là thực, nhưng nếu đem một “cục lạm phát" để đổ thừa cho người dân thì hẳn họ cảm thấy quá sức.

Rồi chuyện Bộ Công Thương nói rằng, tăng giá điện để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư lĩnh vực này, tăng tính cạnh tranh và phá bỏ thế độc quyền, nhưng trên thực tế không ít doanh nghiệp đang “dở khóc dở cười” với việc đầu tư vào ngành điện.

Không cần phải tìm tòi mất công, người ta cũng biết rằng, mấy ngày nay, dư luận đang xôn xao về nghịch lý trong ngành điện.

Chuyện là, trước những dự báo thiếu điện, một số doanh nghiệp ở Tây Nguyên đã đổ hàng chục tỷ để xây dựng nhà máy điện, khi những nhà máy đầu tiên phát điện thì người ta mới chợt nhận ra rằng, tất cả các dự án này chưa có đầu ra, thiếu đường dây đấu nối để bán điện lên mạng lưới quốc gia.

Vậy chuyện thiếu điện rồi tăng giá điện đã thực sự hợp lý chưa?

Có lẽ, tâm lý của người dân là một phần, nhưng đó chỉ là hệ quả của một quá trình thực hiện. Nếu cơ quan quản lý ban hành những chính sách sát sườn, không có lỗ hổng, thì khó ai có thể lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân và ảnh hưởng đến nền kinh tế chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tại anh, tại ả...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO