Sự mất giá của đồng yên: Lợi hay hại?

HỐ THỊ THANH HUYỀN| 29/04/2013 07:03

Thời gian qua, dưới tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ của Chính phủ Nhật, đồng yên Nhật đã giảm giá mạnh, xu hướng rơi tự do chính thức xác nhận từ giữa năm 2012 và cho đến thời điểm hiện tại, đồng yên đã giảm 24,7%. Theo các chuyên gia, sự mất giá của đồng tiền này tạo áp lực khá lớn đối với thị trường vốn trong nước, song chưa đến mức quá bi quan.

Sự mất giá của đồng yên: Lợi hay hại?

Thời gian qua, dưới tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ của Chính phủ Nhật, đồng yên Nhật đã giảm giá mạnh, xu hướng rơi tự do chính thức xác nhận từ giữa năm 2012 và cho đến thời điểm hiện tại, đồng yên đã giảm 24,7%. Theo các chuyên gia, sự mất giá của đồng tiền này tạo áp lực khá lớn đối với thị trường vốn trong nước, song chưa đến mức quá bi quan.

Đọc E-paper

Về mặt lý thuyết, khi đồng nội tệ mất giá sẽ khuyến khích thu hút dòng vốn chảy vào Nhật và hạn chế đầu tư ra nước ngoài. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước lo lắng vì trước nay nguồn vốn đầu tư từ Nhật là rất lớn.

Tuy nhiên, theo các dữ liệu thương mại từ trước đến nay của Nhật, nhiều chuyên gia nhìn nhận rủi ro đồng yên yếu làm giảm động lực đầu tư ra nước ngoài của các DN Nhật sẽ không cao, nguyên nhân do:

(1) trong nhiều năm, Nhật luôn là nước cung cấp vốn FDI dồi dào cho khu vực các nước Đông Nam Á;

(2) thực tế, chi phí sản xuất và nhân công rẻ hơn nhiều của các nước này so với Nhật là lợi thế để các DN Nhật tận dụng đầu tư vốn vào khu vực này;

(3) các công ty Nhật vẫn mong muốn đa dạng hóa đầu tư để tránh những rủi ro khó lường như thảm họa thiên nhiên (động đất, sóng thần) vẫn thường trực ở quốc gia này.

Điểm đáng lưu ý nữa là luồng vốn đầu từ của Nhật vào Việt Nam và Indonesia có xu thế tăng mạnh trong những năm gần đây, trong khi ở các nước khác như Thái Lan, Philippines, Malaysia sụt giảm mạnh, đặc biệt là trong năm 2012.

Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 12/2012, Nhật Bản có 1.800 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 29 tỷ USD, là nước đứng đầu trong số 96 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, riêng trong năm 2012, số vốn đầu tư của DN Nhật Bản chiếm tới gần 50% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Với dữ liệu đó, nhiều người vẫn duy trì niềm tin Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư từ Nhật nhờ lợi thế quy mô dân số trẻ và chi phí lao động thấp.

Một vấn đề lớn khác liên quan đến sự biến động của tỷ giá, đó là nợ và trả nợ tính bằng yên Nhật, chủ yếu là nguồn vốn ODA. So với các nước trong khu vực thì Việt Nam chỉ đứng thứ hai sau Indonesia nhận được vốn ODA lớn nhất từ Nhật. Quan trọng hơn là lượng vốn giải ngân có sự tăng trưởng khá trong những năm gần đây, trong khi các nước khác tập trung chủ yếu vào việc trả nợ.

Theo đó, chính sách "đồng yên yếu" và các giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản đã tác động không nhỏ đến thị trường toàn cầu nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng.

Nhưng điều đó không có nghĩa là các DN trong nước mất đi cơ hội cạnh tranh cũng như lo ngại quá nhiều về giá trị đồng tiền. Hiện nay, có rất nhiều DN đặt câu hỏi: "Hàng Nhật rẻ hơn có cạnh tranh với hàng hóa nội địa của Việt Nam hay không?".

Có thể, do hoạt động ngoại thương giữa hai quốc gia mang tính song phương nên khó có thể định lượng chính xác tác động của việc thay đổi tỷ giá hối đoái đối với cán cân thương mại. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, tính cạnh tranh của hàng hóa của Nhật đối với các nước Đông Nam Á (trừ Singapore) là không cao.

Xét ở một khía cạnh khác, do các quốc gia Đông Nam Á đa số có nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất được nhập khẩu từ Nhật, giá nhập khẩu rẻ hơn các DN sản xuất tại các nước này sẽ được hưởng lợi, từ đó tiết kiệm chi phí giá thành sản xuất.

Ngược lại, các nước này nhập khẩu chủ yếu máy móc, thiết bị điện, điện tử, ô tô, phương tiện và hàng hóa của Nhật. Trong đó, máy móc, thiết bị điện, điện tử là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất, do đó, nhiều khả năng các quốc gia này sẽ được hưởng lợi từ sự yếu đi của đồng yên, thay vì hàng hóa trong nước phải cạnh tranh với hàng giá rẻ hơn từ Nhật.

Ví dụ, đối với Malaysia, Nhật nhập khẩu chủ yếu mặt hàng năng lượng (dầu khí, chất đốt), do nhu cầu năng lượng ở nước này khá cao nên khả năng sẽ không tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu của nước này.

Trong khi đó, đối với Việt Nam, các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo sang Nhật gồm dầu thô, dệt may, linh kiện điện tử và phụ tùng. Vì vậy, chỉ có thể đánh giá tác động của việc giảm giá đồng yên sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của hàng dệt may trong khi mặt hàng dầu thô và linh kiện điện tử, phụ tùng sẽ không ảnh hưởng nhiều.

Vậy rõ ràng rủi ro đồng yên yếu làm giảm động lực đầu tư ra nước ngoài của các DN Nhật không cao; Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư từ Nhật nhờ lợi thế quy mô dân số trẻ và chi phí lao động thấp.

Có điều cần lưu ý là do đồng yên giảm giá nên những hợp đồng dài hạn đã ký trước đây sẽ nhận được lượng vốn giải ngân thấp hơn nếu như phía đối tác Nhật không điều chỉnh những dự án đã cam kết cho phù hợp với biến động của tỷ giá.

Cuối cùng, việc tỷ giá VND/yên Nhật giảm dự kiến sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi khi nợ gốc và lãi vay được trả, từ đó, hỗ trợ cho chính phủ trong vấn đề giảm thâm hụt ngân sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sự mất giá của đồng yên: Lợi hay hại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO