Sau cú "dội bom" của ETFs, VN-Index sẽ đi về đâu?

THÀNH LONG| 21/09/2016 01:08

Thị trường chung phiên cuối tuần qua chứng kiến một phiên bán ròng kinh hoàng của khối ngoại.

Sau cú

Thị trường chung phiên cuối tuần qua chứng kiến một phiên bán ròng kinh hoàng của khối ngoại. Đó là ngày mà 2 quỹ ETFs lớn nhất thị trường là FTSE Vietnam Index ETF do Deutsche Bank quản lý với quy mô hơn 340 triệu USD và Market Vectors Vietnam do Van Eck Global quản lý với quy mô hơn 350 triệu USD hoàn tất việc tái cơ cấu danh mục. 

Đọc E-paper

Trong ngày thứ Sáu (16/9), trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng 1.468,2 tỷ đồng, trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 55,2 tỷ đồng, tổng giá trị bán ròng toàn thị trường là 1.523,4 tỷ đồng, VN-Index đóng cửa tuần ở mốc 651,31 điểm, giảm 2,33%, trong khi HNX-Index đóng cửa tuần ở mốc 82,36 điểm, giảm 2,5%.

Áp lực bán từ khối ngoại

Thanh khoản bùng nổ với áp lực bán mạnh trên cả 2 sàn. Hầu như áp lực bán đè nặng lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (Large cap) và nhóm này ảnh hưởng chính đến sự giảm điểm của VN-Index. Trên sàn HOSE, HPG bị bán mạnh nhất với tổng giá trị là 436,8 tỷ đồng; tiếp theo là VNM với 287,9 tỷ đồng, VCB với 275,1 tỷ đồng, SSI với 137,8 tỷ đồng.

Ở chiều mua, HSG là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất tuần qua với 132,62 tỷ đồng. Xếp tiếp theo trong top mua ròng lần lượt là GAS (26,89 tỷ đồng), EVE (22,4 tỷ đồng), PAC (12,24 tỷ đồng), SVC (10,23 tỷ đồng). Trong đó, SVC là cổ phiếu có giao dịch ấn tượng nhất với mức tăng 8,84%, lên 48.000 đồng/cổ phiếu.

Trên sàn HNX, cổ phiếu bị bán mạnh là PVS với 66,2 tỷ đồng và VGP với 5,45 tỷ đồng... Trong khi đó, VCG là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất tuần ở sàn Hà Nội, với 102,86 tỷ đồng. Các cổ phiếu khác trong top mua ròng còn có BVS (9,03 tỷ đồng), NET (7,09 tỷ đồng), VND (2,89 tỷ đồng), CHP (1,75 tỷ đồng).

Có thể thấy, dòng tiền đang bị rút dần ra ở nhóm Large cap, tiêu biểu như các cổ phiếu VCB, VNM, BVH, HPG, MWG, CTG, CTD, PVD... đều quay đầu giảm điểm, trong đó VNM, BVH và VCB ảnh hưởng khá nhiều đến sự giảm điểm của chỉ số VN-Index.

Một số cổ phiếu nhóm vốn hóa trung bình (Mid cap) và nhỏ (Small Cap) thu hút dòng tiền như DAG, DHG, DRC, BMP, CTI, DNP..., điều này cho thấy dòng vốn đang dịch chuyển dần sang nhóm các cổ phiếu chưa tăng nhiều và cũng chưa bị điều chỉnh giảm mạnh để tìm cơ hội tăng giá.

Nhóm chứng khoán - ngân hàng vẫn tiếp diễn xu hướng giá giảm từ tháng 8 với các cổ phiếu đầu ngành như HCM, SSI, VCB, BID, SHB, STB, CTG... Nhóm cổ phiếu ngành thép đà tăng giá đã chững lại như HPG, HSG, VGS, NKG, TLH.

Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn biến động trong xu hướng đi ngang như VIC, NLG, TDH, HBC... Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn tiếp tục biến động trong thị trường giá giảm như PVS, PVC, PVB, PXS.

Thị trường sẽ đi về đâu?

Có thể thấy, sau khi tạo đỉnh ngắn hạn quanh 681,75 điểm, VN-Index đã hình thành xu hướng giá giảm với áp lực bán tiếp diễn, thanh khoản không có sự bứt phá, các ngưỡng hỗ trợ liên tục bị xuyên phá với lực phục hồi không đáng kể. Ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật cho VN-Index tiếp theo tại vùng 625 - 630 tại đường SMA (120) trung hạn.

Trong điều kiện thanh khoản không được cải thiện, việc bảo toàn vốn vẫn được ưu tiên hàng đầu, mặt khác P/E của VN-Index cũng đang ở mức khá cao với khả năng điều chỉnh giảm có thể xảy ra bất cứ lúc nào của nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh từ đầu năm. Chiến lược tập trung vào cổ phiếu hơn là tập trung vào "Index" có vẻ hiệu quả hơn.

Trong xu hướng giá giảm vẫn luôn ẩn chứa những cơ hội để chọn lọc, những cổ phiếu có triển vọng ngành khả quan, định giá thấp so với mặt bằng chung, kết quả hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng tốt và tỷ suất trả cổ tức cao và đều đặn vẫn luôn là chiến lược phòng hộ cho kế hoạch giao dịch trong thị trường giá xuống.

>Vì sao khối ngoại bán ròng?

>Báo cáo tài chính quý II/2016: Về đích sớm chưa hẳn hấp dẫn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sau cú "dội bom" của ETFs, VN-Index sẽ đi về đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO