Sáp nhập ngân hàng còn rất nhiều rủi ro

LINH CHI (Thực hiện)| 04/02/2015 09:06

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh, đánh giá hoạt động M&A còn rất nhiều rủi ro.

Sáp nhập ngân hàng còn rất nhiều rủi ro

Nguồn vốn thúc đẩy mua bán và sáp nhập (M&A) trong năm 2015 hoàn toàn dựa vào vốn ngân hàng (NH) và cá nhân. Về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh, đánh giá rằng, hoạt động M&A còn rất nhiều rủi ro.

* Đã có nhiều nhận định cho rằng dòng tiền không thông đã “bức tử” DN, nhưng vấn đề không chỉ đơn giản như vậy...

- Một mặt, nền kinh tế tự suy kiệt nguồn vốn nên lạm phát giảm, lãi suất cũng giảm theo. “Căn bệnh” của nền kinh tế diễn biến đến giờ phút này còn lại vấn đề: DN đình đốn, tăng trưởng kinh tế thấp và nợ xấu rất lớn. Nợ xấu lớn dẫn đến vấn đề lớn nhất của kinh tế Việt Nam hiện nay là đóng băng tín dụng và suy kiệt vốn.

Đóng băng tín dụng không phải do ngân hàng thương mại (NHTM) cố tình đóng băng, mà không ai muốn vay mượn. Mặt khác, DN nhỏ đói vốn nhưng không đạt chuẩn tín dụng, rủi ro cho họ vay rất lớn. Thực tế, “căn bệnh” này đã làm suy kiệt nhiều nền kinh tế, ngay cả với nền kinh tế lớn như Nhật Bản.

S. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh doanhnhansaigon
S. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh

* Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định năm 2015 sẽ kéo nợ xấu xuống còn 3%. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

- Thực tế, nợ xấu của NH đã giảm từ khoảng 15% xuống 3,8%, trong đó có việc NHNN áp dụng các biện pháp tái cấu trúc lại nợ, đặc biệt là Thông tư 780 cho phép giãn một số khoản nợ của DN. Tuy nhiên, Quyết định 780 sẽ hết hiệu lực vào năm nay và có thể sẽ áp dụng những chuẩn mực mới về tính toán nợ theo Thông tư 02 nên áp lực xử lý nợ xấu vẫn còn rất lớn. Tôi đánh giá đây là rủi ro kinh tế lớn nhất của Việt Nam.

Tiến độ xử lý nợ xấu nhanh hay chậm cũng sẽ quyết định khả năng phục hồi kinh tế nhanh hay chậm. Trước mắt, nếu cho phép NHTM sử dụng dự phòng rủi ro để xóa nợ, tái cơ cấu nợ, hạch toán ra ngoại bảng sẽ đẩy nhanh xử lý nợ xấu hoặc nếu tăng thêm tiềm lực tài chính để VAMC mua bán cũng dễ thu xếp hơn.

Cụ thể, ở các quốc gia khác, khi thành lập công ty mua bán nợ quốc gia để xử lý nợ xấu thì họ cung cấp đủ các quyền, thậm chí cho phép khắc phục các xung đột về mặt pháp lý trong thời hạn công ty mua bán nợ quốc gia có hiệu lực, sau đó xử lý xong nợ xấu lại trở lại như cũ.

* Theo ông, các NHTM nên làm gì lúc này?

- Có 2 vấn đề lớn mà các NHTM nên làm ngay là công khai toàn bộ chủ trương và áp dụng toàn bộ các chuẩn mực quốc tế kế toán về kiểm toán. Hiện nay, chỉ có ít NH thực hiện đúng điều này và bộ phận quản lý rủi ro của nhiều NH vẫn “ngồi chơi xơi nước”. Điều này đòi hỏi cấp bách về nhân lực chất lượng để tiếp cận được phương thức quản trị rủi ro mới. Công cuộc tái cơ cấu NH tại Việt Nam chỉ hoàn tất khi vừa xử lý nợ xấu vừa có nền tảng để... nợ xấu không quay lại. Đồng thời, cần sáp nhập các NH quá yếu kém để làm sạch thị trường.

* Như vậy, sắp tới M&A sẽ rất sôi động, thưa ông?

- Chưa hẳn. Tôi đánh giá rất cao Thông tư 36 do NHNN ban hành về các phương diện như quyết liệt xử lý sở hữu chéo, tăng cường cho vay trung dài hạn của NHTM cho DN, giảm rủi ro cho vay chứng khoán...

Thị trường chứng khoán hiện tại có tốc độ tăng trưởng trung bình khá nhưng vốn hóa còn rất thấp. Ngoài ra, NHNN tính toán cho vay chứng khoán khoảng 17.000 tỷ đồng, nhưng theo tôi, con số này cao hơn rất nhiều.

Nếu không tính toán cẩn trọng thì số tiền khổng lồ này với vòng quay rất lớn trên thị trường sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản. Khi thanh khoản yếu, các nhà đầu tư nước ngoài không đầu tư, nên cổ phần hóa, thoái vốn sẽ không có người mua. Tôi lo ngại về áp lực cho toàn bộ thị trường tài sản trong đó có bất động sản trong năm 2016.

* Cụ thể là gì, thưa ông?

- Đối với thị trường bất động sản, nếu giải quyết sớm nợ xấu sẽ làm tăng thanh khoản. Trên cơ sở thanh khoản tăng thì mua bán và giao dịch sẽ thuận lợi hơn. Rõ ràng, lần này không phải do vỡ mà do giảm, do thắt chặt tiền tệ. Theo đó, thị trường BĐS tưởng rằng đã đến thời điểm bắt đáy nhưng thực tế giá cả bất động sản còn rất cao...

*  Cảm ơn ông!  

>TTCK trước Thông tư 36: Sự tự tin đã trở lại 
>Sáp nhập ngân hàng: Những vấn đề cần bàn thêm
>Tái cơ cấu để giải quyết nợ xấu
>VAMC làm gì với nợ xấu đã mua?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sáp nhập ngân hàng còn rất nhiều rủi ro
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO