Rủi ro tỷ giá khi vay ngoại tệ

LÊ PHAN| 07/12/2016 01:32

Những diễn biến cho vay ngoại tệ là rất đáng chú ý trong thời gian qua.

Rủi ro tỷ giá khi vay ngoại tệ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố tăng trưởng tín dụng đến 22/11/2016 của toàn ngành ngân hàng là 14,03%, trong đó tăng trưởng tín dụng VND tiếp tục ở mức cao 15,28%, trong khi tăng trưởng tín dụng ngoại tệ chỉ còn 2,8% so với đầu năm. Những diễn biến cho vay ngoại tệ là rất đáng chú ý trong thời gian qua. 

Đọc E-paper

Tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đã sụt giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm nay, cụ thể tính đến 24/6/2016 đã giảm 4,64% so với đầu năm. Đây là hệ quả từ Thông tư 24/2015/TT-NHNN ban hành ngày 8/12/2015 khi quy định việc vay vốn bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu kết thúc vào ngày 31/3/2016, khiến các DN này có 2 tháng bị đứt quãng tiếp cận nguồn vốn vay ngoại tệ.

Mặc dù sau đó NHNN đã mở lại kênh vốn vay ngoại tệ từ 1/6/2016 cho đến hết năm 2016 qua Thông tư 07/2016/TT-NHNN, tuy nhiên thị trường ngoại hối thời điểm tháng 6 bị biến động mạnh từ sự kiện Brexit khiến nhiều DN cũng e ngại khi vay vốn ngoại tệ. Do đó, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đến cuối tháng 8 vẫn còn giảm 0,33% so với đầu năm.

Thiệt hại tỷ giá và những nỗi lo

Cho vay ngoại tệ chỉ diễn ra sôi động trong những ngày cuối tháng 9 vừa qua. Nếu đến 22/9, tín dụng ngoại tệ chỉ mới tăng trưởng dương trở lại 1,62% so với đầu năm, thì số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy đến 30/9 đã vọt lên 5,44%, tức chỉ trong 8 ngày tăng thêm 3,82%.

Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra gần đây trên thị trường ngoại hối, rõ ràng DN nào đã trót vay USD vào thời điểm cuối tháng 9 có thể đã chịu thiệt hại. Tỷ giá USD/VND tính đến ngày 1/12 là 22.127đ/USD, tăng 178 đồng, tương đương 0,81% so với thời điểm 30/9/2016. Cụ thể với khoản vay 1 triệu USD, tương đương khoảng 21,95 tỷ VND vào thời điểm 30/9 thì nay DN thiệt hại từ tỷ giá ước khoảng 178 triệu đồng.

>>Tỷ giá tăng là bình thường?

Với những diễn biến đồng USD trên thế giới thì áp lực lên thị trường ngoại hối trong nước sắp tới sẽ chưa dừng lại, nhất là khi tỷ giá USD/VND vừa qua chỉ mới tăng ở mức thấp so với mức độ phá giá của các ngoại tệ khác. Chỉ số USD Index mặc dù đã giảm trong những ngày gần đây nhưng vẫn đang dao động quanh mức trên 100, trong khi kỳ vọng FED tăng lãi suất vào cuộc họp giữa tháng 12 này vẫn đang hỗ trợ cho đồng bạc xanh.

Chính vì vậy, khả năng nhiều DN sẽ hoàn trả trước hạn các khoản vay nhằm hạn chế thiệt hại từ rủi ro tỷ giá cao hơn nữa. Và điều này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trong 2 tháng gần đây. Cụ thể, nếu như tín dụng ngoại tệ vào cuối tháng 9 tăng đến 5,44% như đã nói thì số liệu đến 22/11 cho thấy chỉ còn tăng 2,8% so với đầu năm.

Có khả năng tăng trưởng mạnh trong tháng 12

Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật đến ngày 28/11 cho thấy, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đã đạt 3,49%, tức chỉ trong vòng 6 ngày kể từ ngày 22/11 tín dụng ngoại tệ đã tăng thêm 0,69%. Cần lưu ý là Thông tư 31/2016/TT-NHNN được công bố ngày 17/11 theo đó gia hạn thời gian cho vay ngoại tệ đối với DN xuất khẩu thêm một năm, đến hết năm 2017.

Mặc dù Thông tư 31 ra đời được kỳ vọng sẽ giảm bớt cầu ngoại tệ, nhưng chỉ đối với các DN đang vay và cần nguồn ngoại tệ để trả nợ đúng hạn. Cũng với thời gian được kéo dài ra theo thông tư này có thể đã kích thích nhu cầu vay ngoại tệ của DN xuất khẩu tăng trở lại, trong khi các ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay ngoại tệ để đạt kế hoạch năm, nhất là khi biên độ cho vay ngoại tệ hiện cao hơn rất nhiều so với cho vay VND.

Hiện tại với lãi suất huy động USD là 0%, trong khi lãi suất cho vay từ 3 - 6%, thì biên độ lãi cho vay ngoại tệ là rất hấp dẫn. Đứng về phía DN thì lãi suất vay VND đang ở khoảng 7 - 9%, trong khi lãi suất vay USD từ 3 - 5%, như vậy chênh lệch lãi suất vay VND và USD lên đến 5%, do đó khi vay USD sẽ giúp tiết giảm chi phí tài chính rất nhiều.

Nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh cuối năm cũng có thể đẩy nhu cầu vay ngoại tệ lên cao hơn nũa. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, nhập khẩu tháng 11 ước đạt 16 tỷ USD, cao nhất kể từ đầu năm, dẫn đến nhập siêu trong tháng ước đạt 400 triệu USD, tiếp nối mức nhập siêu 445 triệu USD trong tháng 10 và 136 triệu USD trong tháng 9.

>>Forex 101: Điều cần biết về thị trường ngoại hối

Nhu cầu vay ngoại tệ cao trở lại có thể khiến cầu càng tăng và là một trong những nguyên nhân gây áp lực lên thị trường ngoại hối, bên cạnh nhu cầu đầu tư đồng USD với kỳ vọng đồng tiền này tiếp tục tăng trên thị trường thế giới. NHNN thời gian qua mặc dù tuyên bố có thể bán ngoại tệ ra để ổn định thị trường, nhưng đến lúc này vẫn chưa thấy có động tĩnh.

Dù vậy, trong bối cảnh đồng USD có khả năng tiếp tục tăng thì việc bán ngoại tệ ra từ kho dự trữ ngoại hối có thể làm hao tổn nguồn lực mà khó có thể ngăn chặn được đà tăng của đồng bạc xanh.

Tuy nhiên như đã phân tích, những thiệt hại về rủi ro tỷ giá có thể xảy ra, đặc biệt là rất cao trong bối cảnh hiện nay, nên các DN cần sử dụng các sản phẩm phái sinh ngoại tệ để phần nào hạn chế rủi ro. Hiện tại đã có khá nhiều ngân hàng cung cấp các sản phẩm mua bán ngoại tệ kỳ hạn cho DN.

Còn nếu như chưa thật sự có nhu cầu cấp thiết thì DN nên chờ qua ngày 15/12 để thấy xu hướng tỷ giá rõ ràng hơn rồi quyết định vay. Nhưng trong trường hợp cần phải vay ngay thời điểm này và vẫn không sử dụng các giải pháp phòng ngừa tỷ giá thì với mức chênh lệch lãi suất giữa USD và VND từ 4 - 5%, nếu tỷ giá USD/VND sắp tới điều chỉnh tăng dưới mức này DN vẫn có lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rủi ro tỷ giá khi vay ngoại tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO