Rủi ro chính trị và cái nhìn dài hạn về chứng khoán

13/05/2014 01:02

Sau cuộc họp báo của Chính phủ về hành động khiêu khích của Trung Quốc tại Hoàng Sa vào cuối ngày 7/5, thị trường chứng khoán đã có phiên điều chỉnh mạnh nhất kể từ năm 2001.

Rủi ro chính trị và cái nhìn dài hạn về chứng khoán

Các nhà đầu tư vốn quen với sự ổn định chính trị ở Việt Nam đã phản ứng một cách mạnh mẽ trước những xung đột gần đây trên biển Đông, khi Trung Quốc ngang nhiên triển khai giàn khoan HD-981 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Sau cuộc họp báo của Chính phủ về hành động khiêu khích của Trung Quốc tại Hoàng Sa vào cuối ngày 7/5, thị trường chứng khoán đã có phiên điều chỉnh mạnh nhất kể từ năm 2001. Chỉ số VN-Index đã giảm tới 5,9% hôm 8/5. Các cổ phiếu với yếu tố cơ bản tốt như Vinamilk (VNM) đã ghi nhận mức giảm lớn nhất trong một ngày khi rớt 6,7%. Dược Hậu Giang (DHG) cũng có mức giảm kỷ lục 6,5%.

Tuy nhiên, đi ngược với xu hướng tháo chạy của thị trường (chủ yếu là nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước), khối ngoại và khối tự doanh của các công ty vẫn tích cực giải ngân, vì đây là cơ hội để họ tái cơ cấu danh mục đầu tư và chọn cổ phiếu tốt với giá rẻ hơn.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, khối tự doanh đã mua vào hơn 10 triệu đơn vị cổ phiếu, với giá trị gấp hơn 23 lần so với phiên ngày 7.5. VinaCapital, công ty quản lý quỹ với danh mục hơn 1,5 tỉ USD, cũng đang tất bật mua vào, theo lời Giám đốc Điều hành Andy Hồ trong cuộc phỏng vấn mới đây với hãng tin Bloomberg.

Theo mô hình đánh giá rủi ro quốc gia (ICRG), có 5 nguyên nhân chủ yếu tạo nên rủi ro chính trị là sự ổn định chính phủ, các điều kiện kinh tế - xã hội, hồ sơ đầu tư, xung đột trong nội bộ quốc gia và xung đột với các nước khác.

Dữ liệu lịch sử của các thị trường chứng khoán trên thế giới cho thấy rủi ro chính trị liên quan đến ổn định chính phủ và các xung đột trong và ngoài nước là một nguyên nhân quan trọng khiến thị trường chứng khoán giảm điểm. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này thường chỉ xảy ra trong ngắn hạn.

Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài gần 3 năm tại Ai Cập là một ví dụ. Ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình chính trị từ đầu năm 2011, chỉ số EGX30 (đại diện cho 30 công ty có mức vốn hóa và thanh khoản cao nhất trị trường) đã giảm hơn 35% trong nửa cuối năm 2011. Tuy nhiên, từ mức đáy 3 năm cho đến thời điểm hiện tại, chỉ số này đã tăng 2,2 lần do môi trường chính trị tại Ai Cập đã ổn định trở lại.

Tại Đông Nam Á, căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến bãi cạn Scarborough đã nóng lên từ năm 2013. Khi Philippines đưa tranh chấp với Trung Quốc ra tòa án quốc tế từ tháng 5 cho đến cuối năm ngoái, chỉ số chứng khoán PASHR của nước này đã giảm 22%. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, chỉ số PASHR đã phục hồi mạnh khi tăng hơn 14%, theo Bloomberg. Nguyên do là các chỉ số kinh tế vĩ mô tốt hơn đã lấn át mối lo ngại về tranh chấp lãnh hải trên biển Đông.

Thị trường chứng khoán Việt Nam, vốn nhạy cảm với tin tức liên quan đến tình hình vĩ mô và ổn định chính trị, đang rất cần sự trấn an từ phía Chính phủ. Và nhà đầu tư cũng nên có cái nhìn dài hạn hơn vào bức tranh tổng thể và đặt niềm tin vào khả năng ổn định tranh chấp của Chính phủ qua các giải pháp hòa bình.

>Mỹ lên án Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông
>Nhật yêu cầu Trung Quốc giải thích hành vi ở biển Đông
>
Tuyên bố chung ASEAN kêu gọi không sử dụng vũ lực trên Biển Đông 
>Thủ tướng Malaysia: Giải pháp cho Biển Đông là luật pháp quốc tế

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rủi ro chính trị và cái nhìn dài hạn về chứng khoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO