Room... rình rập

HỒNG NGỌC| 25/10/2013 00:13

Có ít nhất hai lần thị trường nổi sóng nhờ kỳ vọng về tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài (room). Thị trường chứng khoán thường phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nên liệu các kỳ vọng đã được chuyển hóa toàn bộ vào giá cổ phiếu hay chưa?

Room... rình rập

Có ít nhất hai lần thị trường nổi sóng nhờ kỳ vọng về tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài (room). Thị trường chứng khoán thường phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nên liệu các kỳ vọng đã được chuyển hóa toàn bộ vào giá cổ phiếu hay chưa?

Đọc E_paper

FPT là cổ phiếu thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài và thường xuyên ở trạng thái hết room (tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đạt 49%).

Giả định FPT được mở room thì khả năng nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng sở hữu tại doanh nghiệp này là khá cao vì FPT có đầy đủ các yếu tố như: quy mô đầu ngành, hoạt động kinh doanh hiệu quả, giá trị vốn hoá lớn... Sáu tháng vừa qua, FPT đã tăng giá từ 36.000 đồng/cổ phiếu lên 46.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ 27%.

Nếu cho rằng FPT tăng giá vì kỳ vọng nếu nới room cổ phiếu này sẽ thu hút khối ngoại cũng đúng, nhưng vẫn còn đó một loạt yếu tố khác có thể tác động đến việc tăng giá như thị trường chung (cũng tăng), hoặc FPT có những thông tin tích cực liên quan đến kinh doanh, có tổng giám đốc mới...

Có quá nhiều yếu tố tác động đến biến động cổ phiếu cũng như thị trường nên rất khó để khẳng định kỳ vọng nới room đã phản ánh hết vào giá hay chưa. Cũng vì khó như vậy, nên việc tiếp cận thông tin cũng như cách thức suy nghĩ có khi mang tính... rình rập.

Nhiều người kỳ vọng cổ phiếu đã hết room sẽ tăng giá là vì khi những cổ phiếu này được nới room, nhà đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng mua vào, đẩy giá tăng thêm, nên bây giờ mua trước chuẩn bị để sau này bán ra cho khối ngoại.

Kỳ vọng là một chuyện, thực tế có xảy ra hay không lại là chuyện khác. Cũng cần nhắc lại động thái mua trước những cổ phiếu có khả năng hoặc vừa lọt vào VN-30 hoặc danh mục các quỹ ETF với kỳ vọng sẽ được nhà đầu tư nước ngoài mua thêm nhưng nhiều trường hợp đã... hớ khi cổ phiếu không tăng giá, thậm chí giảm giá.

Nhà đầu tư nước ngoài nếu có mua vào, cũng không hề muốn mua đắt, trong khi đó cũng có nhiều tổ chức đã tham gia thị trường từ khá lâu nên cũng có thể nắm rõ động thái của các nhà đầu tư khác.

Vì vậy mới có thêm những giả thiết cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã có những phương án chuẩn bị, ủy thác nguồn tiền thông qua những đơn vị khác để mua trước, theo kiểu "đặt cục gạch" để chờ thông tin chính thức rằng cổ phiếu này, cổ phiếu kia được nới room sẽ ra tay mua vào.

Cũng từ giả thiết này nên mới có suy luận từ thông tin nới room đã phản ánh hết vào giá cổ phiếu. Vì khi thông tin chính thức, nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần mua lại từ các đơn vị đã được ủy thác thông qua giao dịch thoả thuận, không tác động đến cung cầu của cổ phiếu trên sàn nên khả năng tăng giá khó xảy ra.

Ngoài những cổ phiếu đã hết room nhưng vẫn thu hút sức cầu của khối ngoại thì ẩn số cũng có thể đến từ những cổ phiếu chưa hết room. Thoạt nghe rất vô lý vì bình thường chưa hết room thì khi room được nới tiếp liệu có thể hấp dẫn được người mua hay không?

Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra nếu bên mua thích mua theo kiểu để có thể tạo ra sự chi phối đáng kể trong doanh nghiệp, hay nói một cách ngắn gọn là "không mua thì thôi, còn đã mua là phải mua lô lớn".

Tuy nhiên, việc xác định được những "ẩn số” quả thực rất khó. Nếu như những cổ phiếu tốt, vốn hóa lớn đã hết room còn có thể xác định dễ dàng vì số lượng chỉ tầm vài chục đổ lại thì số lượng cổ phiếu chưa hết room lớn hơn rất nhiều.

Công ty nào, ngành nghề gì và tình trạng của doanh nghiệp ra sao sẽ khiến nhà đầu tư nước ngoài mạnh tay mua vào? Nhưng như đã nói ở trên, dù khả năng được nhà đầu tư nước ngoài mua chi phối xảy ra thì chừng đó vẫn chưa đủ để tạo sóng cho những cổ phiếu này, vì còn phụ thuộc vào cách mua.

Nếu bên mua đã gom hàng từ trước, thì khi thông tin được công bố, cũng là thời điểm để chính thức hoá việc sở hữu mà thôi, những đợt sóng nếu có, nhiều khi chỉ là sự hào hứng nhất thời của thị trường.

Thực tế, ngay cả khi thông tin chính thức xuất hiện thì cũng chưa chắc giả thiết nào đúng đắn, bởi lẽ thị trường chứng khoán chịu nhiều tác động từ đám đông.

Chẳng hạn nếu giá cổ phiếu đã được phản ánh đầy đủ liên quan đến thông tin nới room, nhưng khi thông tin chính thức xuất hiện, sự hào hứng, tâm lý tích cực của đám đông có thể đẩy giá cổ phiếu tăng thêm một phần nào đó, điều này không ai dự báo được.

Chỉ biết chắc rằng, thông tin chính thức càng lâu xuất hiện thì càng có thêm nhiều giả thiết và cả những hành động... rình rập để tìm kiếm cơ hội sinh lời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Room... rình rập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO