Quỹ mở: "Mở" đến đâu?

24/04/2013 04:05

Mất đi vai trò là nhà tạo lập thị trường do kinh doanh không mấy sáng sủa, liệu tới đây triển vọng của các quỹ đầu tư có tốt đẹp hơn?

Quỹ mở:

Mất đi vai trò là nhà tạo lập thị trường do kinh doanh không mấy sáng sủa, liệu tới đây triển vọng của các quỹ đầu tư có tốt đẹp hơn?

Tìm kiếm những dự án khả thi, mang lợi nhuận cao đang là áp lực đối với các quỹ đầu tư

Năm 2013 là lộ trình cho các quỹ đầu tư đứng trước hai lựa chọn: thoái hết vốn và đóng quỹ hoặc chuyển đổi sang loại hình quỹ mở. Mỗi hình thái đều phản ánh kỳ vọng tương lai về thị trường chứng khoán.

Lỗ lã nặng kéo dài

Ở thời điểm này, không mấy quỹ đầu tư có sự hứng khởi về thị trường như những năm 2006-2007. Các nhà đầu tư thường nhìn vào mức chiết khấu để đánh giá hiệu quả kinh doanh của quỹ. Nếu mức chiết khấu âm lớn, hẳn là tương lai của quỹ không tốt đẹp và ngược lại.

Thực tế hiện nay, hầu hết các quỹ đều có tỷ lệ chiết khấu âm, tức giá trị trên thị trường chứng khoán đang thấp hơn giá trị tài sản của quỹ. Chẳng hạn, tính đến 21/3, giá chứng chỉ quỹ MAFPF1 có mức chiết khấu (-20,67%); VFMVF4 (-21,43%), VFMVF1 (-20,94%)…

Nếu nhìn vào cơ cấu tiền lời của các quỹ, đa số đến từ tiền gửi ngân hàng, trong khi các khoản đầu tư chứng khoán đều thua lỗ. Đơn cử, trong năm 2012, VFMVF4 kiếm được lãi từ cổ tức và tiền lãi ngân hàng gần 30 tỷ đồng, còn các khoản đầu tư cổ phiếu lỗ đến 108 tỷ đồng.

Theo Báo cáo kiểm toán 2012 của MAFPF1 thì lãi đến từ cổ tức 2,7 tỷ đồng, lãi trái phiếu 7 tỷ đồng và lãi tiền gửi ngân hàng 240 triệu đồng, trong khi lỗ kinh doanh chứng khoán 4,5 tỷ đồng.

Cơ cấu tiền lời của PRUBF1 cũng tương tự: lãi từ cổ tức chiếm 12 tỷ, lãi trái phiếu 19 tỷ, lãi tiền gửi ngân hàng 19 tỷ đồng và lỗ do kinh doanh chứng khoán 23 tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy sự thua lỗ đều do thị trường chứng khoán suy giảm quá dài và quá sâu. Nhìn xa hơn, các quỹ đều không mấy tin tưởng khả năng kiếm lợi từ thị trường này.

Ông Trần Thanh Tân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM), Chủ tịch Câu lạc bộ Quản lý Quỹ Việt Nam cho biết, hiện đã xuất hiện các công ty quản lý quỹ không đảm bảo được hệ số an toàn tài chính.

Thêm vào đó, số lượng các công ty quản lý quỹ có kết quả kinh doanh âm đã tăng lên đáng kể so với năm 2011. Các quỹ đều đang đứng trước áp lực rút vốn. Nếu thị trường chứng khoán không được cải thiện, chắc chắn áp lực thoái vốn sẽ mạnh hơn.

Bên cạnh đó, quá trình triển khai các sản phẩm mới cũng không khả quan. Các quỹ đang được hình thành đều có quy mô vốn ban đầu nhỏ, chưa kể mức độ quan tâm của nhà đầu tư cá nhân tới sản phẩm quỹ là rất thấp.

Chuyển đóng thành mở?

Trong xu thế chung, một quỹ muốn thu hẹp mức chiết khấu giữa giá trị tài sản ròng (NAV) và mức giá thị trường của một chứng chỉ quỹ thì động thái thường thấy là thu hút vốn, tăng NAV lên; mua lại chứng chỉ quỹ và cuối cùng là chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở.

Chuyển đổi sang quỹ mở là lối thoát khả dĩ và khá dễ chịu với các quỹ vào lúc này. Một trong những ưu điểm lớn nhất của quỹ mở là khi nhà đầu tư cần thoái vốn thì có thể thoái được ngay chứ không đợi phải họp đại hội nhà đầu tư như quỹ đóng và thoái vốn với giá bằng đúng NAV của quỹ.

Thế nhưng, việc không chấp thuận chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở của nhà đầu tư MAFPF1 trong đại hội nhà đầu tư thường niên 2013 (diễn ra ngày 28/3 vừa qua) cho thấy, đây cũng không phải là điều dễ dàng. Điều này có nghĩa là MAFPF1 sẽ phải đóng quỹ vào tháng 9/2014 khi hết thời hạn hoạt động.

Theo Ban điều hành, MAFPF1 tiếp tục đầu tư vào cổ phiếu niêm yết và sắp niêm yết trên sàn nhằm tạo ra giá trị tăng trưởng dài hạn, đồng thời duy trì tiền mặt, tiền gửi ngân hàng theo tỷ lệ phù hợp. Cụ thể, tham số tiền mặt mục tiêu của quỹ là 20%, đáp ứng cơ bản về nhu cầu tiền mặt cho việc mua lại chứng chỉ quỹ của nhà đầu tư tại mỗi kỳ giao dịch chứng chỉ quỹ.

Danh mục còn lại bao gồm 80-100% NAV đầu tư vào cổ phiếu niêm yết và 0-10% NAV vào cổ phiếu chưa niêm yết. Lý do khiến các nhà đầu tư từ chối chuyển đổi và quyết định đóng quỹ là do với chiến lược này, nhiều năm liền quỹ đã không thể chia cổ tức.

Mở liệu có sáng?

Quỹ đầu tư Bảo Thịnh VinaWealth (VFF) là quỹ đầu tiên hoạt động theo hình thức quỹ mở. VFF chính là sản phẩm của Công ty cổ phần Quản lý Quỹ VinaWealth (VinaWealth), hiện có vốn điều lệ 39,21 tỷ đồng, trong đó VinaCapital sở hữu 49%, còn lại là các nhà đầu tư cá nhân trong nước.

VFF dự kiến đầu tư 80% NAV vào trái phiếu doanh nghiệp và 20% vào trái phiếu chính phủ, với cơ cấu danh mục đầu tư có thể thay đổi tùy tình hình thị trường. Mục tiêu của quỹ là đạt tỷ lệ lợi nhuận cao hơn lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng, cụ thể tại thời điểm hiện tại ít nhất cao hơn 3% so với lãi suất tiền gửi.

Về mặt hiệu quả có lẽ chưa thể bàn đến vì quỹ này mới đi vào hoạt động, nhưng có thể tham chiếu hoạt động của VinaCapital. Rõ ràng bề dày kinh nghiệm của VinaCapital sẽ hậu thuẫn lớn cho VFF.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, thế mạnh của VinaCapital là ở thị trường bất động sản, nên nếu chiếu theo mục tiêu đầu tư của VFF là trái phiếu, liệu có sự "trái tay" trong chiến lược, khả năng đầu tư và kinh nghiệm thương trường?

Trong khi chờ quỹ mở đầu tiên của Việt Nam chứng minh năng lực của mình thì thế giới đã kịp tổng kết rủi ro từ nó: quỹ mở thường phải duy trì một lượng tiền mặt khá lớn để phòng ngừa việc phải mua lại một số lượng lớn chứng chỉ quỹ. Mặc dù điều này mang lại tính thanh khoản cao cho nhà đầu tư, nhưng nó lại làm giảm lợi suất tiềm năng của danh mục.

Công ty quản lý quỹ chịu áp lực phải mua lại chứng chỉ quỹ khi có yêu cầu của nhà đầu tư. Vì thế, cơ cấu đầu tư vốn của quỹ mở không ổn định so với quỹ đóng.

Tăng trưởng NAV khó có đột biến do áp lực rút vốn này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc dòng vốn có thể rút nhanh khỏi thị trường khi có những biến động bất lợi và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giao dịch của thị trường chứng khoán.

Thực tại thì quỹ mở đầu tiên khá cẩn trọng với các quyết định đầu tư nếu chiếu theo các rủi ro trên. Nhưng xem ra đây là quyết định có tính toán trong thời điểm hiện nay.

Vì ngay cả Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm trong tay tiềm lực về vốn khá lớn, được điều hành bởi những quan chức cao cấp của chính phủ, hiểu rõ thị trường mà vẫn tìm kiếm lợi nhuận từ tiền gửi ngân hàng, có mức độ rủi ro cực thấp. Hành động của SCIC một phần cho thấy chỉ dấu về một tương lai kinh doanh chưa sán lạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quỹ mở: "Mở" đến đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO