Nới tín dụng BĐS: Mở đường cho tăng trưởng tín dụng

THÙY CHI| 08/06/2016 01:28

Lộ trình điều chỉnh dòng tín dụng bất động sản (BĐS) được Ngân hàng Nhà nước kéo giãn tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2016.

Nới tín dụng BĐS: Mở đường cho tăng trưởng tín dụng

Lộ trình điều chỉnh dòng tín dụng bất động sản (BĐS) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kéo giãn tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại (NHTM) hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2016.  

Đọc E-paper

Cởi trói cho bất động sản

Cuối tháng 5 vừa qua, NHNN ban hành Thông tư 06/2016 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014 quy định về giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Điểm nổi bật của Thông tư 06 là NHNN đã nhìn thấy được điều thị trường cần là mục tiêu tăng hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS và giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực BĐS.

Cụ thể, hệ số rủi ro được NHNN tăng từ 150% lên 200% thay vì 250% như trong dự thảo và tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được giữ nguyên mức 60% đến hết năm 2016, sau đó giảm dần xuống 50% từ 1/1/2017, và từ 1/1/2018 sẽ xuống 40%.

NHNN sửa đổi Thông tư 36 không có ý nghĩa siết chặt hay nới lỏng vốn tín dụng vào lĩnh vực BĐS mà chủ yếu nhắm đến mục tiêu tăng khả năng thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng và điều chỉnh dòng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Bản chất của việc tăng hệ số rủi ro là chỉ yêu cầu các NHTM khi cho vay kinh doanh BĐS phải dự trữ nguồn vốn lớn hơn chứ không hạn chế tỷ lệ nguồn vốn cho vay lĩnh vực này. Vì thế nếu NHTM nào có những khách hàng, dự án đầu tư tiềm năng vẫn có thể chọn giải pháp tăng vốn để cho vay BĐS.

Đây được xem là động thái tích cực của NHNN hướng đến việc phát triển thị trường BĐS. Trước hết, ngay khi Thông tư được ban hành, các NHTM đã tính toán lại các khoản vay để lên kế hoạch cho những lần giải ngân sắp tới. Nhiều ngân hàng còn cho biết đang tính toán lại hạn mức đối với một số doanh nghiệp (DN) BĐS.

Quả vậy, trước khi Thông tư 36 sửa đổi được ban hành, các ngân hàng đã phải đau đầu với chuyện cân đối trên tổng thể dư nợ tín dụng đổ vào lĩnh vực BĐS cộng với phân tích về hệ số an toàn vốn (CAR). NHNN cho rằng nếu hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS được tăng lên mức 250% thì hệ số CAR của hệ thống tổ chức tín dụng sẽ giảm khoảng 1%.

Trong khi đó, đến tháng 3/2016, hệ số CAR của hệ thống tổ chức tín dụng ở mức 13%. Nếu giảm xuống mức 12% thì vẫn cao hơn 4% so với quy định của NHNN. Vì thế dư địa để tăng dần hệ số rủi ro mà vẫn đảm bảo an toàn vốn là khá lớn.

Có lẽ chính vì vậy mà trong Thông tư 06, NHNN quyết tâm giữ hệ số rủi ro lên mức 200% nhưng lùi thời gian áp dụng thêm 6 tháng. Điều này cho thấy một mặt NHNN rất cương quyết trong việc kìm giữ mức độ an toàn vốn cho hệ thống tổ chức tín dụng, mặt khác đã lắng nghe và chia sẻ lo lắng về vốn của các DN kinh doanh BĐS.

Mở đường cho tăng trưởng

Quan sát các tháng đầu năm 2016 cho thấy, mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống đang có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, nguồn vốn các NHTM đổ vào lĩnh vực BĐS vẫn tăng trưởng khá đều. Nay, khi Thông tư 36 sửa đổi được áp dụng, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của ngân hàng sẽ có chuyển biến.

Một điểm nhấn cũng khá quan trọng góp phần vào việc tăng trưởng tín dụng của các NHTM là lúc này cần nỗ lực đẩy mạnh tín dụng trong thời gian còn lại của năm, bằng cách duy trì mặt bằng lãi suất đến hết năm để DN dễ vay vốn. Đồng thời, các ngân hàng còn tiếp tục đề nghị NHNN xem xét nới room tín dụng để có thể đẩy vốn ra thị trường nhiều hơn.

Chẳng hạn Nam A Bank, OCB, Viet Capital Bank hay HDBank,... đều cho biết đang trong quá trình đề nghị tăng room tín dụng để có thêm dư địa cho vay. Đặc biệt là trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, khi nhu cầu vốn được dự báo sẽ cải thiện.

Đánh giá được đưa ra từ lãnh đạo Sacombank cũng cho hay, khả năng tín dụng trong quý còn lại của năm sẽ được cải thiện mạnh so với 3 quý đầu năm. Đây cũng là thời điểm kinh doanh tốt nhất của ngành ngân hàng trong năm. Vì thế, Sacombank sẽ cân nhắc để xây dựng các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, trước sức mua của thị trường và tồn kho BĐS chưa mấy cải thiện, để đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ tín dụng vẫn được xem là một thách thức lớn với ngành ngân hàng. Mặt khác, chính sách lãi suất cho vay được các chuyên gia đưa ra nhận định sẽ tiếp tục xu hướng đi xuống, nhưng tăng trưởng tín dụng hiện nay không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào lãi suất mà còn phụ thuộc vào chính sách tăng trưởng dư nợ của các NHTM.

Bên cạnh đó, sức mua của thị trường cũng là một trong những yếu tố quyết định việc tăng trưởng tín dụng. Mặt khác, nợ xấu tăng cao chắc chắn ngân hàng phải thận trọng. Nếu DN BĐS nào đã vướng vào nợ xấu sẽ khó rót thêm vốn cho vay. Còn với DN BĐS chưa vướng vào nợ xấu vẫn phải xem xét đến yếu tố thị trường có tiêu thụ được hàng hóa hay không mới quyết định vay vốn ngân hàng, nên tín dụng dù được dự báo tăng, song khó tăng mạnh.

>Tín dụng bất động sản: Đóng hay mở?

>Siết tín dụng bất động sản: Ý kiến của doanh nghiệp TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nới tín dụng BĐS: Mở đường cho tăng trưởng tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO