Nới room cho khối ngoại: Kỳ vọng vào nguồn vốn mới

THÀNH HUÂN/DNSGCT| 14/07/2015 08:36

Nguồn vốn ngoại vừa giúp nâng cao tính thanh khoản cho thị trường, vừa thu hút vốn cho doanh nghiệp niêm yết.

Nới room cho khối ngoại: Kỳ vọng vào nguồn vốn mới

Thị trường chứng khoán nước ta ra đời năm 2000, ngày càng phát triển và đến nay đã có mức vốn hóa khoảng 60 tỷ USD, giá trị giao dịch bình quân khoảng 110 triệu USD/phiên.

Đọc E-paper

Nhà đầu tư nước ngoài đóng một vai trò quan trọng với thị trường, lượng vốn đầu tư gián tiếp vào nước ta liên tục tăng và đến nay đã đạt trên 12 tỷ USD.

Room (thuật ngữ mà các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thường dùng, chỉ tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty đại chúng) cho nhà đầu tư nước ngoài hiện là 49%.

Trong số 667 doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn, có trên 30 doanh nghiệp đã hết room và khoảng 10 doanh nghiệp chuẩn bị hết room.

Các doanh nghiệp này chiếm khoảng 30% giá trị vốn hóa thị trường và hầu hết là những doanh nghiệp đầu ngành với các chỉ số tài chính tốt, nằm trong top 50 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt, minh bạch về tài chính.

Đó là lý do vì sao Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi được ban hành cuối tháng 6 vừa qua lại được giới đầu tư chứng khoán quan tâm đến vậy.

>>Chính phủ đồng ý nới "room" chứng khoán cho NĐT ngoại

Nghị định này đã mở ra cơ hội gia tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp được quản trị tốt, minh bạch về tài chính – hầu hết là những doanh nghiệp đã hoặc sắp kín room nếu theo mức hiện nay.

Theo nghị định, hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực đều được nới room tối đa 100%, ngoại trừ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%.

Có thể nói, nguồn vốn ngoại luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thị trường chứng khoán nước ta, giúp nâng cao tính thanh khoản cho thị trường và thu hút vốn cho doanh nghiệp niêm yết.

Theo các nhà làm chính sách, sau mỗi đợt điều chỉnh room, đều có một làn sóng vốn ngoại đổ vào Việt Nam và lần này có lẽ cũng không phải ngoại lệ.

Thời điểm nới room cũng được tính toán kỹ, đó là khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) bắt đầu có hiệu lực (từ 1/7/2015), để những chính sách mới có thể dễ dàng “cộng hưởng”.

>>Nới room cho nhà đầu tư ngoại: Kỳ vọng vực dậy ngành đóng tàu

Không những vậy, để giúp việc mở room tối đa cho các nhà đầu tư nước ngoài giúp thu hút mạnh nguồn vốn gián tiếp chảy vào Việt Nam, lần này hoạt động “tiếp thị chính sách” đã được các nhà hoạch định triển khai khá hiệu quả.

Đó là hội nghị xúc tiến đầu tư “Việt Nam của tôi, điểm đến đầu tư của bạn”, do Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức (từ 1/7 đến 5/7) tại New York (Mỹ).

Hội nghị đã thu hút khoảng 150 quỹ đầu tư nước ngoài tham dự và dĩ nhiên một trong những điểm mà các nhà đầu tư Mỹ quan tâm nhất chính là Nghị định 60 vừa được ban hành.

Nhiều nhà đầu tư lớn tại quốc gia này cho biết sẽ rót tiền vào Việt Nam khi nghị định này được áp dụng. Năng lượng, khai mỏ, cho thuê văn phòng, giải trí sẽ là những lĩnh vực mà các nhà đầu tư Mỹ yêu thích.

Ngoài ra, ngân hàng và bất động sản cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ngành dệt may thì được chú ý nhờ các hiệp định thương mại tự do đã và sẽ được ký kết trong thời gian tới mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may nước ta.

Nghị định 60 dĩ nhiên có ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp niêm yết “hợp khẩu vị” của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó phải kể đến những doanh nghiệp kín hoặc gần kín room.

>>M&A DNNN: Nên "nới room" trên 51%

Top 10 công ty đã kín room có vốn hóa lớn trên thị trường là VNM (Vinamilk), FPT, MWG (Thế giới di động), REE, DHG (Dược Hậu Giang), HCM (Chứng khoán TP.HCM), PNJ (Vàng bạc đá quý Phú Nhuận), PVI, BMP (Nhựa Bình Minh), CTD (Coteccons), đều là những doanh nghiệp thuộc loại đầu ngành.

Tuy nhiên, trong số này cũng có những cái tên như VNM và DHG – dù mở room thì các nhà đầu tư nước ngoài cũng khó tăng thêm tỷ lệ sở hữu, vì Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang giữ một lượng lớn cổ phần (xấp xỉ 45%) và không hề có ý định giảm tỷ lệ này.

Kỳ vọng vào việc gia tăng sở hữu của khối ngoại trong thời gian tới với những doanh nghiệp này là rất khó. Với 490,3 triệu cổ phiếu VNM đang nắm giữ, giá trị đầu tư của khối ngoại tại doanh nghiệp này tính đến 6/7/2015 là 56.874,8 tỷ đồng.

Dù vậy, nhìn chung, Nghị định 60 vẫn mở ra nhiều cơ hội đầu tư cho khối ngoại.

Động thái mở room tối đa cho các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ kích thích nguồn vốn gián tiếp chảy vào thị trường chứng khoán, mà còn có tác động tích cực đến tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới. Sẽ có khoảng 340 doanh nghiệp được cổ phần hóa trong giai đoạn 2015-2017 và tổng giá trị sổ sách ước tính được bán đấu giá khoảng 25 tỷ USD.

Được biết, các doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực công nghệ, điện lực, viễn thông đang có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Các nhà làm chính sách cũng đang nỗ lực để việc nới room này nhanh chóng được áp dụng trên thực tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, hướng dẫn của Nghị định 60 sẽ có ngay trong tháng 7 này và không chỉ các công ty niêm yết, kể cả các công ty bảo hiểm cũng sẽ được nới room đến 100%.

Như vậy, trừ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định, tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài chỉ phụ thuộc vào quyết định của đại hội cổ đông công ty đại chúng.

Tất cả đều kỳ vọng rằng những chính sách mới như vậy sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư gián tiếp vào nước ta, qua đó tái cơ cấu lại thị trường tài chính, tiền tệ trong thời gian tới.

>>Nới “room” cho khối ngoại: “Cứ đón cá vào ao đã!”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nới room cho khối ngoại: Kỳ vọng vào nguồn vốn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO