Nổi nhờ "phao ngoại"?

HÀ LINH| 06/12/2013 09:22

Chỉ trong tháng 11, khối nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài liên tục mua ròng với giá trị đạt tới 428,39 tỷ đồng. Điều này giúp thị trường chứng khoán có những bước tăng trưởng khá tích cực.

Nổi nhờ

Chỉ trong tháng 11, khối nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài liên tục mua ròng với giá trị đạt tới 428,39 tỷ đồng. Điều này giúp thị trường chứng khoán có những bước tăng trưởng khá tích cực. Giao dịch trong tháng 11 diễn ra rất sôi động với giá trị giao dịch tăng 25,17% so với tháng 10. Những con số lạc quan này làm dấy lên hy vọng thị trường có thể khởi sắc trở lại, ít nhất là vào những ngày cuối cùng của năm.

Đọc E-paper

Nếu quan sát, dễ thấy trên sàn HOSE, NĐT ngoại tiếp tục mua ròng tháng thứ 3 liên tiếp, với giá trị mua ròng đạt 351,56 tỷ đồng. Giá trị mua vào là 3.180,73 tỷ đồng, còn giá trị bán ra là 2.829,16 tỷ đồng. Như vậy, đây cũng là tháng mua ròng thứ 8 của họ trên sàn HOSE kể từ đầu năm.

Trong tháng vừa qua, khối này mua ròng tập trung 2 mã SII (118,88 tỷ đồng) và HPG (115,09 tỷ đồng), giúp cho CP của SII đứng ở mức 17.000 đồng/CP, tăng 0,59% so với mức giá 16.900 đồng hồi cuối tháng 10.

Tương tự, HPG cũng đã tăng 8,33%, lên mức 40.300 đồng/CP. Ở chiều ngược lại, họ bán ròng 2 mã VIC và HAG, với giá trị bán ròng đạt lần lượt 172,6 tỷ đồng và 110,93 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, tổng khối lượng mua ròng của NĐT ngoại đạt 9,84 triệu CP, tương đương giá trị mua ròng là 76,83 tỷ đồng. Như vậy, đây cũng là tháng mua ròng thứ 10 của nhóm này trên HNX trong 11 tháng của năm nay.

Trên sàn này, các NĐT ngoại mua ròng chủ yếu 3 mã SHB (29,16 tỷ đồng), PVS (26,5 tỷ đồng), VND (26,28 tỷ đồng). Trong tháng 11, SHB có mức tăng trưởng nhẹ 1,45%, PVS tăng 7,14%, còn VND cũng đã tăng tới 13,18% so với thời điểm cuối tháng 10.

Không chỉ đơn thuần rót tiền đầu tư mà qua liệt kê, rõ ràng xu hướng đầu tư của khối NĐT ngoại có phần thay đổi. Đã có dịch chuyển vốn tạm thời sang nhóm CP bất động sản, ngân hàng, tài chính hoặc các mã CP vừa và nhỏ chưa tăng nhiều hoặc có tương quan chênh lệch giá lớn so với nhóm blue chip.

Diễn biến giao dịch cũng cho thấy NĐT nước ngoài đã sẵn sàng quay trở lại những CP mà cách đây không lâu ai cũng thấy chúng có rất nhiều rủi ro.

Con số đầu tư của khối ngoại được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tháng còn lại của năm 2013 vì các chỉ số nền kinh tế đã có bước khởi sắc tương đối tốt. Đơn cử, tăng trưởng của Việt Nam tiếp tục tăng dần qua các quý và ước đạt 5,54% trong quý III.

GDP quý IV dự báo sẽ tăng ở mức 6% do tổng cầu nền kinh tế sẽ chuyển biến tích cực hơn khi tính đến tính chất mùa vụ và tác động của độ trễ chính sách (khoảng 9 tháng) trong những tháng cuối năm.

Do vậy, tăng trưởng cả năm được dự báo có phần khả quan hơn so với mức dự báo ban đầu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (5,3%). Một số chỉ số kinh tế vĩ mô chính có dấu hiệu khả quan hơn trong tháng như sản xuất, xuất khẩu, lạm phát và vốn đầu tư FDI.Chỉ số chứng khoán nêu trên cũng cho thấy dấu hiệu đã qua đáy trung dài hạn.

Ngoài ra, điểm rất cụ thể để thu hút dòng vốn ngoại tiếp tục đầu tư đó là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước luôn nỗ lực trong việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý thị trường chứng khoán, tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập thị trường và thu hút thêm nhiều NĐT nước ngoài tham gia.

Thừa nhận điều này, ông Ryu Sang Ho, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư chứng khoán Hàn Quốc (KIS), nhận định, sản xuất công nghiệp phục hồi rõ nét hơn.

Nguồn vốn FDI khả quan và cơ cấu vốn tích cực. Bên cạnh đó, trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá (15,2%), nhập siêu ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đây là nền tảng tốt để các quỹ đầu tư cũng như NĐT nước ngoài tiếp tục xác định Việt Nam là nơi để hoạt động mang tính lâu dài.

Không chỉ về vấn đề vĩ mô, nếu quan sát các chỉ số, rõ ràng những yếu tố vi mô của nền kinh tế cũng đã hồi phục. Theo thống kê, bức tranh về lợi nhuận quý III/2013 của các doanh nghiệp niêm yết đã ít nhiều có sự chuyển biến với nhiều gam màu sáng hơn.

Tính đến nay, các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý III/2013. Đáng ghi nhận là số doanh nghiệp báo lỗ đã giảm và doanh nghiệp ghi nhận lãi ròng trong quý đã tăng lên so cùng kỳ năm trước.

Các mã blue chip như: VNM, PPC, GAS, PVD, KDC, FPT, CSM, HPG, VCB, REE, PGS đều công bố kết quả kinh doanh tốt trong quý III và dự kiến sẽ vượt kế hoạch năm 2013.

Đặc biệt, trong tháng 11, số doanh nghiệp báo lỗ tạm dừng ở con số 84 với tổng giá trị lỗ 500 tỷ đồng. Số doanh nghiệp giảm lợi nhuận so với cùng kỳ là 169, trong khi đa số các doanh nghiệp còn lại đã nỗ lực thoát lỗ hay ghi nhận tăng trưởng (245 doanh nghiệp).

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BSC), nền tảng vĩ mô dần ổn định và đang được cải thiện, thông tin kết quả kinh doanh quý III và sự tham gia tích cực dòng vốn ngoại đã kích thích dòng vốn nội tham gia tích cực hơn.

Hơn nữa, tháng 12 là thời điểm các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) rà soát danh mục quý IV/2013 sẽ kéo dòng tiền trở lại và tạo ra một xu hướng rõ rệt hơn.

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán BSC cũng lưu ý rằng, theo số liệu hiện hành, ETF VNM dự kiến sẽ thoái vốn khoảng 150 tỷ đồng ở thị trường Việt Nam và điều này dự báo sẽ tạo áp lực không nhỏ lên thị trường.

Khi thị trường không có tin hỗ trợ, xu hướng đi ngang sẽ là chủ đạo trong tuần tới và áp lực chốt lãi trước thời điểm ETFs cơ cấu danh mục được dự báo sẽ gia tăng.

Do vậy, BSC tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng về hoạt động đầu tư trong ngắn hạn, cần thiết giữ tỷ trọng CP an toàn và sẵn sàng mua vào các CP cơ bản giảm sâu khi các ETFs cơ cấu danh mục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nổi nhờ "phao ngoại"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO